Nỗ lực giúp dân
Sáng nào cũng vậy, vừa kết thúc ca trực tại khu dân cư xóm 4, tổ dân phố Giao Thủy, các cán bộ, chiến sĩ dân quân Ban CHQS thị trấn Châu Ổ, do anh Trần Tấn Sỹ, Trung đội trưởng Trung đội dân quân cơ động phụ trách lại có mặt đông đủ tại khu vực bãi bồi ven sông để... cắt cỏ cho bò. Chỉ trong chốc lạt, hàng chục bó cỏ voi, cỏ mật xanh non mơn mởn đã được các chiến sĩ chất đầy trên xe, chở thẳng vào làng. Dừng xe trước căn nhà cấp 4 đã khóa trái, anh Mai Xuân Sang, Khẩu đội trưởng Khẩu đội súng máy 12,7mm cất giọng: “Bác Kỳ ơi, cháu vào cho bò ăn nhé”. Nghe tiếng gọi, từ trong nhà, ông Trần Kỳ (53 tuổi) hé cửa sổ, nói vọng ra: “Trời nắng nôi thế này, thấy các chú vì bà con mà vất vả, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm”.
 |
Chiến sĩ dân quân huyện Bình Sơn giúp người dân trong khu phong tỏa chăm sóc đàn gia súc. |
Tuổi cao sức yếu, từ ngày xóm 4 bị phong tỏa, mọi sinh hoạt của vợ chồng ông Trần Đông (85 tuổi) gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các cán bộ, chiến sĩ dân quân xã. Ngoài việc đi chợ, mua sắm, tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết cho vợ chồng ông, ngày nào, anh Trần Văn Luân, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân cơ động cũng đến tận nhà chăm sóc bầy gà và mấy luống rau xanh, giúp ông bà yên tâm “ở đâu, ở yên ở đó”. Bên “chiếc cần câu cơm” là chú bò nhỏ buộc ở góc chuồng, ông Đông cảm kích: “Nó là cơ hội thoát nghèo của vợ chồng tôi đấy. Được mấy chú dân quân chăm sóc, cho ăn cho uống đầy đủ, mới mấy hôm mà nó có da, có thịt hẳn lên rồi”.
Được giao nhiệm vụ chăm sóc, nhổ cỏ, lấy nước, bón phân cho 6 sào lúa đang trổ đòng đòng của gia đình ông Trần Minh Tiện (51 tuổi, trú tại xóm 4), chiều nào sau khi xong việc đồng áng, anh Đỗ Minh Đầy, Tổ đội trưởng dân quân cũng tranh thủ chụp vài tấm hình về thành quả lao động của mình gửi về cho chủ nhân của những đám ruộng yên tâm. Đồng chí Nguyễn Lâm Trúc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Châu Ổ cho biết: “Để bà con yên tâm thực hiện các quy định phòng, chống dịch, hằng ngày, các chiến sĩ lại đến từng hộ dân nằm trong khu phong tỏa, giúp họ chăm sóc đàn gà, đàn vịt, cắt cỏ cho bò, lấy nước cho lúa, tưới nước cho cây... Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng tình cảm quân dân, tình làng nghĩa xóm vẫn luôn đong đầy, ấm áp”.
Ấm áp những chuyến xe “2 sọt, 0 đồng”
Chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của người dân trong các khu phong tỏa, những ngày qua, Ban CHQS xã Bình Phước đã đứng ra vận động, quyên góp được hàng chục triệu đồng, mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm gửi tặng bà con. Sau hơn một tuần “ở đâu, ở yên ở đó”, những hộ dân nghèo ở xóm 4, thôn Phú Long 3 đã quá quen với hình ảnh những chuyến xe “2 sọt, 0 đồng”, chở đầy rau, củ quả, thực phẩm tươi ngon, được các “sao vuông” chở đến tận nhà cấp phát.
 |
Dân quân huyện Bình Sơn trao quà hỗ trợ một hộ dân trong khu phong tỏa. |
Trên chiếc xe lăn cũ, trò chuyện với chúng tôi, ông Tô Văn Thu, một người dân cư trú ở xóm 4 cho biết: “Gia đình tôi có hai mẹ con, mẹ tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, còn tôi thì bị tai biết, nằm liệt một chỗ lâu. Trước đây, tôi có người chị họ thường xuyên qua lại, chăm sóc, nhưng tuần trước, chị ấy có tiếp xúc gần với một ca bệnh nên phải đi cách ly tập trung. May nhờ có mấy chú dân quân thường xuyên qua lại, giúp đỡ, lo cho cái ăn, cái uống nên mẹ con tôi vẫn cầm cự được”.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Trung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Phước, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ dân quân cơ động, dân quân tại chỗ hiện đang làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp đã quyết định xin nghỉ không lương, gửi con cái nhờ hai bên nội ngoại chăm nom, xung phong lên tuyến đầu chia lửa cùng anh em, đồng đội. Tiêu biểu trong số đó là đồng chí Bùi Thanh Viên, Trung đội trưởng phòng không và vợ chồng chiến sĩ Tô Thanh Hiếu, Tiểu đội trưởng dân quân cơ động (hiện cả hai vợ chồng anh Hiếu đã trở thành F0, được chuyển đi điều trị tại bệnh viện).
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, tuy hoàn cảnh nhiều cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn, song anh em luôn sẵn lòng nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Qua rà soát, nắm tình hình, phát hiện có nhiều hộ dân tuy nằm ngoài khu phong tỏa, không thuộc đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, nhưng thường xuyên thiếu trước hụt sau do bị mất việc làm, không có nguồn thu, Ban CHQS xã cũng xuống tận nhà tặng quà hỗ trợ. Của ít lòng nhiều, tấm lòng thơm thảo của các “sao vuông” được bà con vui mừng đón nhận.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc và những cách làm sáng tạo, nghĩa cử nhân văn cao đẹp, các “sao vuông” huyện Bình Sơn đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân của huyện nhà.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG