Tâm nguyện suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), sinh ngày 13-9-1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chính Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1933, ông đỗ đầu cả hai kỳ thi tú tài (tú tài Tây và bản xứ).

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng tham quan khu lưu niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa. 

Vì nhà nghèo, ông không thể ra Hà Nội học đại học và trở về làm giúp việc cho người Thư ký kế toán tòa sứ Mỹ Tho (trong thời gian này, ông tự học thêm về Luật). Đến tháng 9-1935, ông sang du học tại Pháp. Trong những năm tháng du học, mặc dù Chính phủ Pháp nghiêm cấm người dân thuộc địa học tại các trường dạy nghề vũ khí, hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí nhưng ông vẫn quyết tâm theo học, tốt nghiệp kỹ sư và làm việc tại các nhà máy điện khí, sản xuất máy bay, viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Pháp, Đức; đồng thời là hội viên của Hội Việt Nam ái hữu tại Pháp.

Trong suốt quá trình này, ông đã bí mật nghiên cứu, tích lũy kiến thức về chế tạo vũ khí để trở về phục vụ đất nước. Đến năm 1946, sau 11 năm học tập, nghiên cứu, ông đã sưu tầm, ghi chép được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí.

Tháng 9-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã từ bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ ở châu Âu, theo Bác Hồ trở về nước, sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, khó khăn, hy sinh, gian khổ để hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, với tâm nguyện suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngày 5-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa.

Đặt nền móng phát triển khoa học và công nghệ quân sự

Theo nhiều tài liệu ghi chép, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, để đối phó với kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh, ngoài huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng là nhiệm vụ đặc biệt cấp thiết. Với kiến thức tích lũy, ông đã trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo chế tạo súng, đạn Bazoka, súng không giật SKZ và bom bay (đạn bay).

Các bạn trẻ tham quan, tìm hiểu tại khu lưu niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa. 

Trong thời điểm cực kỳ khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến, việc nghiên cứu, chế tạo thành công vũ khí có ý nghĩa rất quan trọng. Điều đó được chứng minh khi ta ngăn chặn và bẻ gãy cuộc tiến công của Pháp tại Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) vào sáng ngày 3-3-1947. Tại đây, súng Bazoka do ông chế tạo đã bắn cháy 2 xe tăng, khiến địch sửng sốt, hoảng hốt, vội vã rút về Hà Nội. Với loại vũ khí này, cuộc chiến đấu của quân và dân ta từng bước giành được thắng lợi quan trọng.

Nổi bật là, Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, ta đã bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô. Không chỉ tiêu diệt được xe tăng, xe thiết giáp, súng Bazoka còn tiêu diệt xe cơ giới, tàu chiến tuần tiễu trên sông, trận địa hỏa lực, lô cốt của địch và cả tốp bộ binh khi chúng tập trung đông. Với uy lực sát thương cao, súng Bazoka đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề trên khắp các chiến trường, nhanh chóng xoay chuyển tình thế, góp phần làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.

Đối với súng không giật SKZ, như súng SKZ60mm, nặng 35kg, tính luôn đạn, có khả năng xuyên bê tông dày 60cm, có trọng lượng nhẹ, tháo, lắp, vận chuyển mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang với đại bác và bom bay, đáp ứng được cách đánh công đồn của bộ đội ta, hạn chế thương vong khi đánh địch cố thủ trong các lô cốt bê tông cốt thép như.

Phòng trưng bày tại khu lưu niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa.

Trong Chiến dịch Lê Hồng Phong I (từ 7-2 đến 15-3-1950), Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 đã sử dụng đánh phá chướng ngại vật kiên cố của địch, kịp thời yểm trợ cho bộ binh đột phá, xung phong giành thắng lợi tại các trận đánh Phố Lu và phố Ràng (Lào Cai)... Cùng với đó, súng SKZ được cải tiến đã phát huy tác dụng trong các trận chiến đấu công đồn như: Trận Chùa Dầu (Ninh Bình), Kông Plông (khu V)... gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Sự xuất hiện của loại vũ khí này làm quân Pháp khiếp sợ, buộc phải xây dựng lại hệ thống công sự, đồn bót.

Ngoài súng Bakoza và SKZ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa còn nghiên cứu, chế tạo thành công bom bay có tầm bắn từ 3 đến 4km, thường dùng đánh địch co cụm. Bên cạnh đó, ông cùng với cán bộ trong Nha Kỹ thuật còn nghiên cứu cải tiến, chế tạo thành công nhiều loại súng cối; riêng cối 120mm có tính năng bắn cầu vồng và bắn thẳng, đã phát huy tác dụng to lớn trong các trận phục kích địch trên sông.

