AFP đưa tin, trong một thông báo mới nhất, EC cho biết, hai bên đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán trong năm nay. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc sửa đổi một số thỏa thuận lớn trong khuôn khổ 120 thỏa thuận chi phối mối quan hệ giữa EU và Thụy Sĩ. Hai bên sẽ nỗ lực sửa đổi các thỏa thuận về tự do đi lại, tiêu chuẩn trong công nghiệp, nông nghiệp, vận tải đường không và đường bộ, đồng thời thiết lập những thỏa thuận mới về điện, an ninh lương thực và y tế.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán cũng hướng đến tạo ra nhiều phương thức hợp tác mang tính ràng buộc hơn giữa hai bên, trong đó có cả cơ chế giải quyết tranh chấp. "Đây là khởi đầu cho một chương mới trong mối quan hệ của chúng tôi với Thụy Sĩ dựa trên sự tin cậy và hợp tác mới giữa hai đối tác và hai láng giềng... Đây là tin tức tốt lành vì lợi ích chung của cả doanh nghiệp lẫn người dân EU và Thụy Sĩ. Tôi trông đợi các cuộc đàm phán sẽ hoàn tất trong năm nay để đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn nữa, cho phép chúng ta được hưởng lợi ích đầy đủ từ tiềm năng của mối quan hệ giữa hai bên”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (bên trái) và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.Ảnh: swissinfo.ch 

Theo trang mạng Euractiv, hồi năm 2021, do quan điểm khác biệt, Thụy Sĩ đã đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán-vốn được tiến hành trong hơn một thập niên trước đó-với EU về "gói biện pháp lớn". Reuters cho biết, hành động của Thụy Sĩ chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại chủ quyền bị xâm phạm. Đến đầu năm ngoái, Thụy Sĩ bắt đầu đánh tiếng sẵn sàng nối lại đàm phán trong một động thái mà EU đánh giá là "động lực tích cực" cho quan hệ giữa hai bên. Kể từ đó, Thụy Sĩ và EU đã tổ chức nhiều "cuộc thảo luận thăm dò" trước khi Tổng thống Viola Amherd và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chính thức khởi động các cuộc đàm phán. "Các cuộc đàm phán cuối cùng đã trở lại đúng hướng", AFP nhấn mạnh.

Theo EC, EU và Thụy Sĩ là láng giềng gần gũi của nhau với mối quan hệ "xuyên biên giới mạnh mẽ". EU là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU. Có khoảng 1,5 triệu công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ và khoảng 450.000 công dân Thụy Sĩ sinh sống tại EU. Mỗi ngày, có hàng trăm nghìn công dân EU đi lại qua biên giới giữa hai bên để làm việc.

Khi đề cập tới mối quan hệ EU-Thụy Sĩ, trang mạng swissinfo.ch lưu ý tới một thực tế là, mặc dù luôn sẵn sàng làm sâu sắc hợp tác kinh tế với EU, song Thụy Sĩ chưa bao giờ "bị thu hút" với việc gia nhập khối. Giáo sư Fabio Wasserfallen tại Đại học Bern cho rằng, Thụy Sĩ "giàu và ổn định" đến mức không muốn gia nhập EU. Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu của Thụy Sĩ Claude Longchamp cho biết, đa số người dân nước này thực sự mong muốn "độc lập càng nhiều càng tốt". Ngoài ra, việc gia nhập EU, theo swissinfo.ch, được nhìn nhận sẽ làm suy yếu chính sách trung lập, vốn được Thụy Sĩ thực hiện từ năm 1815. Theo Giáo sư Stefanie Walter tại Đại học Zurich, vì mối quan hệ EU-Thụy Sĩ lâu nay "mang lại hiệu quả tốt" nên không có gì ngạc nhiên khi đa số người dân, doanh nghiệp và chính giới Thụy Sĩ "muốn duy trì hiện trạng".

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.