Ngày 20-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết nước này vẫn có ý định áp dụng thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ hơn, bất chấp những gợi ý gần đây rằng mức thuế này có thể cao hơn.
Phát biểu trên chương trình "Face the Nation" của Đài truyền hình CBS, ông Lutnick nói rằng các quốc gia nhỏ, các nước Mỹ Latin, các quốc gia ở Caribe và nhiều quốc gia ở châu Phi sẽ chịu mức thuế quan cơ bản là 10%. Các nền kinh tế lớn hơn sẽ phải mở cửa thị trường hoặc sẽ phải trả một mức thuế công bằng cho nước Mỹ.
Ông Lutnick khẳng định, ngày 1-8 là thời hạn cứng và sẽ không có quốc gia nào có thể “đàm phán để loại bỏ hoàn toàn” thuế quan. Ông nhấn mạnh: “10% chắc chắn sẽ được giữ nguyên. Nhiều quốc gia sẽ phải trả mức thuế cao hơn”.
 |
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California (Mỹ). |
Theo nhận định của mạng tin Axios, đây là tín hiệu nhẹ nhõm cho thị trường - vốn đã tỏ ra lo lắng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục ám chỉ trong những ngày gần đây rằng mức thuế quan cơ bản có thể tăng lên 15% hoặc thậm chí 20%.
Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đã gửi thư tới hàng chục quốc gia, đơn phương ấn định mức thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8. Dự kiến, hàng trăm bức thư nữa sẽ được gửi trong những ngày tới.
Đến nay, chỉ có Indonesia đạt được một thỏa thuận mang tính danh nghĩa để được hưởng mức thuế quan ưu đãi hơn so với mức được nêu trong thư, dù vẫn chưa rõ thỏa thuận này đã gần hoàn tất hay chưa.
Tin, ảnh: TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Thời hạn ngày 1-8 khi các mức thuế quan của Mỹ có hiệu lực đang đến gần, các bên đang tích cực tiến hành các hoạt động đàm phán cũng như giảm nhẹ những tác động có thể xảy ra.
Ngày 16-7, các Bộ trưởng Tài chính Pháp và Đức đã kêu gọi Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán "nghiêm túc và có mục tiêu" để đạt được một thỏa thuận công bằng trong tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16-7 cho biết ông sẽ tiếp tục gửi thư thông báo mức thuế mới đến hơn 150 quốc gia, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại khiến các đối tác phải chạy đua để tránh các mức thuế cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.