1. Libya chìm sâu trong vòng xoáy hỗn loạn
Tình hình tại Libya đang diễn biến hết sức phức tạp khi các cuộc giao tranh giữa các tay súng từ miền Đông do lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar dẫn đầu với các lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Serraj ở trong và ngoài thủ đô Tripoli ngày càng ác liệt, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế.
 |
Cảnh hoang tàn do chiến sự ở Libya. Ảnh: Reuters
|
Giao tranh bùng phát sau khi Tướng Haftar ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”. Thủ tướng Fayez al-Sarraj thì tuyên bố đáp trả bằng "mọi nỗ lực", đồng thời huy động quân tiếp viện từ các khu vực về Tripoli để "phản công" bảo vệ thủ đô.
Giao tranh đã khiến 56 người thiệt mạng và 266 người bị thương, khoảng 4.500 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết gần 500.000 trẻ em ở Tripoli và hàng chục nghìn trẻ em ở các khu vực miền Tây đang đối mặt với nguy cơ trực tiếp do xung đột leo thang. Tổ chức Khủng hoảng quốc tế còn cảnh báo leo thang căng thẳng có thể gây ra thảm họa nhân đạo.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chế độ của nhà độc tài Moamer Gadhafi, Lybia hiện vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Tại đây đang tồn tại hai chính quyền. LNA trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền miền Đông đối trọng lại với GNA ở miền Tây do LHQ hậu thuẫn. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ.
2. Sudan: Biểu tình chống chính phủ diễn biến phức tạp
Các cuộc biểu tình chống Chính phủ Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp, khi hàng nghìn người biểu tình tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum để kêu gọi quân đội đứng về phía người biểu tình.
 |
Người biểu tình ở Sudan. Ảnh: Reuters.
|
Theo Bộ Nội vụ Sudan, đã có 7 người thiệt mạng và hơn 2.400 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Không phận của Sudan, các cửa khẩu biên giới đã được lệnh đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir đã phải từ chức và chịu sự quản thúc của quân đội. Ngoài ra, hơn 100 người gồm quan chức đương nhiệm và cựu quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir đã bị bắt giữ, trong đó có Thủ tướng Sudan Mohamed Tahir Ayala.
Bộ trưởng Quốc phòng Sudan, Ahmed Awad Ibn Auf – người được bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp và đã từ chức ngay sau đó một ngày, tuyên bố một hội đồng quân sự sẽ điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Hiện quân đội Sudan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng và cho biết Tổng thống Bashir đang bị giam giữ ở một nơi an toàn.
Các cuộc biểu tình tại Sudan xảy ra kể từ ngày 19-12-2018, khi người dân phản đối chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mì, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến các điều kiện sống của người dân khó khăn hơn.
3. EU đồng ý gia hạn Brexit đến cuối tháng 10
Tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit lại bước vào một khúc quanh mới khi ngày 11-4, Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo EU nhất trí lùi thời hạn Brexit đến ngày 31-10. Đây là lần thứ hai EU đồng ý kéo dài thời hạn này, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit cứng.
 |
Thủ tướng Theresa May trao đổi với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị ở Brussels. Ảnh: AP.
|
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng nhấn mạnh rằng, Anh không nên lãng phí thời gian của EU. Ông khẳng định: "Với thời gian 6 tháng, Anh vẫn đang còn mọi sự lựa chọn về Brexit, hoặc thông qua thỏa thuận Brexit đã bị bác bỏ tới 3 lần, hoặc thay đổi chiến lược rời EU, thậm chí có thể hủy bỏ quyết định ra đi của mình."
Về phía Anh, ngày 11-4, Thủ tướng Theresa May tuyên bố nước này vẫn có thể rời EU một cách có trật tự trước ngày 22-5 tới.
Việc EU đồng ý gia hạn Brexit được coi là một khúc quanh mới cho cuộc “ly hôn” với nước Anh. Tới thời điểm này, "quả bóng đang nằm bên sân của Chính phủ Anh". Thủ tướng Theresa May sẽ có thêm 6 tháng để thuyết phục Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận mà bà đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU vào tháng 10-2018. Tuy nhiên, với những diễn biến trong thời gian vừa qua cho thấy con đường Brexit của nước Anh vẫn còn đầy bất trắc.
