NGVH là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. NGVH nhằm vào 4 đối tượng chính: Các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, những người nước ngoài nói chung ở Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài và cuối cùng là số đông người nước ngoài. Do đó, nhiệm vụ NGVH lớn nhất là giúp cho mọi người hiểu đúng, hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.

Trong những năm qua, NGVH đã góp phần quảng bá văn hóa và tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, tạo lòng tin cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, môi trường chính trị ổn định, đất nước hòa bình, con người thân thiện, nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc... là những hình ảnh thường xuyên được thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thu hút được sự quan tâm của người dân các nước trên thế giới. Đặc biệt, NGVH đã xây dựng, gìn giữ, lan tỏa hình ảnh của người Việt Nam tiêu biểu thông qua Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. Bên cạnh đó, hoạt động NGVH còn góp phần tích cực vận động UNESCO công nhận 38 danh hiệu thế giới tại Việt Nam, như: Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới hay Ca trù, Quan họ, Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể...

NGVH cũng góp phần đưa các thương hiệu du lịch, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế; hỗ trợ, đồng hành với các địa phương trong nhiều chương trình lễ hội có tính nước ngoài, như: Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt, Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… Các lễ hội này đã trở thành thương hiệu của địa phương, thu hút đầu tư, du lịch của người dân trong và ngoài nước. Bản thân các địa phương này cũng được nâng tầm trở thành "thương hiệu". Thông qua những chương trình, hoạt động cụ thể, NGVH góp phần chuyển tải tới bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cởi mở, một dân tộc Việt Nam anh dũng, bất khuất, nhân văn, một lịch sử hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc, một quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, nhiều phong cảnh đẹp...

Khi còn là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu luôn trăn trở về việc xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương thông qua NGVH. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương không còn là câu chuyện mới trên thế giới. “Khi bạn nghĩ tới Paris lãng mạn, Tokyo hiện đại, Hồng Công sôi động, Bhutan thanh bình, Singapore năng động… đấy là ví dụ về một vài thông điệp địa phương mà các quốc gia đã xây dựng, truyền tải thành công tới người dân toàn cầu”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu ví dụ.

Một câu chuyện khác cũng được Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 hồi tháng 8 vừa qua tại Hà Nội. “Tôi nhớ trong lần tiếp Thủ tướng nước ta tại Paris năm 2007, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bắt đầu câu chuyện bằng câu nói: “Tôi biết Hà Nội, bởi ở đây có tháp Eiffel nằm vắt ngang hai bờ sông. Tôi biết Hà Nội, vì ở đó có tòa nhà opera giống như nhà hát opera ở Paris”. Mục đích của câu nói trên chủ yếu nhằm làm đậm nét văn hóa Pháp”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.

Hiện nay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được xem là cầu nối hiệu quả để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Việt Nam có 95 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó gần một nửa là sứ quán có quy mô nhỏ, chỉ có 4-5 người, đảm đương hết các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và công tác người Việt. Tuy nhiên, không một sứ quán nào không làm NGVH. “Chỉ một buổi tổ chức kỷ niệm Quốc khánh tại đại sứ quán, giới thiệu áo dài hay món nem của Việt Nam, đó cũng là cách để chúng ta quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng cùng với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, NGVH cần phải có bước chuyển mình nhanh chóng, mạnh mẽ để đáp ứng với các mục tiêu của đối ngoại là hòa bình, an ninh, chủ quyền, nâng cao vị thế đất nước. Trong giai đoạn tới, công tác NGVH cần có bước chuyển cả về nhận thức và hoạt động. “NGVH cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các mục tiêu đối ngoại, yêu cầu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh việc đưa nội hàm NGVH vào các chương trình hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao cũng như của các bộ, ngành, địa phương”, Đại sứ Phạm Sanh Châu đề xuất.

Bên cạnh đó, NGVH tranh thủ vận động các danh hiệu quốc tế, học hỏi mô hình bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa; tăng cường tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là các ý tưởng, sáng kiến trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin, các mô hình phát triển bền vững… phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và nhất là đóng góp vào việc định hướng, xây dựng chính sách lớn của quốc gia. Ngoài quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam, NGVH cần đẩy mạnh việc xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương. Đây là quá trình dài, liên quan đến phạm trù công việc rộng, vì vậy, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa khối công và tư, giữa quốc gia và địa phương để huy động thành công sức mạnh tổng thể.

Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, cho rằng nhiều sinh viên Việt Nam đang được đào tạo, học tập ở nước ngoài sẽ đảm nhận vai trò là cầu nối bạn bè thế giới với Việt Nam và họ có thể là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Trong khi đó, theo ông Lê Hải Bình, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, việc sử dụng các phong trào xã hội và mạng truyền thông xã hội trong việc nâng cao “sức mạnh mềm” quốc gia là những nội dung mới cần được xem xét trong bối cảnh đề ra cho công tác NGVH giai đoạn mới.

Trong tương lai, khi quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở, nhu cầu hợp tác, đa phương hóa của Việt Nam ngày càng lớn, nhiệm vụ của NGVH cũng nặng nề hơn. NGVH sẽ tiếp tục nằm trong nhiệm vụ tổng thể của cả ngành ngoại giao, đó là phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển của đất nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra tại Đại hội XII là “chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

PHƯƠNG LINH