Ấn tượng với vị tướng dạn dày trận mạc

Lần đầu tiên tôi được gặp Trung tướng Đàm Văn Ngụy vào năm 1994, khi đó ông là đại biểu Quốc hội khóa IX, tôi là phóng viên theo dõi hoạt động của Quốc hội.

Lúc bấy giờ, Quốc hội họp ở Hội trường Ba Đình (địa điểm của Nhà Quốc hội hiện nay). Hồi ấy số lượng phóng viên theo dõi Quốc hội rất ít, lại được tác nghiệp ngay tại phòng họp; giờ giải lao, cả đại biểu và nhà báo được uống bia hơi ở nhà kính ngay trong khuôn viên của Hội trường nên mối quan hệ giữa các nhà báo và đại biểu Quốc hội rất thân thiết.

Tôi có cảm tình đặc biệt với Trung tướng Đàm Văn Ngụy, một vị tướng là Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1 nhưng có khuôn mặt rất hiền và luôn gần gũi anh chị em phóng viên. Đặc biệt là ông phát biểu tại các cuộc thảo luận cả ở tổ và tập trung tại Hội trường đều rất thẳng thắn, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh.

Vợ con Trung tướng Đàm văn Ngụy ở Thái Nguyên. Trong những lần về Hà Nội họp Quốc hội, ông thường nghỉ ở Trạm 66. Vì thế tôi có khá nhiều cơ hội để nghe được nghe ông kể chuyện thời chiến tranh. Đến năm 2016, khi về nhận công tác tại Quân khu 1, tôi may mắn có điều kiện gần gũi với Đại tá Đàm Văn Dũng là con trai của cố Trung tướng Đàm Văn Ngụy nên những bí ẩn xung quanh giai thoại của “Cọp trắng Đông Bắc” đã được sáng tỏ.   

leftcenterrightdel

Trung tướng Đàm Văn Ngụy (thứ nhất, hàng trên, bên trái) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ nhất, hàng trên bên phải) đến thăm Quân khu 1 năm 1989. Ảnh tư liệu 

Trung tướng Đàm Văn Ngụy là người Tày, sinh năm 1927 ở xã Xuất Tính (nay là xã Minh Khai), huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Ban đầu là liên lạc cho cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật ở huyện Thạch An.

Đến tháng 12-1944, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập, ông đã có tên trong danh sách triệu tập nhưng do bận làm nhiệm vụ tại địa phương, nên phải đến gần một tháng sau (tháng 1-1945), ông mới chính thức gia nhập Đội và là một trong những đội viên trẻ tuổi nhất khi đó (18 tuổi). Sau một số trận trực tiếp chiến đấu, đến tháng 6-1945, ông được giao nhiệm vụ làm tiểu đội phó, trực tiếp chỉ huy tiểu đội trong cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền vào tháng 8-1945 ở các địa phương thuộc Cao Bằng và Lạng Sơn.

Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), ông đã có mặt tại Lạng Sơn để chỉ huy tiểu đội nhiều lần đẩy lui các đợt xung phong của quân đội Pháp ở đây. Trong đó có trận đánh nổi tiếng cản và rút sau cùng ở Cơn Pheo (Lạng Sơn) để cán bộ của tỉnh Lạng Sơn thoát khỏi vòng vây của địch.

Khi Trung đoàn chủ lực 174 (còn gọi là Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng) được thành lập, ông được điều động làm cán bộ trung đội thuộc Tiểu đoàn 249 của Trung đoàn này, trực tiếp nằm dưới sự chỉ huy của “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt. Tại đây, tất cả những gì tinh túy trong nghệ thuật phòng ngự, phục kích và chiến đấu của “Đệ tứ quốc lộ Đại Vương” Đặng Văn Việt đã được ông tiếp thu và phát huy nhanh chóng.