4. Gia tăng căng thẳng giữa Estonia và Nga
Estonia đã chặn một tàu huấn luyện của Nga đi vào vùng lãnh hải nước này do trong số những người trên tàu có các học viên sĩ quan đến từ Crimea, bán đảo đã sáp nhập trở lại vào Nga hồi năm 2014.
 |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Nguồn: CBC
|
Trong thông báo ngày 12-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Estonia, Sandra Kamilova cho biết nước này từ chối cấp phép nhập cảnh cho tàu STS Sedov sau khi biết rằng tàu này chở các học viên thuộc một trường đại học hàng hải có trụ sở ở Crimea.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi hành động này là "bước đi khiêu khích và thiếu thiện chí". Theo truyền thông Nga, tàu STS Sedov đang trên đường tới cảng Gdynia ở Ba Lan.
Vụ việc xảy ra chỉ ít ngày trước chuyến thăm Nga đã được lên kế hoạch của Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid. Mối quan hệ giữa Nga và Estonia đã xấu đi kể từ thời điểm Liên Xô trước đây sụp đổ vào năm 1991. Sau đó, nước cộng hòa vùng Baltic này đã gia nhập EU và NATO năm 2004.
5. Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks
Ngày 11-4, Tòa án Westminster ở London, Anh đã kết tội nhà sáng lập trang web WikiLeaks, ông Assanger vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Trước đó, ngày 11-4, Bộ Nội vụ Anh đã tiến hành bắt giữ ông Assanger, sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London.
 |
Nhà sáng lập trang web WikiLeaks, ông Assanger. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, ông Assanger cũng bị các công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu xâm nhập máy tính chứa nhiều thông tin tuyệt mật của Chính phủ Mỹ cùng nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning năm 2010.
Cáo trạng của các công tố viên Mỹ nêu rõ hồi tháng 3-2010, ông Assange đã cấu kết với ông Manning - người đã bị bắt giam hồi tháng trước - cùng "bẻ" mật khẩu trên máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn có kết nối với Mạng lưới Giao thức Internet Bí mật (SIPRNet) - một hệ thống mà Chính phủ Mỹ sử dụng để lưu trữ thông tin mật. Theo các công tố viên Mỹ, ông Assange đã tải xuống các thông tin này, nhằm mục đích xuất bản chúng trên trang web WikiLeaks. Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Dư luận thế giới có nhiều phản ứng trái ngược về vụ việc. Nga đe dọa đưa vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks ra các tổ chức quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng vụ bắt giữ ông Assange đã đi vào lịch sử như trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận.
6. Trung Quốc đạt đột phá trong quan hệ với EU
Tiếp sau chuyến công du cuối tháng 3 vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu, mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tiếp tục là sự kiện được quan tâm với chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới châu Âu tham dự hội nghị cấp cao hai bên lần thứ 21 tại Brussels (Bỉ) và Hội nghị lần thứ 8 giữa Trung Quốc và các nước Trung – Đông Âu (CEEC) ở Croatia.
 |
Ảnh minh họa. Ảnh: Clustercollaboration.
|
Tại hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc lần thứ 21, hai bên đã ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác và tái khẳng định cam kết ủng hộ cơ chế đa phương.
Hai bên đặt mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020. EU-Trung Quốc đã hoan nghênh tiến triển, trao đổi trong đối thoại giữa hai bên cũng như cơ chế hợp tác về mạng 5G dựa trên Tuyên bố chung 5G, ký kết năm 2015, trong đó có việc hợp tác công nghệ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Về thương mại, EU-Trung Quốc kiên định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Hai bên phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, cũng như cam kết thực thi các quy định của WTO. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, con đường” và kết nối chiến lược EU- Á Âu; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ kết nối Trung Quốc-EU, cùng nhau nâng cao tính bền vững và tính bao trùm của kết nối Á - Âu.
Tại Hội nghị lần thứ 8 các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Trung, Đông Âu với chủ đề: “Xây nhịp cầu mở cửa, sáng tạo, đối tác”. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cùng lãnh đạo các nước trong khu vực thảo luận các biện pháp thúc đẩy kinh doanh, đồng thời cam kết Trung Quốc sẵn sàng mở cửa nền kinh tế và tôn trọng các tiêu chuẩn của EU.
THANH SƠN (tổng hợp)