Với Vương quốc Anh, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và những ảnh hưởng về mọi mặt mà đại dịch Covid-19 để lại, chính sách này xem ra càng được coi trọng hơn bao giờ hết.

Theo AFP, giữa tuần này, Chính phủ Anh thông báo sẽ tạo điều kiện để đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và làm việc tại xứ sở sương mù cho những cá nhân từng đoạt giải thưởng lớn trong các lĩnh vực: Sân khấu, khoa học, công nghệ... Với quyết định này, những người từng đứng trên bục nhận các giải thưởng danh giá như: Turing (giải thưởng về máy tính), Oscar (điện ảnh), giải thưởng âm nhạc Anh, Giải Nobel Văn học... sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để sinh sống và làm việc tại Anh.

Nhân viên làm việc tại một công ty ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Getty Images 

Điểm đáng lưu ý nhất của cơ chế mới này là những cá nhân có thành tích đặc biệt cao trong các lĩnh vực nói trên có thể đến Anh làm việc mà không cần giấy mời của công ty tuyển dụng. Những gì mà họ cần làm đơn giản chỉ là điền thông tin vào một tờ khai xin thị thực duy nhất.

Đây được coi là một quy định hoàn toàn mới mẻ và linh hoạt, bởi sau khi Anh rời khỏi EU, tất cả công dân châu Âu nhận được lời mời làm việc tại Anh bắt buộc phải chứng minh về khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như xác minh mức lương tối thiểu. Vừa qua, Chính phủ Anh còn đưa vào áp dụng hệ thống nhập cư dựa trên thang điểm, khiến người dân và người lao động châu Âu gặp khó khăn khi muốn đến sống tại nước này. Trước đó, khi Anh chưa rời khỏi EU, bất kỳ ai nắm trong tay hộ chiếu EU đều có thể học tập, sinh sống và làm việc tại nước này.

Thông báo của Chính phủ Anh cũng nêu rõ, cơ chế nói trên được áp dụng trong bối cảnh Anh điều chỉnh hệ thống nhập cư sau khi rời khỏi EU và là lộ trình hợp lý để những người tài năng trên thế giới có thể làm việc và sinh sống tại Anh. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel thì nhấn mạnh rằng quyết định cải cách này nhằm mục tiêu thu hút những cá nhân xuất sắc và sáng giá nhất thế giới đến với nước Anh.

Ngoài việc chủ động thay đổi chính sách nhập cư thời hậu Brexit theo hướng ưu tiên những người tài trên thế giới, năm ngoái, Chính phủ Anh đã quyết định thành lập một bộ phận với tên gọi “Office for Talent” nhằm thực hiện nhiệm vụ thu hút nhân tài trên toàn cầu sẵn sàng đến Anh để cống hiến.

Không chỉ Vương quốc Anh mà hiện nay, nhiều quốc gia phát triển khác cũng rất chú trọng công tác thu hút nhân tài từ nước ngoài bằng cách đem đến cho họ những ưu đãi hấp dẫn về thị thực, tài chính, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Điển hình như Singapore, vào cuối năm 2020, nước này công bố loại thị thực lao động mới mang tên Tech.Pass dành riêng cho các nhà đầu tư, các nhà điều hành doanh nghiệp công nghệ có kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới nhằm thu hút các nhân tài công nghệ và củng cố vị thế của quốc gia này như một một trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực. Singapore hiện cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Hay như Australia, Chính phủ nước này cũng đã lên kế hoạch dành nhiều ưu đãi tài chính cho các nhân tài và doanh nghiệp lớn ở khắp nơi trên thế giới đến xứ sở chuột túi đầu tư và làm việc. Chính phủ Australia thậm chí sẽ thành lập một nhóm đặc trách để xem xét và đưa ra các ưu đãi trong khuôn khổ kế hoạch này.

Trở lại với câu chuyện ở Vương quốc Anh, thu hút nhân tài không chỉ là bước đi nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi hậu Covid-19 mà còn phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài khi nước này không còn nằm dưới “mái nhà chung” châu Âu.

TRUNG DŨNG