Thực tế từ những năm đầu thành lập Nhà nước, chính quyền Xô viết đã tuyên truyền về phong trào thể thao quần chúng và phát triển thể dục. Để xây dựng một đất nước mới thì cần có tầng lớp công - nông - binh khỏe mạnh và dẻo dai. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước đã tập cho người dân quen với thể thao ngay từ khi còn nhỏ. Có nhiều tranh cổ động tuyên truyền về phong trào thể thao quần chúng. “Bên trong cơ thể khỏe mạnh là tinh thần khỏe mạnh” là câu khẩu hiệu quen thuộc và dễ nhớ trên khắp cả nước.

leftcenterrightdel
Diễu hành thể thao trên Quảng trường Đỏ cùng bức chân dung của nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Ảnh: Anatoly Egorov/MAMM/MDF/russiainphoto.ru 

Vào những năm 1930, công tác tuyên truyền hoạt động thể thao đạt đến cao điểm. Các màn đồng diễn thể thao hoành tráng trên Quảng trường Đỏ từ khán đài phía Lăng Lê-nin đều có sự theo dõi của nhà lãnh đạo Joseph Stalin, Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng và khách mời danh dự từ nước ngoài. Đó là các cuộc diễu hành quy mô lớn với những tiết mục thể thao nhào lộn và thể lực, quốc kỳ Liên Xô và những bức chân dung Stalin cỡ lớn.

Một trong những màn đồng diễn thể dục thể thao quy mô lớn nhất từng diễn ra vào năm 1945 chào mừng Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Màn đồng diễn này có sự tham gia của hơn 25.000 vận động viên đến từ tất cả các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô.

Các hội đoàn thể thao thuộc cơ quan nhà nước và tự nguyện

Thể thao ở Liên Xô được phát triển thông qua các hội đoàn thể thao tự nguyện: Mỗi nông trang, trường học và xí nghiệp đều có đội thể thao riêng. Các hội đoàn tự nguyện và tổ chức công đoàn tích cực thu hút thành viên mới tham gia. Chẳng hạn, nếu năm 1928 chỉ có 53.000 người dân nông thôn tham gia các nhóm thể thao, thì đến năm 1935 con số đó là hơn nửa triệu người. 

leftcenterrightdel
Trượt truyết tại công viên “Sokolniki”. Ảnh: Sergey Korshunov/MAMM/MDF/russiainphoto.ru 

Hội đoàn thể thao tự nguyện lớn nhất thời Liên Xô là Câu lạc bô “Spartak”, được thành lập năm 1935 với các thành viên đến từ công đoàn hợp tác xã thủ công nghiệp. Hai năm sau khi thành lập, số thành viên của hội có hơn 120.000 người. Sau đó, hội kết nạp thêm nhân viên các ngành thương mại, công nghiệp nhẹ và thực phẩm, hàng không dân dụng, vận tải đường bộ, giáo dục, văn hóa, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Đến giữa những năm 1950, số thành viên của hội là hơn 450.000 người.

Các hội đoàn thuộc cơ quan nhà nước cũng rất nhiều. Chẳng hạn, đến nay vẫn còn hoạt động Câu lạc bộ “Dinamo” - đây là hội trực thuộc Bộ Nội vụ (dưới thời Stalin gọi là Bộ dân ủy Nội vụ Liên Xô), và Câu lạc bộ CSKA - là câu lạc bộ thể thao trung ương của Quân đội. Các hội này được xây dựng sân tập, sân vận động và bể bơi riêng. Năm 1928, người ta đã xây dựng sân vận động lớn nhất Liên Xô lúc đó dành cho Câu lạc bộ “Dinamo”, có sức chứa 25.000 chỗ ngồi.

