Việc đồng chí Hoàng Đình Giong luôn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao đảm nhiệm công tác chính trị, quân sự trọng yếu, trong điều kiện phong trào cách mạng gặp thách thức, khó khăn, trực tiếp tác động đến quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ thành quả cách mạng đã nói lên phẩm chất, năng lực của người lãnh đạo xuất chúng, nhà quân sự tài năng thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam, được thể hiện trên một số nội dung cụ thể.

1. Trực tiếp tham gia lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa

Ngay sau khi bị Trường Bách Nghệ, Hà Nội đuổi học (tháng 3-1926) do tham gia phong trào bãi khóa để đấu tranh đòi tổ chức lễ tang cho nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Hoàng Đình Giong đã trở về quê hương Cao Bằng tiếp tục mang nhiệt huyết, khát vọng đấu tranh tuyên truyền lòng yêu nước, căm thù giặc cho các lớp học sinh; tích cực tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, thanh niên yêu nước, tiến bộ trong và ngoài nước.

Cuối năm 1927, Hoàng Đình Giong quyết định sang Trung Quốc, liên lạc, tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức; được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1928), vào Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 12-1929) và được phân công làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc, trở thành lớp đảng viên, cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Đảng.

Đồng chí vừa là người lãnh đạo, tổ chức kêu gọi vừa là người trực tiếp giảng dạy thanh niên yêu nước ở Cao Bằng sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện để tạo nguồn cán bộ cho phong trào cách mạng; nhiều đồng chí sau này trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, như: Đồng chí Hoàng Văn Nọn và đồng chí Lê Đoàn Chu.

Bằng uy tín, năng lực của mình, đồng chí Hoàng Đình Giong đã giới thiệu các học viên xuất sắc, như: Nguyễn Hồng Nam, Hoàng Hồng Việt, Đàm Thế Vinh, Hoàng Phúc An, Hoàng Văn Mộc, Nông Văn Đô đến Xưởng cơ khí Nam Hưng, phố Nam Môn, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây học kỹ thuật sửa chữa vũ khí, chế tạo lựu đạn; sau đó đưa vào học tại Trường Quân chính của Quốc dân Đảng ở Nam Ninh; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng (1-4-1930).

Tại Đại hội Đảng lần thứ Nhất của Đảng (1935), đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, trở về nước tổ chức, chỉ đạo phong trào công nhân đấu tranh ở Hải Phòng, Quảng Ninh.

leftcenterrightdel
Đồng chí Hoàng Đình Giong. Ảnh tư liệu 

2. Trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuối năm 1944, đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng phân công cùng với Tỉnh ủy Cao Bằng khẩn trương xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật; Đảng bộ Cao Bằng họp và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban; lãnh đạo, tập trung lực lượng, nhanh chóng giành chính quyền tại thị xã Cao Bằng và trực tiếp chỉ huy một đơn vị Giải phóng quân tiến vào thị xã Cao Bằng (ngày 22-8-1945).

Cách mạng Tháng Tám thành công, với tên mới là Võ Đức (Vũ Đức), đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, chi viện cho chiến trường miền Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và bằng uy tín, tài năng của nhà quân sự Võ Đức, chỉ trong thời gian ngắn, đã kêu gọi thanh niên, lực lượng vũ trang các địa phương nhanh chóng tổ chức, kịp thời xuất quân 5 chi đội, gồm: Chi đội 3 Giải phóng quân, Chi đội Vi Dân, Chi đội Thu Sơn, Chi đội Bắc Bắc, Chi đội Độc lập 1.

Trên cương vị Khu bộ trưởng Khu 9 và Khu 6, chỉ huy chiến đấu trên địa bàn miền Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ; với tầm nhìn người chỉ huy quân sự xuất chúng, Khu bộ trưởng Vũ Đức đã quyết định nhiều vấn đề có tầm chiến lược, như: Xây dựng căn cứ địa kháng chiến; phát triển và thống nhất các lực lượng vũ trang; giải quyết vấn đề Đại đoàn kết dân tộc, nhất là đoàn kết lương, giáo, Việt, Khmer; mở mặt trận đoàn kết quốc tế chống Pháp; chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực về căn cứ địa để tránh sự truy lùng, bố ráp của địch và củng cố, xây dựng lực lượng cho kháng chiến lâu dài; chỉ đạo, bồi dưỡng, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng các đơn vị chủ lực...

Nhờ đó, lực lượng vũ trang, phong trào chiến tranh nhân dân ở các địa bàn này phát triển mạnh mẽ, tạo lợi thế cho cách mạng và gây nhiều thiệt hại nặng nề cho địch.

3. Tấm gương mẫu mực về người chỉ huy tận trung với nước, tận hiếu với dân

Trên mọi cương vị được giao, đồng chí Hoàng Đình Giong luôn được Đảng, Bác Hồ, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ hết mực tin yêu, quý trọng bởi tác phong gần gũi, gắn bó, chia sẻ với quần chúng, gian khổ không sờn lòng, hiểm nguy không chùn bước, trọn đời hiến dâng cho lý tưởng cộng sản, “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đồng chí được nhân dân, nhất là đồng bào Nam Bộ hết mực kính trọng, tin yêu, gọi thân mật là “Cụ Vũ”. Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận: “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp...”.

Đại tá, TS THÁI DOÃN TƯỚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.