Anh Thư nhớ lại, khi mới đến Mỹ, giống như bao đứa trẻ trong diện nhập cư, Thư gặp không ít khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Gia đình Thư cũng phải tằn tiện lo cho cuộc sống do điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Từ ngày đó, Thư đã hiểu rằng chỉ có học và học thật tốt mới giúp cô thay đổi được tình thế và có một tương lai tốt đẹp hơn. Từ chỗ chưa từng biết một từ tiếng Anh nào, chỉ sau hai năm, Thư đã sử dụng thông thạo ngoại ngữ. Sau đó, Thư tốt nghiệp thủ khoa bậc THPT và được nhận học bổng học ngành Toán tại Đại học Purdue, bang Indiana, để rồi sau này khi ra trường, cô lọt tốp 10 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc.

Với thành tích học tập đáng nể đó, Thư có thể dễ dàng tìm được công việc ổn định, lương cao trên đất Mỹ. “Nhưng trong sâu thẳm, tôi lại không mong muốn mình sẽ có một cuộc sống ổn định như cách nghĩ của nhiều người”, Thư tâm sự.

Nữ phi công Nguyễn Anh Thư.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sinh ra ở Phú Yên, khi hãy còn là cô bé con nhí nhảnh, nhiều lần Thư từng được ngắm nhìn những chiếc máy bay bay ngang bầu trời. Thư cứ nhìn mãi theo chiếc máy bay và ước đến một ngày, mình cũng sẽ được ngồi trên buồng lái để điều khiển những “con chim sắt” ấy. Giấc mơ chinh phục bầu trời đã theo Thư lớn lên, để rồi thi thoảng trỗi dậy, thúc giục Thư phải hành động.

Đó là lý do khiến Thư quyết định “trở lại vạch xuất phát”, đăng ký theo học khóa đào tạo phi công, bất chấp sự phản đối của gia đình. Nghe thì đơn giản nhưng để có thể theo đuổi khóa học này, Thư đã phải vô cùng nỗ lực, quyết tâm. Trước tiên, học phí khóa học làm phi công rất cao, lên tới hơn 200.000USD, con số khổng lồ mà một gia đình nhập cư như gia đình Thư không có khả năng chi trả. "Bố mẹ tôi nói: Nếu muốn đi theo con đường mình chọn, con phải tự lo cho bản thân mà không có sự trợ giúp từ gia đình. Biết là khó khăn đang đợi mình phía trước nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tới cùng”, Thư nhớ lại.

Giải pháp của Thư chính là vừa đi dạy gia sư Toán, vừa tích lũy tiền để đóng học phí. Không giống như các học viên khác được toàn tâm toàn ý cho việc học 5 ngày trong tuần, Thư phải đi làm nên chỉ có thể học làm phi công vào hai ngày cuối tuần. Một khóa đào tạo phi công có nhiều môn học khác nhau, như về khí động học, cách điều khiển máy bay, xử lý các tình huống khi bay... Nghề này cũng liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên quá trình đào tạo, kiểm tra vô cùng khắt khe. Trung bình một năm, ước chừng có khoảng 1.500 người đăng ký học làm phi công thì ngay sau vài môn học đầu tiên, chỉ còn khoảng 5% trong số đó trụ lại. Để nằm trong số 5% đó, Thư luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh có thể để học bài, ôn bài, nhất là học vào các buổi tối, đêm khuya, còn cuối tuần thì vừa đi học vừa đăng ký bay thực hành.

Nhiều lần, Thư nhận ánh mắt chưa thực sự tin tưởng từ phía giảng viên. Nhiều giảng viên nghĩ: Người bản xứ là nam giới học lái phi công đã khó, còn Thư là phụ nữ, lại là người nhập cư mà chọn nghề phi công thật quá... viển vông. Nhưng thay vì nản chí, Thư càng nỗ lực để chứng minh bản lĩnh của phụ nữ gốc Việt. Có điều, thời gian học của Thư kéo dài tới 10 năm mới tới ngày được chính thức cấp bằng phi công quốc gia, nhiều gấp 5 lần học viên khác do Thư phải đi làm để gom góp tiền đóng học.

Đến nay, Thư tự hào vì trở thành nữ phi công gốc Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Cô đã bay được hàng nghìn chuyến bay trong nước, quốc tế. Dẫu vậy, mỗi chuyến bay dù xa hay gần, Thư đều trân trọng và ghi sâu vào trong ký ức của mình. Thư thích nhất cảm giác được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bao la trải dài trước mắt từ trên cao. Đã có lúc, Thư tưởng như mình đang được bay trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam xanh ngút ngàn, thân thương. Xa quê từ nhỏ nhưng Thư vẫn luôn ghi nhớ mình là ai và đến từ đâu. Chẳng thế mà đến nay, Thư vẫn có thể nói chuẩn xác và phát âm rõ ràng, đúng ngữ điệu tiếng Việt.

Năm 2017, Anh Thư trở thành giảng viên bay xuất sắc của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA) tại Atlanta, Georgia. Đây cũng là thời điểm Thư thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Phụ nữ trong vũ trụ và hàng không” (WAA) với mục đích cổ vũ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ gốc Á tham gia làm việc trong ngành hàng không. Thư muốn chứng minh: Không có giới hạn nghề nghiệp nào giữa các giới và phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong lĩnh vực lâu nay tưởng chừng là “lãnh địa” của nam giới.

Anh Thư còn đặt ra một ước mơ lớn hơn nữa là sẽ một mình lái máy bay bay vòng quanh thế giới. Hành trình bay ước tính dài khoảng gần 50.000km, qua 25 quốc gia thuộc các châu lục, trong số đó tất nhiên không thể thiếu quê nhà Việt Nam. Tại mỗi điểm dừng chân, Thư sẽ gặp gỡ, giao lưu với phụ nữ, trẻ em, truyền cho họ cảm hứng hãy ước mơ và dám chinh phục ước mơ của mình, cho dù đôi khi mình còn cô đơn trên hành trình đó. Qua đây, Thư cũng muốn thế giới biết đến cô với hình ảnh một phụ nữ gốc Việt đầu tiên và người phụ nữ thứ 9 trên thế giới một mình bay vòng quanh thế giới.

Ủng hộ ý tưởng của cô, các hãng điện tử Crew Dog Electronics, BOSE, P đã đồng tý tài trợ kinh phí khoảng 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng). Nhiều người cũng lập quỹ quyên góp ủng hộ cho hành trình của Thư trên trang GoFundMe. Nhờ đó đến nay, Thư đã trang bị được một chiếc máy bay mang số hiệu N49BX của riêng mình. Dự kiến, Thư sẽ khởi hành chuyến bay vòng quanh thế giới vào tháng 5-2021 tới.

TRẦN HOÀNG LAN