Lực lượng không quân cũng có các đội thể thao riêng. Chẳng hạn, tại Quân khu Moskva sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, con trai của Stalin là Đại tá Vasily được đề cử giữ chức Tư lệnh Lực lượng không quân phòng thủ Moskva. Ông đã phát triển phong trào thể thao và thành lập các đội bóng đá, khúc côn cầu và bóng rổ trực thuộc cơ quan ông lãnh đạo.

Chính Stalin cũng rất yêu thích bóng đá. Vì vậy mà năm 1936, người ta đã tổ chức một trận bóng đá ngay trên Quảng trường Đỏ.

Nói về bóng đá dưới thời Stalin thì có giai thoại như sau: Trong giờ nghỉ giải lao giữa trận đấu Olympic năm 1952, khi đội Liên Xô để thua đội Nam Tư, chính Stalin đã gọi điện và dọa các cầu thủ Xô viết không được phép thua cuộc. Vì lo sợ mà trận đấu đã kết thúc với tỷ số hòa. 

Liên Xô và Đại hội thể thao Olympic

Trong nhiều năm, chính quyền Xô viết có mối quan hệ phức tạp với Đại hội thể thao Olympic. Olympic đầu tiên sau Cách mạng Tháng Mười diễn ra năm 1920, nhưng Ủy ban Olympic khi đó vẫn không công nhận nước Nga Xô viết. Lần Đại hội tiếp theo năm 1924 thì bị chính Liên Xô xem thường – Đảng Cộng sản Liên Xô đã từ chối tham gia hoạt động mà họ cho là của “tư sản”.

leftcenterrightdel
Những chiếc tem thư in hình Đại hội thể thao Spartakiada. Ảnh tư liệu 

Đại hội thể thao Olympic ở Liên Xô được cho là “thù địch” cho đến tận năm 1952. Tại Olympic mùa hè lần thứ XV diễn ra tại Helsinki, các vận động viên Liên Xô lần đầu tiên tham dự và xếp thứ hai toàn đoàn.

Vì bất đồng hệ tư tưởng, các vận động viên Liên Xô cũng không tham dự cả Giải vô địch bóng đá thế giới và châu Âu. Thay vào đó, trong những năm 1920 và 1930, Liên Xô đã tự tổ chức giải đấu định kỳ là Đại hội thể thao Spartakiada (tên gọi này nhằm vinh danh thủ lĩnh người Rome trong cuộc khởi nghĩa của nô lệ có tên là Spartak). Tham dự giải đấu này có mời các vận động viên của những nước khác, nơi có các tổ chức xã hội chủ nghĩa và công nhân.

Năm 1928, tại Moskva đã diễn ra Đại hội thể thao Spartakiada toàn quốc. Sự kiện có hơn 7.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 600 vận động viên nước ngoài đến từ các tổ chức thể thao công nhân của 17 nước, từ Hoa Kỳ đến Đức.

Thể thao: Từ tên gọi đến các môn

Liên Xô không chỉ từ chối các giải đấu thể thao của phương Tây. Trong khuôn khổ hoạt động “đấu tranh chống lại sự sùng bái phương Tây”, chính phủ thậm chí còn thay đổi nhiều thuật ngữ thể thao cho hợp với kiểu Nga.

Ngoài ra, Liên Xô còn tự sáng tạo ra những môn thể thao của riêng mình. Những năm 1930, nước này cấm các môn võ thuật của phương Đông là Jiu Jitsu và Judo. Thay vào đó, họ sáng tạo ra môn võ Sambo (viết tắt trong tiếng Nga của “Tự vệ không dùng vũ khí”). Vào những năm 1960, môn thể thao này còn được cộng đồng quốc tế công nhận và đưa vào nhiều giải đấu. 

Liên Xô cũng tạo ra môn thể thao trên cơ sở môn bóng chuyền. Theo đó, quả bóng cũng được chuyền qua lưới giữa hai đội, nhưng người ta không đánh trả lại mà bắt lấy nó. Đây là trò chơi dành cho các em thiếu niên học sinh, nên có tên gọi là “Pioneerball”.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH.com)