Phương châm “tự cấp, tự túc” vũ khí đánh giặc

Cùng với nghiên cứu chế tạo vũ khí, ông còn chỉ đạo cán bộ quân giới mở các lớp bồi dưỡng kỹ thuật, đào tạo công nhân, hướng dẫn giúp các địa phương tự chế tạo lựu đạn bằng gang, sành, các loại mìn, thủy lôi... Vì vậy, số lượng vũ khí được tăng lên, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, góp phần thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân và phương châm “tự cấp, tự túc” vũ khí đánh giặc. Chính những công trình nghiên cứu này, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Khu lưu niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa, nằm tại ấp Phú Mỹ 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. 

Nếu ở chiến trường miền Bắc, súng Bazoka và SKZ gây khiếp sợ cho xe tăng, thiết giáp và cả những công sự kiên cố của Pháp thì ở miền Nam, địa bàn bị chia cắt, công tác bảo đảm vũ khí gặp rất nhiều khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, các đơn vị đã tích cực nghiên cứu, chế tạo, cải tiến vũ khí bảo đảm cho kháng chiến.

Ngoài những loại thiết kế theo mẫu có sẵn như lựu đạn, mìn, đạn cối, súng Bazoka, các đơn vị còn chế tạo nhiều vũ khí mới như đạn, súng pêta, SSAL, SSAT, cải tiến bom phóng để bắn thẳng, thủy lôi gây nổ bằng điện, địa lôi, súng cối 60mm và các loại vũ khí có uy lực nhỏ thành vũ khí có uy lực sát thương lớn như bệ phóng VB14 (loại vũ khí được địch ví như “B52”), bệ phóng phi lôi... phù hợp với chiến trường Tây Nam Bộ và được mệnh danh là loại “bom” mới không cần dùng máy bay, nhưng gây thiệt hại lớn cho địch trong các trận đánh với ta.

Với những thành tích nghiên cứu, chế tạo, cải tiến vũ khí, đạn thời kỳ kháng chiến chống chống Pháp trên địa bàn, ông đã được tặng thưởng Giải thưởng sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước vào năm 2000.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã cùng các nhà khoa học nghiên cứu thành công nhiều biện pháp kỹ thuật chống bom từ trường, bom bi, bom laser, mìn lá, lựu đạn của địch; đồng thời cải tiến nâng cao hiệu suất chiến đấu của các loại vũ khí như: Cải tiến hỏa tiễn đất đối đất H6 thành đất đối không để đánh máy bay tầm thấp, góp phần hạn chế địch đánh phá các đầu mối giao thông trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Trong đó, việc nghiên cứu, chế tạo thành công xe phóng từ trường từ xa có thể phá bom ở cự ly 130m là một thành công về kỹ thuật.

Ngoài ra, ông cùng các nhà khoa học tiến hành cải tiến thành công nhiều vũ khí quan trọng như: Giàn hỏa tiễn Kachiusa do Liên Xô viện trợ, từ nặng, cồng kềnh thành gọn, nhẹ, phù hợp với chiến trường Việt Nam mà vẫn đảm bảo công năng; nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt phục vụ cho đánh tàu chiến của địch ở ngoài khơi như tia hồng ngoại, ra đa, thủy lôi APS, loại gọn nhẹ để bộ đội đặc công tác chiến, cũng như nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để rà phá, tháo gỡ và vô hiệu hóa thủy lôi, bom từ trường mà Mỹ thả xuống các cửa sông, cảng biển.

Khu lưu niệm Giáo sư Trần Đại Nghĩa có gần 1.000 tài liệu, hiện vật. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và để các thế hệ hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, ông đã cùng các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo thành công bộ khí tài KX để nâng cao khả năng phát hiện máy bay B52 khi bị gây nhiễu và cải tiến nâng độ cao của tên lửa SAM-2, giúp bộ đội ta bắn rơi “siêu pháo đài bay” của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Thắng lợi vang dội của Chiến dịch Phòng không Hà Nội 1972, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa chính là người đặt nền móng kiến tạo và phát triển khoa học và công nghệ quân sự, đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật thế giới lúc bấy giờ.

QUANG ĐỨC (lược ghi)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.