Trong nước, 4 nguy cơ, thách thức vẫn còn tồn tại và có mặt diễn biến phức tạp mới, trong khi đó các nguy cơ từ an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên, làm ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.
Song, với quyết tâm chính trị rất cao, chúng ta đã tập trung hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Theo đó, Đảng tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính với cải cách lập pháp và cải cách tư pháp; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp năm 2013... Do đó, chúng ta không chỉ đạt kết quả tích cực về hoàn thiện thể chế mà hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ta được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận; chính trị-xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống của nhân dân được cải thiện; vị thế và uy tín của đất nước ta, nhân dân ta và Đảng, Nhà nước ta được nâng cao, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Dự thảo Báo cáo chính trị cũng nhận định: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Thực thi pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe...”.
Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã và đang đặt ra yêu cầu mới ngày càng cao hơn, đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và Hội nhập quốc tế, vì vậy dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định chủ đề; quan điểm chỉ đạo; định hướng phát triển; những nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hết sức đúng đắn và cần thiết, theo tôi cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Trước hết, Đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung, quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tập trung ưu tiên các dự án luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người; hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; pháp luật về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa-thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; pháp luật về quốc phòng, an ninh; pháp luật về hội nhập quốc tế...
Hai là, tăng cường xây dựng và củng cố chính quyền các cấp vững mạnh, đề phòng xu hướng lạm dụng quyền lực trong bộ máy Nhà nước. Bởi, Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn bộ xã hội. Phần đông cán bộ, công chức Nhà nước là đảng viên. Do đó, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân thông qua hệ thống pháp luật, chính sách; thông qua hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Ba là, trong tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhà nước theo định hướng của Đảng “tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đẩy nhanh quá trình cụ thể hóa các văn bản của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước và tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc triển khai thực hiện. Có giải pháp đồng bộ để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chú trọng tư duy đổi mới, sáng tạo, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Bốn là, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể vững mạnh, xứng đáng là người chăm lo lợi ích, đại diện hợp pháp của nhân dân, cầu nối giữa Đảng với dân, tổ chức vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào: Xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, sáng tạo, khởi nghiệp, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “xây dựng xã hội học tập”... Trước mắt Đảng, Nhà nước cần chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự để giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quan điểm nhất quán của Đảng, thể hiện bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, vì vậy, việc thống nhất nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là vấn đề căn bản nhất, bảo đảm cho quan điểm của Đảng được hiện thực hóa trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá, ThS LÊ HÙNG SƠN, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng