Đó là vào cuối năm 1974, sau ngót 10 năm đi chiến trường miền Nam, tôi thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây nguyên (B3) ra Bộ Tổng Tư lệnh báo cáo và nhận nhiệm vụ liên quan đến Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Sau khi làm việc với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu về dự đoán tình hình chiến trường, dự kiến nhiệm vụ Tây Nguyên năm 1975 và những vấn đề bảo đảm cho Tây Nguyên, tôi được Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Tây Nguyên và căn dặn mọi việc chuẩn bị triển khai nhiệm vụ. Tiếp đó, Đại tướng Văn Tiến Dũng giao đồng chí Vũ Quang Hồ, Cục phó Cục Tác chiến ngày hôm sau đưa tôi sang gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp để chính thức nhận nhiệm vụ.

Chúng tôi sang nhà riêng của Đại tướng tại số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội). Thời gian đó, Đại tướng mới đi chữa bệnh ở Liên Xô về. Trên đường đi, tôi nghĩ nhanh trong đầu, chắc Đại tướng sẽ giao nhiệm vụ ngay vì như Đại tướng Văn Tiến Dũng nói tình hình đang hết sức khẩn trương. Trái ngược với suy nghĩ của tôi, Đại tướng ung dung rót nước mời tôi (lúc này, ngoài Đại tướng và tôi, không ai được phép có mặt).

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu 

Mở đầu, Đại tướng nói:

 - Trong hai năm 1968-1969, Đường dây 559 bị đánh phá ác liệt, việc tiếp tế cho Tây Nguyên gần như bị tê liệt. Trong tình hình khó khăn như thế, tinh thần bộ đội ra sao? Mỗi ngày, mỗi người được mấy lạng gạo?

Tôi liền thưa:

- Bộ đội chiến đấu phía trước mỗi người mỗi ngày ưu tiên hai lạng. Thương binh, bệnh binh một lạng rưỡi. Cơ quan và phía sau mỗi người một lạng và phải kiếm thêm rau rừng.

Nghe đến đây, tôi thấy Đại tướng lấy khăn lau nước mắt. Tự nhiên nước mắt tôi cũng trào ra. Đại tướng hỏi tiếp:

- Đói thế, đồng bào khu căn cứ địa có chạy vào vùng địch hậu kiếm ăn không? Tình hình hiện nay như thế nào rồi? 

Tôi thưa với Đại tướng:

 - Tuy đói thế nhưng bộ đội và nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, không chút hoảng loạn. Từ năm 1970, Đường dây 559 thông suốt nên gạo, đạn, thuốc men chuyển vào tương đối đầy đủ. Bộ đội còn đem gạo phân phát cho dân nữa. Quân dân đều phấn khởi.

Nghe đến đây, nét mặt Đại tướng tươi hẳn lên. Người hỏi tiếp:

 - Đồng chí vào Tây Nguyên từ năm nào?

Tôi liền thưa:

- Dạ, báo cáo Đại tướng, tôi vào Tây Nguyên năm 1965 cùng Sư đoàn 325B, đúng lúc Mỹ đưa quân lên Tây Nguyên.

- Thế đồng chí được ra Bắc nghỉ dưỡng mấy lần rồi? Đại tướng hỏi.

- Dạ, đây là lần đầu tiên ra Bắc. May lần này được Bộ tư lệnh Tây Nguyên cử ra nhận mệnh lệnh ạ!

Nghe đến đây, tôi thấy Đại tướng thay đổi sắc mặt, hỏi:

 - Thế Bộ tư lệnh Tây Nguyên không chấp hành lệnh của bộ à? Cứ 3 năm cho anh em cán bộ cao cấp ra nghỉ dưỡng một tháng. Xong lại vào cơ mà!

Tôi vội thưa:

- Bộ tư lệnh Tây Nguyên vẫn chấp hành nghiêm ạ. Trường hợp tôi vì phụ trách tác chiến nên mọi mặt đều phải thường xuyên nắm chắc. Mỗi lần nghỉ tranh thủ phải mất 3 tháng (1 tháng nghỉ, 2 tháng ra và vào). Như vậy, Bộ tư lệnh sẽ gặp khó khăn nên động viên tôi cố gắng, sẽ tạo điều kiện sau. Và tôi cũng vui vẻ chấp nhận ạ!

Suy nghĩ một lát, Đại tướng nói tiếp:

 - Thôi được rồi, cố gắng lần này vào Tây Nguyên làm cho tốt, xong sẽ cho cậu ra đưa vợ con đi nghỉ an dưỡng Đồ Sơn 3 tháng. À quên, cậu có mấy con rồi?

Tôi thưa:

 - Dạ, hai đứa ạ!

 - Thế thì tốt rồi! Thế Bộ Tổng Tham mưu có bố trí đưa chị cùng ra Hà Nội không? Đại tướng hỏi.