Vốn là người gắn bó với rừng núi từ khi mới lọt lòng mẹ nên ông thông thạo với núi rừng. Ở địa bàn Đông Bắc, ông đã đề xuất cấp trên, đưa ra chiến thuật đánh du kích trên địa bàn rừng núi, với phương châm “lấy ít địch nhiều, giảm thương vong” và sử dụng linh hoạt các chiến thuật đánh phục kích, công đồn… từ nhỏ đến lớn. Chiến thuật này đã gây tổn thất nặng nề và làm thất bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp.

Ông thường xuyên “hóa thân” thành người dân địa phương, trực tiếp trinh sát địa hình rồi vừa là người chỉ huy, vừa là người xung phong đầu tiên trong những trận phục kích trên đường số 4 trong suốt những năm 1947-1950. Với cách đánh đặc biệt như hổ vồ, Trung đội trưởng Đàm Văn Ngụy được quân viễn chinh Pháp đặt cho cái tên là  “Cọp trắng Đông Bắc”.  

Sau hơn nửa thế kỷ, một số người dân ở Lạng Sơn, Cao Bằng vẫn còn nhớ về hình ảnh của “hai con hổ” là “Hùm xám đường số 4” và “Cọp trắng Đông Bắc”. Cả đoàn quân Pháp hung hăng đi cướp bóc, quấy phá dân, chỉ cần nghe có quân của “Cọp trắng Đông Bắc” hoặc “Hùm xám đường số 4” là vội vàng rút chạy về đồn.

Trung tướng Đàm Văn Ngụy không nhớ hết được mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh trên đường số 4, ông chỉ nhớ tới những trận tiêu biểu, trong đó có trận vào tháng 4 năm 1947, đơn vị ông phục kích đánh đoàn xe quân sự Pháp ở Bó Củng, tiêu diệt nhiều xe cơ giới và thiết giáp của giặc Pháp. Trận phục kích vào tháng 8 năm 1949, ông dẫn trung đội xung phong đánh vào đúng giữa đoàn xe quân sự Pháp ở Lũng Vài, chia cắt đội hình, gây rối loạn, tạo điều kiện cho đơn vị tiến công diệt nhiều xe và lính Âu Phi.

Người gây nỗi khiếp sợ cho lữ đoàn dù “bất khả chiến bại” Mỹ

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đàm Văn Ngụy được ra nước ngoài học rồi về nước tiếp tục gắn bó với Trung đoàn 174 Anh hùng trên cương vị là trung đoàn phó, rồi trung đoàn trưởng.

Tháng 4-1967, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy dẫn đầu Trung đoàn 174 vượt Trường Sơn vào miền Nam, bổ sung vào mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, vào tháng 11-1967, ông chỉ huy đơn vị đánh một trận “kinh thiên động địa” với "Lính nhà trời" - Lữ đoàn dù 173 của Mỹ trên đồi 875 trong chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Trung tướng Đàm Văn Ngụy (thứ hai, từ trái qua) được nghỉ hưu (năm 1997). Ảnh do gia đình cung cấp.

Trước đó, vào tháng 10-1967, biết ta chuẩn bị mở chiến dịch ở bắc Kon Tum, địch vội vàng kết thúc cuộc hành quân Mac Arthur ở Gia Lai, chuyển hướng về vùng rừng núi trên Đắk Tô, hình thành hai cụm căn cứ quân sự tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên: Cụm 1 tại khu vực ngã ba đường 14 và đường 18, cụm 2 dọc đường 18. Lực lượng, gồm: Lữ đoàn 1, Sở Chỉ huy hành quân, cụm kho hậu cần của Mỹ và Trung đoàn 42 ngụy.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đắk Tô, buộc chúng phải điều quân ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện tiêu diệt quân Mỹ, làm tan rã quân ngụy. Trung đoàn 174 được xác định đánh trận then chốt quyết định của chiến dịch.

Trung đoàn bố trí một đại đội chốt ở điểm cao 882 và một đại đội chốt ở điểm cao 875. Ngoài ra, còn bố trí một đại đội trợ chiến ở khu vực Tây điểm cao 875 làm nhiệm vụ vận động tiến công kết hợp chốt để tiêu diệt địch, tạo thế vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, bảo đảm đánh bại các đợt phản kích, đột kích của Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn dù 173 của địch khi chúng lọt vào thế trận chuẩn bị sẵn ở khu vực điểm cao 875.

