Được bổ sung vào Hiến pháp Mỹ năm 1868, điều 4 của Tu chính án 14 quy định rằng “không được nghi ngờ tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ được luật cho phép”. Nói cách khác, khoản chi tiêu đã được Quốc hội biểu quyết phải được tôn trọng, cho dù trần nợ công có vượt quá hay không. Điều khoản trên được tạo ra vào thời điểm nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp miền Nam phá hoại liên minh liên bang Mỹ bằng cách thoái thác khoản nợ liên bang do chiến tranh tạo ra.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đề cập về khả năng sử dụng Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ trong cuộc họp báo ngày 11-5. Ảnh: AFP

Theo giải thích của một số nhà kinh tế, việc sử dụng Tu chính án 14 có nghĩa là Bộ Tài chính có thể tiếp tục vay tiền vượt quá giới hạn, phát hành nợ liên bang để cung cấp vốn cho các hoạt động của chính phủ. Để làm được điều đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ cần yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen tiếp tục phát hành khoản nợ rất cần thiết đó để thanh toán các hóa đơn của quốc gia. Điều này có nghĩa là trao cho Tổng thống quyền vượt qua trần nợ công mà không cần hỏi ý kiến của Quốc hội.

Tổng thống Biden từng tuyên bố, một khi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không giải quyết vấn đề nâng trần nợ, ông sẽ xem xét có thể kích hoạt Tu chính án 14. Ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ Chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng hòa, ông Kevin McCarthy. “Nếu Tổng thống Biden sử dụng Tu chính án 14 trong trường hợp này, tôi nghĩ ông đã thất bại khi làm việc với hai đảng cũng như với chính những người trong Đảng Dân chủ”, ông McCarthy nói.

Trong buổi họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản ngày 11-5, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh, nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ liên bang, hiện ở mức 31.400 tỷ USD thì hậu quả đối với nền kinh tế và tài chính sẽ rất nghiêm trọng.

“Việc vỡ nợ sẽ đe dọa những thành quả mà Mỹ đã rất nỗ lực gặt hái vài năm qua trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Việc Mỹ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu không chỉ khiến nền kinh tế số 1 thế giới thụt lùi mà còn làm lung lay vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ”, bà Yellen cảnh báo.

Liên quan đến khả năng sử dụng Tu chính án 14, bà Yellen cho rằng, vay vượt quá giới hạn nợ do Quốc hội đặt ra là trái pháp luật. Nhưng việc không đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu của Quốc hội có thể là một vi phạm nghiêm trọng hơn. Sự mâu thuẫn trong luật này tồn tại bởi vì Tu chính án 14 đã được tạo ra từ lâu, trước khi trần nợ công ra đời và được bổ sung vào Hiến pháp năm 1917.

Việc sử dụng Tu chính án 14 để nâng trần nợ công cũng tạo ra nhiều luồng quan điểm trái chiều. Nhà nghiên cứu Philip Wash thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ khẳng định, việc viện dẫn Tu chính án 14 sẽ tạo cơ hội cho khả năng lạm dụng quyền lực của Tổng thống bằng cách cho phép cơ quan hành pháp qua mặt Quốc hội. Còn Giáo sư Rebecca Zietlow tại Đại học Luật Toledo cho biết, việc viện dẫn Tu chính án 14 cho trường hợp này chưa từng có tiền lệ, khiến nhiều chuyên gia và cố vấn Nhà Trắng lo ngại nó có thể để lại hậu quả pháp lý và kinh tế.

“Trong quá khứ, các chính quyền khác, chẳng hạn như chính quyền của Tổng thống Barack Obama, cũng đã xem xét biện pháp khắc phục Tu chính án 14. Nhưng trên thực tế, chính phủ Mỹ chưa lần nào phải sử dụng Tu chính án 14 vì Quốc hội luôn hành động kịp thời”, kênh CNN của Mỹ cho hay.

Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ gặp nhau trong tuần này để thảo luận về vấn đề trần nợ công. Ngoài Tu chính án 14, các đề xuất khác cũng đang được nghiên cứu, như phát hành trái phiếu không kỳ hạn, nhưng cũng giống như Tu chính án 14, nhiều chuyên gia tin rằng các biện pháp trên có thể phản tác dụng.

BÌNH NGUYÊN