1. Tình hình Syria tiếp tục nóng bỏng, nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trên Địa Trung Hải
Dư luận quốc tế tuần qua đổ dồn về Idlib, Tây Bắc Syria – thành trì quan trọng cuối cùng của lực lượng nổi dậy và là nơi có thể diễn ra một cuộc chiến lớn cuối cùng giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy. Các bên liên quan đang có nhiều động thái răn đe lẫn nhau, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trên Địa Trung Hải.
 |
Chiến hạm của Hải quân Nga. Ảnh: RIA Novosti
|
Ngày 25-8, Mỹ đã triển khai chiến hạm mang tên lửa USS Ross tại Địa Trung Hải, mang theo 28 tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào tại Syria. Ngoài ra, Mỹ cũng đưa máy bay ném bom chiến lược B-1B tới căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar.
Nga đã bày tỏ quan ngại trước những động thái trên của Mỹ, cho rằng Mỹ đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công mới vào Syria với cái cớ là “sử dụng vũ khí hóa học” như đã từng xảy ra trước đây, đồng thời cảnh báo Washington về “hành động gây hấn vô cớ và bất hợp pháp đối với Syria”.
Trước đó, ngày 27-8, Nga đã điều 13 tàu chiến, trong đó có nhiều chiếc được trang bị tên lửa Kalibr, 1 tàu chở dầu cỡ lớn và 2 tàu ngầm đến Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại đây với sự tham gia của 25 tàu chiến và 30 máy bay. Đây được coi là thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Mỹ và các đồng minh nếu có ý định tấn công lực lượng chính phủ Syria.
Không chỉ có Nga, Iran cũng khẳng định duy trì hiện diện quân sự tại Syria bất chấp sức ép từ Mỹ đòi Tehran rút quân khỏi nước này.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cảnh báo tình hình nhân đạo ở nhiều khu vực của Syria vẫn rất đáng lo ngại. Xung đột ngày càng dữ dội đã gây nhiều thương vong cho dân thường, phá hủy các công trình dân sinh và cản trở công tác hỗ trợ nhân đạo và uy hiếp các cộng đồng cư dân địa phương.
2. Mỹ - Iran bước vào cuộc chiến pháp lý
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran lại tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 27-8, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã mở phiên tòa theo đơn của Chính phủ Iran kiện việc chính quyền Tổng thống Donald Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
 |
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Kentron |
Tại phiên tòa, Iran đưa ra 2 lập luận chính để phản bác lại các lệnh trừng phạt mới, được Mỹ đưa ra sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Tehran. Thứ nhất là các biện pháp trừng phạt này đã vi phạm một hiệp ước ký với Iran từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Thứ hai, các biện pháp này hoàn toàn mang tính chính trị. Iran đưa ra yêu cầu được bồi thường, đồng thời kêu gọi ICJ ra phán quyết buộc Mỹ ngay lập tức đình chỉ các biện pháp này.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố ICJ không có thẩm quyền để ra phán quyết về các lệnh trừng phạt của nước này đối với Iran và khẳng định những yêu cầu của Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.
Phiên tòa đầu tiên dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày và dù chưa rõ phán quyết sẽ ra sao, nhưng chắc chắn vụ kiện này sẽ có lợi cho chính quyền Tehran và là cơ hội để Iran tố cáo các biện pháp cấm vận được cho là trái phép của Mỹ.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, kéo theo tái áp đặt trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị. Một loạt công ty quốc tế như Total, Peugeot và Renault của Pháp, Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran. Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngừng các chuyến bay đến Tehran từ tháng 9 tới. Trước sức ép của Mỹ, Iran vẫn thể hiện lập trường cứng rắn khi tuyên bố "sẽ không có chiến tranh và cũng sẽ không đàm phán với Mỹ". Iran thậm chí đe dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời đóng cửa tuyến vận chuyển dầu mỏ nhộn nhịp nhất thế giới qua eo biển Hormuz.
3. Hàn Quốc xem xét lại việc mở văn phòng liên lạc liên Triều. Bình Nhưỡng cáo buộc Washington “hai mặt”
Sau việc Mỹ hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo, tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu chững lại khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét lại việc mở văn phòng liên lạc liên Triều - một trong những nội dung thỏa thuận của Tuyên bố Panmunjom được ký tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 vừa qua.
 |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bên trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 5-2018. Ảnh: Reuters.
|
Lý do mà Hàn Quốc đưa ra là sự xuất hiện “một số diễn tiến mới”, ám chỉ việc ngày 24-8, Washington hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên với lý do khác biệt về lập trường giữa hai bên. Trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước, Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước. Ngày 28-8 Mỹ cũng tuyên bố sẽ chấm dứt đình chỉ các cuộc tập trận trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 26-8 có bài viết cáo buộc Mỹ "hai mặt" và âm mưu chống phá Bình Nhưỡng. Bài viết cũng dẫn nguồn từ một hãng truyền thông Hàn Quốc cho biết một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đóng quân tại Nhật Bản đang tiến hành một cuộc tập trận trên không nhằm "xâm nhập Bình Nhưỡng".