Chiến dịch Đắk Tô bắt đầu từ ngày 3-11-1967, khi quân đội Mỹ đổ 1 tiểu đoàn xuống dãy Ngọc Bơ Biêng nhưng bị quân giải phóng đánh lui, buộc địch phải điều động Lữ đoàn dù 173 lên Đắk Tô để tăng cường sức chiến đấu.

Nắm được ý định này, Trung đoàn 174 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy đã sử dụng lực lượng tại các chốt phục kích, vây ép, kết hợp pháo kích, buộc Lữ đoàn dù 173 của địch phải triển khai lực lượng ở thế bất lợi; từ đó, nhanh chóng chuyển hóa thế trận từ phục kích sang vận động tiến công địch vào khu vực điểm cao 875.

Sau khi đánh địch đổ bộ đường không, thực hiện ý định chiến thuật, Trung đoàn 174 bỏ chốt 882, chuyển Tiểu đoàn 3 và một phần Tiểu đoàn 1 về điểm cao 875, hình thành thế trận phòng ngự “chân kiềng” sẵn sàng đánh địch tại khu vực này.

Đúng như Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy dự đoán, ngày 18-11-1967, một tiểu đoàn của Lữ  đoàn dù 173 mò lên điểm cao 875 đã đụng độ với bộ phận chốt của Trung đoàn 174 và bị thương vong khoảng 90 binh sĩ phải lui về chỗ cũ.

Ngày 19 và 20-11-1967, Mỹ tập trung bom, pháo bắn phá dữ dội vào cao điểm 875. Sau mỗi đợt hỏa lực chuẩn bị, bộ binh Mỹ xông lên nhưng đều bị Trung đoàn 174 đánh dạt xuống. Đến chiều ngày 20, tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn 173 đã dốc toàn bộ lực lượng mở một cuộc tấn công lên. Nhưng lần này chúng đã bị 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 174 đánh vòng tạt sườn và sau 3 tiếng đồng hồ giao tranh quyết liệt, Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn 173 gần như bị xóa sổ.

Như con bạc khát nước, Mỹ tiếp tục đổ thêm quân xuống cao điểm 875, chỉ chờ có vậy, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy lệnh cho các đơn vị dùng hỏa lực khống chế các bãi đổ bộ, tiêu diệt địch cho quá trình đổ bộ đường không. Trong suốt buổi chiều 20-11, Mỹ mất đến 8 chiếc máy bay trực thăng chở quân và hàng trăm tên lính phải đền tội. 

Trong cả ngày 21-11, Mỹ cho các loại bom pháo bắn dữ dội vào cao điểm 875. Chiều tối ngày 21, Mỹ xua quân đánh lên chốt và chiếm được một đoạn chiến hào. Hai bên đánh giáp lá cà quyết liệt suốt nhiều giờ. Đến sáng sớm ngày 22, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Nguy ra lệnh phản kích, dùng lựu đạn và tiểu liên đẩy lính Mỹ xuống giành lại đoạn chiến hào.

Vài ngày sau khi chiến dịch kết thúc, đài BBC của Anh bình luận: "Lữ đoàn dù 173 Hoa Kỳ là đơn vị sừng sỏ chưa từng biết thua trận, lần đầu tiên đã tháo chạy trước Việt Cộng". Những binh lính của Lữ đoàn dù 173 còn sống sót đã trả lời báo chí  rằng: "Họ đánh tạt sườn và giỏi không chịu được”.

