Những ông trùm về nợ
Theo số liệu của IIF, nợ toàn cầu đã phá vỡ kỷ lục trước đó về tỷ lệ nợ trên GDP ngay từ khi năm 2019 chưa kết thúc. Nói cách khác, chỉ trong 9 tháng năm ngoái, khối nợ khổng lồ này (bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình) đã tăng 9.000 tỷ USD lên mức kỷ lục gần 253.000 tỷ USD, tương đương 322% tổng GDP.
Đáng chú ý, số nợ khổng lồ đa phần tập trung ở các nước phát triển. Những ông trùm về nợ có thể kể đến là Mỹ và các nước châu Âu, nơi chiếm hơn 50% tổng nợ toàn cầu. Ước tính tổng nợ của các nền kinh tế này tương đương 383% GDP. Tại các quốc gia giàu có như New Zealand, Thụy Sĩ và Na Uy, nợ của các hộ gia đình tăng vọt. Trong khi đó, nợ chính phủ của Mỹ và Australia đều đang ở mức cao kỷ lục.
Những thị trường mới nổi có nợ thấp hơn, chỉ khoảng 72.000 tỷ USD. Tuy nhiên, IIF cho biết, nợ của các nền kinh tế này đã tăng rất nhanh trong vài năm gần đây. Ví dụ, nợ của Trung Quốc gần chạm mốc 310% GDP, cao nhất trong nhóm các nước đang phát triển. Sau nỗ lực giảm nợ của chính phủ Trung Quốc hồi năm 2017 và 2018, nợ đã tăng trở lại vào năm 2019.
 |
Biểu đồ cho thấy nợ toàn cầu đã tăng kỷ lục trong quý III năm 2019 Ảnh: CNN. |
Làn sóng nợ "3 nhất"
Khối nợ khổng lồ là nguy cơ lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh IIF cho rằng nợ toàn cầu sẽ tiếp tục phình to hơn trong năm 2020. IIF dự báo tổng nợ toàn cầu sẽ vượt qua ngưỡng 257.000 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2020.
Không riêng IIF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đều bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ hiện nay trên thế giới. Trong báo cáo mới nhất về bối cảnh nền kinh tế thế giới trong năm 2020, WB dành cả một chương để nói về rủi ro đến từ việc thị trường nợ đang được tích lũy nhanh chóng. Theo báo cáo này, trong vòng 50 năm qua, đã có tới 4 làn sóng tích lũy nợ lớn trên toàn cầu. Làn sóng mới nhất hiện đang diễn ra và đã bắt đầu từ năm 2010. Đây cũng là làn sóng tích lũy nợ có quy mô lớn nhất, tốc độ nhanh nhất và độ phủ rộng nhất trong 5 thập kỷ qua.
Cả 3 làn sóng tích nợ trước đây đều kết thúc bằng cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn và thường trùng hợp với thời điểm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái. Do đó, WB tỏ ra lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng thị trường nợ toàn cầu. WB cho rằng, việc lãi suất hiện đang được duy trì ở mức thấp sẽ giúp giảm thiểu một phần những rủi ro liên quan đến việc nợ tích lũy đang dần tăng lên. Tuy nhiên, điều này “không tạo ra sự bảo vệ chắc chắn” trước các cuộc khủng hoảng tài chính khi chi phí đi vay có thể tăng mạnh hoặc mức tăng trưởng kinh tế có thể giảm đáng kể.
Báo cáo của WB được đưa ra không lâu sau khi IMF gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ nợ toàn cầu. Bản cập nhật cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu của IMF mới đây cho thấy, con số nợ vẫn theo hình mũi tên đi lên, trong đó không chỉ những quốc gia nghèo mới chật vật vì nợ mà nhiều nền kinh tế hàng đầu, hay những tập đoàn xuyên quốc gia cũng “oằn lưng” gánh núi nợ ngày càng cao hơn. Phần lớn “di sản” nợ nần này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Chủ động ứng phó "bom nổ chậm"
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và các xung đột thương mại gia tăng làm giảm lòng tin của giới đầu tư, kinh doanh, “quả bom nổ chậm” mang tên nợ toàn cầu sẽ càng nguy hiểm hơn nếu các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách không kịp thời có những chiến lược ứng phó. Trưởng bộ phận dự báo kinh tế của WB, Ayhan Kose cho biết: “Lịch sử về các làn sóng nợ trước đây cho thấy, những làn sóng đó thường đem lại kết cục không có hậu. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, cần phải có những cải thiện về chính sách để giảm rủi ro liên quan đến làn sóng nợ hiện nay”. Các khuyến nghị được WB đưa ra nhằm giúp các quốc gia có thể giảm khả năng diễn ra khủng hoảng và giảm nhẹ tác động khi khủng hoảng xảy ra, đó là: Duy trì hệ thống quản lý nợ hợp lý và minh bạch; điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để tăng khả năng chống chịu rủi ro; thiết lập hệ thống kiểm soát và giám sát thị trường tài chính chặt chẽ, hệ thống quản lý tài chính công hiệu quả và có những chính sách khuyến khích quản trị doanh nghiệp tốt nhằm sử dụng vốn vay nợ một cách hiệu quả.
NGỌC HÂN