Tôi nhanh nhảu thưa:

- Dạ, các anh rất chu đáo, đã đón nhà tôi ra nghỉ tại Nhà khách Bộ Quốc phòng rồi ạ. Còn các cháu phải ở nhà đi học.

Cứ vậy, suốt gần một tiếng đồng hồ, Đại tướng xoay quanh hỏi chuyện đời sống bộ đội, gia đình, tôi bắt đầu thấy sốt ruột. Thời gian gấp lắm rồi mà thấy Đại tướng cứ ung dung tự tại. Tôi nghĩ, người lãnh đạo cao nhất của quân đội trước tình hình khẩn trương mà vẫn ưu tiên thăm hỏi về đời sống của bộ đội và nhân dân trong chiến trường; rồi còn hỏi cặn kẽ tình hình cán bộ và gia đình hậu phương thì thật cảm động. Từ đó, tôi tự tìm ra kết luận cho mình rằng: Sở dĩ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ đội cũng luôn sẵn sàng xông lên phía trước để chiến thắng là vì có người Tổng chỉ huy tối cao như thế. Ông là học trò gần gũi của Bác Hồ. Ngoài tài thao lược xuất chúng, lại tiếp thu một cách sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ, thể hiện phẩm chất đạo đức và tính nhân văn, đã thu phục được lòng cán bộ, chiến sĩ toàn quân-nhân tố quyết định đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi tâm niệm, đó cũng là bài học cho mọi cán bộ trong Quân đội ta.

Tiếp đó, bắt đầu vào công việc chính mà tôi theo sứ mệnh được Bộ tư lệnh Tây Nguyên giao cho. Trước hết, tôi báo cáo tóm tắt tình hình chung và phán đoán tình hình địch sắp tới, dự kiến kế hoạch hoạt động của Tây Nguyên và nhiệm vụ mà Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt QUTƯ và Tổng Tư lệnh đã giao. Cùng với đó là những nội dung đã làm việc với Bộ Tổng Tham mưu.

Đại tướng nói: "Mọi công việc đã làm với cậu thì anh Văn Tiến Dũng đã báo cáo với tôi rồi. Nhiệm vụ cứ thế mà chấp hành. Tôi nhắc thêm, tình hình đang chuyển biến mau lẹ. Sau khi Mỹ rút, hơn một năm qua, tình hình quân ngụy ngày càng sa sút. Nhiệm vụ của Tây Nguyên sắp tới cực kỳ quan trọng. Không chỉ cho Tây Nguyên mà cho toàn cục diện trên chiến trường. Tình hình xoay chuyển đến đâu phụ thuộc phần lớn vào chiến thắng của Tây Nguyên. Cậu vào báo cáo với Bộ tư lệnh và anh Vũ Lăng (đồng chí Vũ Lăng lúc đó là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) như vậy. Các anh cũng đã nhận thức được vấn đề này. Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại. Vì đây sẽ quyết định cho toàn chiến trường sắp tới. Tôi nói lại, trách nhiệm lần này đặt trên vai LLVT Tây Nguyên. Bộ tư lệnh phải tập trung mọi khả năng từ chỉ huy bộ đội và chuẩn bị vật chất, tinh thần cho nhiệm vụ. Bộ sẽ tập trung mọi khả năng cho chiến trường Tây Nguyên. Cậu đã rõ chưa?". Tôi trả lời: "Dạ đã rõ ạ!". Nhưng tôi rất lo rằng liệu mình có chuyển tải được hết tinh thần này cho Bộ tư lệnh hay không. 

Sau khi dặn thêm mọi vấn đề, Đại tướng nói, cần tranh thủ vào ngay để triển khai cho kịp. Nhưng Đại tướng không quên nhắc lại là, vào làm nhiệm vụ cho tốt rồi sẽ cho ra nghỉ 3 tháng để bù lại 10 năm xa vợ con. Nghe đến đây, tôi thực sự xúc động và muốn động viên vợ con để kịp vào chiến trường. Và tôi biết việc này không dễ làm công tác tư tưởng cho vợ. Nhưng biết làm sao khi nhiệm vụ đặt ra với tôi hết sức nặng nề. Lúc này phải đặt nhiệm vụ chiến trường lên trên hết.

Đúng như điều tôi lo lắng, sau khi về nói với vợ, cô ấy lặng người đi rồi cứ thế khóc. Mọi người trong nhà khách đến động viên. Nhưng tôi nghĩ, nhà tôi không dễ nguôi ngoai, bởi cô ấy đã trải qua 10 năm xa cách chồng trong điều kiện chiến tranh, một nách hai con theo cơ quan đi sơ tán hết chỗ này đến chỗ khác.

Cả đêm không ngủ vì vợ tôi cứ ngồi ôm mặt khóc. Ruột gan tôi rối bời...

(còn nữa)

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN QUỐC THƯỚC, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4