Chỉ huy mũi chủ yếu đánh trận then chốt của chiến dịch Tây Nguyên

Tháng 7-1973, Trung tá Đàm Văn Ngụy được trở lại hậu phương miền Bắc, được bổ nhiệm giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 Anh hùng. Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định. Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ đặc biệt là huấn luyện sát với địa hình miền Nam để sẵn sàng tạo ra những đòn quyết định góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 9-1-1975, Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy chỉ huy sư đoàn hành quân bằng xe cơ giới vào chiến trường miền Nam. Ngày 3-2-1975 sư đoàn tới Đắc Đam (Tây Nguyên) đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ Quốc phòng giao lúc đó là : Đi nhanh, đến gọn, đủ, an toàn và bí mật.

Nhiệm vụ đầu tiên của Sư đoàn 316 đến Tây Nguyên là đưa Trung đoàn 148 và Trung đoàn 174 làm nhiệm vụ chặn viện dọc đường 14, Trung đoàn 149 làm lực lượng dự bị của chiến dịch sẵn sàng đánh vào Gia Nghĩa hoặc đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột. 

Sau khi nghiên cưu chiến trường, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định  dùng Sư đoàn 316 làm lực lượng đột kích chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột, mà trọng điểm là sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Ngày 18 -2 -1975, Đảng ủy Sư đoàn 316 họp lãnh đạo thực hiện phương án tác chiến. Trong 4 hướng đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 316 đảm nhiệm 3 hướng quan trọng nhất.

Ngày 5-3 -1975, Sư đoàn 316 bắt đầu triển khai lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột. Ngay đêm ấy, từ hướng Nam, Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy cùng Trung đoàn 149 và các đơn vị tăng cường, vượt đường 14. Ngày 6-3 vượt sông Xê Băng Hiêng, luồn rừng, vòng xuống vùng ngoại vi phía Nam thị xã, bí mật lách qua các đồn bảo an, dân vệ. Đêm ngày 8 tiếp tục vượt sông Sê Rê Pốc tiến vào sát thị xã. Đêm ngày 9-3, vào chiếm lĩnh trận địa chờ lệnh nổ súng, các loại pháo lớn, xe tăng đêm 9-3 mới vượt sông Sê Rê Pốc.

Ngày 6-3, Trung đoàn 174 tiếp cận sông Sê Rê Pốc, tối 8 vượt sông rất bí mật, đêm 9 vào chiếm lĩnh trận địa. Từ hướng Tây Bắc, Trung đoàn 148 xuất phát ngày 7-3, đêm 9-3 cũng đã vào tới vị trí xuất phát tiến công.  

Đúng 1 giờ 30 phút ngày 10-3, đặc công ta bắt đầu nổ súng mở đầu cuộc tiến công vào chiếm sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế ở Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó, hỏa lực chiến dịch của ta trút đạn vào các mục tiêu trong thị xã. Đến 4 giờ 30 phút ta đã làm chủ được khu Nam và Tây Nam sân bay. 

leftcenterrightdel

Trung tướng Đàm Văn Ngụy

Trung đoàn 95B đánh chiếm sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, sau đó cùng đặc công phát triển chiến đấu làm chủ sân bay thị xã. 9 giờ ngày 10-3, Trung đoàn 148 bắt đầu tiến công. 10 giờ 40 phút, tiểu đoàn 4 hoàn thành mở cửa trên mũi tiến công chính, đánh thẳng vào thị xã. 

Sau khi chiếm lĩnh một số mục tiêu, Trung đoàn 148 tiếp tục cùng xe tăng phát triển đánh sâu vào bên trong, tiến vào Ngã Sáu cùng phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 95B.

Trung đoàn 198 trên hướng tây nam đánh vào khu kho Mai Hắc Đế. Trung đoàn 174 vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công địch ở Chư Duê. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu tiền duyên và mở xong cửa mở, trung đoàn đánh theo trục đường 14 vòng qua kho Mai Hắc Đế thọc thẳng vào trung tâm thị xã. Địch dùng máy bay và pháo binh đánh trả quyết liệt, song không ngăn chặn được bước tiến của ta.  

