Ngày 28-10, BBC cho biết đối tượng Robert Bowers, 46 tuổi, đi bộ vào trong giáo đường và hét lên “Toàn bộ người Do Thái phải chết”. Robert Bowers đã sử dụng một súng trường tấn công và 3 súng lục trong vụ xả súng. Trước khi vụ việc xảy ra, đối tượng này đã có nhiều bài đăng chống lại người Do Thái. Đối tượng còn lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã không làm gì để ngăn chặn người Do Thái “phá hoại” nước Mỹ.

BBC dẫn lời đặc vụ Bob Jones của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, Robert Bowers, hiện đang bị tạm giữ, chưa từng được cơ quan thực thi pháp luật biết đến trước khi vụ xả súng xảy ra. Các công tố viên Liên bang Mỹ đã cáo buộc Robert Bowers 29 tội danh về bạo lực và sử dụng súng ngắn. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết đối tượng Robert Bowers có thể đối mặt với án tử hình. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu toàn bộ trụ sở cơ quan công quyền phải treo cờ rủ đến hết ngày 31-10 để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng này.

     Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường vụ xả súng. Ảnh: AP

Hiện trường vụ xả súng được Giám đốc An ninh Công cộng của thành phố Pittsburgh Wendell Hissrich mô tả là rất “kinh khủng”. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ xả súng nói trên là “vụ tấn công bài Do Thái hiểm ác” và là “vụ tấn công nhằm vào nhân loại”. “Hành vi giết người hàng loạt ác ý này hoàn toàn là một tội ác khó tin và không thể tưởng tượng nổi. Đất nước của chúng ta cũng như cả thế giới đã bị sốc và choáng váng trước nỗi đau này. Cuộc tấn công độc ác chống lại người Do Thái này là sự đả kích với tất cả chúng ta. Chúng ta phải sát cánh bên những người anh em Do Thái nhằm đánh bại chủ nghĩa bài Do Thái và chiến thắng các thế lực thù hận”, AFP dẫn lời ông chủ Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bài Do Thái “phải bị lên án và chống lại ở bất cứ nơi đâu nó xuất hiện”.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sự đau lòng khi biết tin về vụ xả súng và gọi đây là hành động bài Do Thái tàn bạo. “Toàn bộ người dân Israel xin chia buồn với gia đình các nạn nhân thiệt mạng. Israel sẽ luôn bên cạnh cộng đồng người Do Thái tại Pittsburgh, cũng như người dân Mỹ trong vụ tấn công tàn bạo chống lại người Do Thái này. Chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thương sớm bình phục”, nhà lãnh đạo Israel chia sẻ.

Cùng ngày, trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ xả súng và khẳng định chủ nghĩa bài Do Thái là mối đe dọa đối với các giá trị dân chủ và hòa bình. Ông cũng lên tiếng kêu gọi một mặt trận đoàn kết, thống nhất nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, Hồi giáo cũng như các hình thức thù hận khác như phân biệt đối xử, bài ngoại. Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May đều cho rằng đây vụ tấn công “ghê tởm” nhằm vào cộng đồng người Do Thái ở Pittsburgh, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ, chia sẻ nỗi đau cũng như mất mát đối với gia đình các nạn nhân.

Vụ việc tại giáo đường Do Thái Tree of Life xảy ra trong bối cảnh hàng loạt vụ xả súng chết người xảy ra tại Mỹ những năm gần đây làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối sử dụng súng và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua luật kiểm soát súng đạn. Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy, tính từ ngày 1-1-2017 đến ngày 28-2-2018, nước Mỹ chứng kiến 61.537 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 346 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 15.594 người. Hằng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất hơn 229 tỷ USD; trong đó 8,6 tỷ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng.

Bất chấp những hậu quả nặng nề, kiểm soát súng đạn vẫn luôn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong dư luận và chính trường Mỹ. Theo giới phân tích và các hãng truyền thông quốc tế, sức ảnh hưởng của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) chính là rào cản khiến việc kiểm soát súng đạn gần như “bất khả thi” tại Mỹ. NRA là một trong những nhóm lợi ích có ảnh hướng lớn nhất trên chính trường Mỹ, không phải chỉ vì số tiền mà tổ chức này chi vào việc vận động hành lang giới chính trị gia mà còn bởi sức nặng của một hiệp hội có tới 5 triệu thành viên. Bên cạnh đó còn phải kể đến một rào cản khác là việc sử dụng súng đạn đã thấm sâu trong xã hội Mỹ, từ sách báo, phim ảnh đến truyền hình. Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng.

 HOÀNG VŨ