4. Báo động khủng hoảng di cư tại Venezuela
Biên giới giữa Venezuela và các nước láng giềng gồm Peru, Brazil và Ecuador đang được đặt trong tình trạng báo động trước làn sóng người di cư từ Venezuela.
 |
Hàng dài người Venezuela ở cửa khẩu biên giới chờ được nhập cảnh vào Brazil. Ảnh: UNHCR.
|
Giới chức Peru ngày 28-8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế tại khu vực miền Bắc, giáp biên giới Venezuela. Cơ quan y tế nước này cho biết nguy cơ lây lan bệnh dịch là rất cao do tình trạng thiếu thuốc men tại đây.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Michel Temer đã cho phép sử dụng quân đội ở bang Roraima, để bảo đảm an ninh trước làn sóng di cư của hàng nghìn người Venezuela đến nước này. Chính phủ Ecuador cũng thông báo đã thiết lập một “hành lang nhân đạo” để đẩy nhanh lộ trình di chuyển của những người di cư Venezuela muốn tới Peru. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng sẽ thiết lập một nhóm đặc phái viên nhằm đảm bảo phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng này.
Kể từ năm 2015 đến nay, hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội nghiêm trọng, trong đó đa số tìm cách định cư tại các nước láng giềng trong khu vực.
5. Châu Âu vẫn bế tắc về cách tiếp nhận người tị nạn
Cách thức tiếp nhận người tị nạn vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi giữa nhiều nước châu Âu, đặc biệt là giữa Italy, Hungary và Áo.
 |
Ảnh minh họa: AP |
Italy đã đưa ra đề nghị áp dụng cơ chế luân phiên các cảng biển tiếp nhận những người di cư được cứu nạn trên biển. Cơ chế đề xuất mới này nhằm bảo đảm rằng các nước thành viên khác của EU, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Malta cùng chia sẻ trách nhiệm, chứ không phải Italy là quốc gia duy nhất phải chịu gánh nặng này.
Với một lập trường cứng rắn, Hungary yêu cầu áp thuế thật cao lên các hoạt động trợ giúp người tị nạn. Thủ tướng nước này Viktor Orban khẳng định sẽ không cho phép người di cư nhập cảnh vào Hungary. Trong khi đó, Áo muốn các nước châu Âu triển khai quân đội dọc theo các đường biên giới chứ không chỉ trông chờ vào lực lượng biên phòng.
Trong khi các nước vẫn thủ thế của mình thì khoảng 150 người di cư được tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy giải cứu vẫn phải neo đậu ngoài khơi và làn sóng người di cư từ châu Phi quan Địa Trung Hải đổ vào châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng.
6. Đột phá trong đàm phán sửa đổi NAFTA
Quá trình đàm phán căng thẳng giữa Mỹ, Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một văn kiện "lâu đời" vốn định hình quan hệ thương mại 3 nước láng giềng Bắc Mỹ suốt hơn 20 năm qua, lần đầu tiên đã có một bước tiến tích cực với thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa Mỹ và Mexico ngày 27-8. Với thỏa thuận này, Mỹ và Mexico đã tháo gỡ những mâu thuẫn cốt lõi về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ ô tô, giải quyết tranh chấp và nông nghiệp.
 |
Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trong đàm phán sửa đổi NAFTA. Nguồn: The World News
|
Theo đó, hai nước nhất trí 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA đời đầu. Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng những bộ phận có xuất xứ từ châu Á để lắp ráp vào các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay Mexico. Các nhà sản xuất sẽ phải sử dụng nhiều hơn các vật liệu thép, nhôm, kính và nhựa được sản xuất tại Mỹ và Mexico. Mỹ và Mexico thống nhất chu kỳ 16 năm đàm phán lại một lần, thay vì 5 năm/lần như trước đây.
Thỏa thuận đạt được giữa Mỹ-Mexico đã kéo Canada trở lại cuộc chơi sau nhiều tuần không tham gia các cuộc đàm phán tại Washington. Một động thái được cho là có thể là cú hích tạo ra đột phá trong quá trình đàm phán đã trì trệ bấy lâu.
THANH SƠN (tổng hợp)