Đến hết ngày 10-3, cả 4 hướng đánh vào Buôn Ma Thuột đều giành thắng lợi, ta đã chiếm được nhiều vị trí, còn khu sân bay Hòa Bình, sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy ta chưa tiến công được. Cũng ngay trong ngày 10-3, địch tăng cường liên đoàn 21 về Buôn Ma Thuột nhằm phản kích chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế, Ngã Sáu, tiểu khu Đắc Lắc và bảo vệ sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.  

5 giờ 30 phút ngày 11-3, cuộc tiến công mới của ta bắt đầu. Sư đoàn 316 tiếp tục tổ chức bao vây và đột phá vào sở chỉ huy địch. Sau khi hỏa lực pháo binh bắn vào các mục tiêu đã định, 6 giờ 30 phút, bộ binh ta trên các mũi bắt đầu tiến công.

Trung đoàn 174 hình thành 3 mũi: 1 mũi do tiểu đoàn 3 có xe tăng đi cùng phối hợp với tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24. Một mũi do đại đội 11 tiểu đoàn 3 được tách ra từ đầu thực hiện. Một mũi do tiểu đoàn 1 Trung đoàn 174 có xe tăng chi viện đánh từ hướng tây nam vào. Trung đoàn 149 hình thành 2 mũi: Tiểu đoàn 7 đánh từ phía nam lên, tiểu đoàn 8 từ tiểu khu Đắc Lắc đánh thọc sang sở chỉ huy.

Các mũi của ta đồng loạt tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Mũi tiểu đoàn 7 Trung đoàn 149 sau khi đánh chiếm một loạt vị trí, đã tiến công vào khu tham mưu, diệt tại chỗ 269 tên, bắt 19 tên rồi tiến vào khu trung tâm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy lúc 10 giờ 30 phút.   

Thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ của Sư đoàn 316 trong trận then chốt của chiến dịch Tây Nguyên dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy đã hoàn thành một cách xuất sắc. 

 

Trên tuổi của Trung đoàn 174 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử Lữ đoàn dù 173 Sky Soldiers – niềm tự hào của Quân đội Mỹ như những trang hồi ức đẫm máu, bi thiết nhất: "Họ đánh tạt sườn và giỏi không chịu được".

Đó là những gì mà sách báo và các binh sĩ - sĩ quan của Lữ đoàn dù 173 "Lính nhà trời" nhận xét về trận đánh ở cao điểm  875 Đắk Tô năm 1967. Chỉ huy trận đánh đó là Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy.

 

Đồng chí Trung tướng Đàm Văn Ngụy (bí danh Văn Chung), dân tộc Tày sinh ngày 1-5-1927 tại xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Tham gia cách mạng năm 1942. Tháng 1-1945, đồng chí nhập ngũ tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.  

Từ tháng 12-1947 đến tháng 6-1952, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Trung đội phó Đại đội 181, Trung đoàn 28; Quản trị trưởng, Trung đội trưởng Đại đội 508, Trung đoàn 174 ...

Tháng 2-1960, đồng chí giữ chức Tiểu đoàn trưởng; tháng 7-1964 là Trung đoàn phó, tháng 6-1965 là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Tháng 7-1972, đồng chí là Quyền Tư lệnh Sư đoàn 7 .

Tháng 7-1973, đồng chí giữ chức Sư đoàn trưởng  Sư đoàn 316.

Tháng 7-1979, đồng chí là Tư lệnh Quân đoàn 26, kiêm Chỉ huy trưởng  mặt trận Cao Bằng.

Tháng 1-1981, đồng chí được điều động giữ chức Phó tư lệnh Quân khu 1.

Tháng 4-1987, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 1, đại biểu Quốc hội khóa VII,  khóa VIII.

Đến tháng 1-1997, đồng chí được quân đội cho nghỉ hưu.

Đồng chí mất ngày 15-2-2015 tại Hà Nội. 

 

 

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đàm Văn Ngụy luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao và giữ trọn phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, thủy chung với bạn bè, đồng chí, đồng đội. Toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện học tập và noi gương đồng chí.

 - Đại tướng Phùng Quang Thanh - 

ĐỖ PHÚ THỌ