Tại Trung Quốc, sau khi nước này chấm dứt phần lớn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong gần ba năm qua theo chính sách “Zero Covid” (không Covid), người dân đã có thể tụ tập đông đúc để vui chơi trước khi bước sang năm mới. Họ có thể đến bất cứ đâu, tham gia vào bất cứ hoạt động giải trí nào, chỉ cần tự biết bảo vệ mình trước dịch bệnh. Đa số người dân đeo khẩu trang để phòng dịch.
 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp năm mới 2023 tới người dân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã |
Đối với người Trung Quốc, năm 2023 mang ý nghĩa bước ngoặt quan trọng, bởi năm mới đánh dấu cuộc sống của họ dần trở lại bình thường sau 3 năm chịu nhiều hạn chế và khó khăn vì dịch bệnh. Vì vậy, người dân khắp Trung Quốc tập trung trên đường phố đón khoảnh khắc giao thừa và cùng chiêm ngưỡng những màn trình diễn pháo hoa đặc sắc.
Theo Tân Hoa xã, trong thông điệp năm mới 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch Covid-19, với cả thách thức và hy vọng phía trước; đồng thời kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, nỗ lực hơn nữa trong năm mới.
 |
Người dân tập trung chờ thời khắc giao thừa tại một khu phố đông đúc ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Tại Hàn Quốc, nghi thức rung chuông đêm giao thừa lại được tổ chức sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Buổi lễ do chính quyền thủ đô Seoul chủ trì sẽ diễn ra lúc 23 giờ 30 phút ngày 31-12 (giờ địa phương) tại Bosingak Pavilion ở trung tâm Seoul, với khoảng 100.000 người tham dự.
Yonhap cho biết, đề phòng trường hợp người tham dự quá đông, sự kiện năm nay đồng thời diễn ra tại Bosingak, Quảng trường Gwanghwamun và Quảng trường Dongdaemon cũng như được truyền hình trực tiếp và phát trực tiếp trên mạng Internet.
 |
Người dân tập trung ở Quảng trường Gwanghwamun để chờ đón giao thừa. Ảnh: The Guardian |
 |
Người dân Hàn Quốc tập trung đón giao thừa trên đường phố Seoul. Ảnh: Reuters |
Giống như tại Hàn Quốc, nhiều người Nhật Bản cũng ra đường để chào đón dịp năm mới đầu tiên sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch. Khác với các nước Đông Á khác, Nhật Bản không đón Tết Âm lịch - đây là một phần của cuộc cải cách Minh Trị của nước này cuối thế kỷ XIX. Do đó, dịp Tết Dương lịch lần này được người dân Nhật Bản rất coi trọng.
Kyodo News đưa tin, Nhật Bản chào đón năm mới bằng lễ rung chuông ở các ngôi đền trên cả nước, với 108 lần rung chuông tượng trưng cho việc xả bỏ 108 ham muốn trần tục và những lo lắng trong năm cũ.
 |
Người dân đón thời khắc bước sang năm mới 2023 trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP |
 |
Người dân thả bóng bay tại Tokyo. Ảnh: Reuters |
Một trong những truyền thống của người dân Tokyo vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thả bóng bay lên bầu trời đêm thành phố. Do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tại Tokyo, sự kiện đếm ngược vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ở nhà ga Shibuya sẽ bị hủy bỏ. Trong khi đó, tại đảo Miyajima, ngoài khơi Hiroshima (Nhật Bản), lễ hội lửa Chinka-sai được tổ chức để chào mừng năm mới.
 |
Người dân đến đền Yasaka Jinja ở Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Ngoài ra, trong không khí hân hoan đón mừng Tết Dương lịch 2023, người dân Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản còn đến các ngôi đền và chùa để cầu những điều tốt lành trong đêm giao thừa.
The Straits Times cho biết, sau hai năm không được tổ chức do đại dịch, buổi lễ đếm ngược và bắn pháo hoa trên Vịnh Marina ở “đảo quốc Sư tử” Singapore sẽ quay trở lại với màn trình diễn pháo hoa đặc sắc kéo dài 7 phút trong đêm giao thừa để chào đón năm mới 2023.
|
Pháo hoa mừng năm mới 2023 tại Singapore. Nguồn: S.Yacht Official Singapore FC |
Dự kiến có khoảng 500.000 người có mặt tại Vịnh Marina để đón giao thừa. Nhằm bảo đảm an toàn cho sự kiện tập trung đông người này, Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) triển khai hơn 700 sĩ quan tăng cường tuần tra và quản lý đám đông tại các địa điểm khác nhau trong vùng lân cận.
MINH ANH (tổng hợp)