Ngày 29-7, trang mạng Euractiv đưa tin, phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, đồng thời là nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran, nhấn mạnh cuộc họp diễn ra trong bầu không khí mang tính xây dựng. “Các cuộc thảo luận tốt đẹp. Tôi không thể nói rằng các bên đã giải quyết mọi thứ mà tôi chỉ có thể nói rằng có nhiều cam kết được đưa ra trong cuộc họp này”, ông Abbas Araqchi cho biết. Thứ trưởng Abbas Araqchi khẳng định, Tehran sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân cho tới khi các lợi ích của mình được bảo đảm. Ông cũng tiết lộ các bên còn lại tham gia JCPOA là Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc mong muốn sớm có một cuộc gặp cấp bộ trưởng với phía Iran.
 |
Đại diện các nước tham dự cuộc họp khẩn tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm cứu vãn JCPOA. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong khi đó, cũng theo trang mạng Euractiv, phát biểu sau cuộc họp tại Vienna, ông Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trưởng phái đoàn Trung Quốc cho biết, cuộc họp diễn ra trong bầu không khí “rất tốt” và “chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, ông Phó Thông thừa nhận đã có “những giây phút căng thẳng” giữa các bên. Ngày 29-7, Tân Hoa xã dẫn lời ông Phó Thông nhấn mạnh tại cuộc họp, các bên còn lại tham gia JCPOA đã tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận lịch sử này. “Có hai điều mà tôi muốn nói. Một là tất cả các bên đã thể hiện cam kết của mình nhằm bảo vệ JCPOA và tiếp tục thực hiện JCPOA một cách khách quan và cân bằng. Hai là tất cả các bên cũng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã đơn phương áp đặt lên Iran”, ông Phó Thông nêu rõ.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Mỹ ngày càng xấu đi sau vụ Tehran và Washington tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau, cũng như việc Tehran rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép trong JCOPA về làm giàu urani. Các cường quốc châu Âu là đồng minh với Mỹ cùng ký kết JCPOA đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Iran và nhiều lần tìm cách đưa hai nước này quay trở lại bàn đàm phán. Iran cũng đã lên tiếng cho rằng các đối tác châu Âu không thật sự làm tốt trách nhiệm của mình, khi không bảo đảm được lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời đe dọa sẽ rút khỏi JCPOA.
Cùng ngày, The Washington Post dẫn lời ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Iran cho biết, nước này đã làm giàu 24 tấn urani kể từ khi tham gia JCPOA. Theo The Washington Post, nếu tuyên bố trên của ông Ali Akbar Salehi được kiểm chứng, điều đó có nghĩa là nước Cộng hòa Hồi giáo đã sản xuất urani làm giàu nhiều hơn trước đây và vượt nhiều lần so với giới hạn của JCPOA. Trước đó, hồi đầu tháng 7-2019, Iran cho biết đã sản xuất vượt giới hạn 300kg urani làm giàu. Vấn đề này sau đó đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận. Ông Ali Akbar Salehi cũng tuyên bố Tehran hiện bắt đầu tái khởi động các hoạt động tại lò phản ứng nước nặng Arak của nước này. Khả năng làm giàu urani của Iran và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng đều bị đặt dưới sự kiểm soát của JCPOA vì lo ngại Tehran có thể tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia đã coi lò phản ứng nước nặng Arak là một nguy cơ vì nó cho phép Iran sản xuất plutoni sử dụng trong vũ khí hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, Iran đã từ chối lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Tehran và có cuộc thảo luận trực tiếp với giới chức nước này. Theo Reuters, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 29-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng lời đề nghị của Ngoại trưởng Mike Pompeo “thiếu chân thành” và khẳng định chỉ đàm phán với Mỹ khi có thể đạt kết quả rõ ràng. “Đối thoại và đàm phán có thể được tổ chức khi chúng ta có một chương trình nghị sự nhất định và có thể nhận được kết quả thực tế, rõ ràng từ đó. Họ không tìm đến chúng ta để nói chuyện. Họ không tìm kiếm đối thoại”, ông Abbas Mousavi nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