1. Hòa đàm Syria sẽ tiếp tục trong tháng 7
Sau vòng hòa đàm gần đây nhất diễn ra vào ngày 19-5 với kết quả không mấy khả quan, ngày 17-6 vừa qua đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura cho biết vòng hòa đàm tiếp theo dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc có thể được nối lại vào ngày 10-7 tới. Hòa đàm Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc là một trong những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Người dân Syria bên đống đổ nát sau một cuộc giao tranh. Ảnh: thegryphon.co.uk.
Kể từ khi cuộc chiến bùng phát tại Syria năm 2011, đã có hơn 320.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương tìm đường tị nạn. Nhiều nỗ lực tìm kiếm hòa bình cũng đã được tiến hành song chưa đạt được kết quả khả quan. Bất đồng lớn nhất giữa các phe phái vẫn là số phận chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phe đối lập luôn đưa ra điều kiện tiên quyết là ông Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực trong khi Chính phủ Syria luôn bác bỏ thẳng thừng yêu cầu này.
Bên cạnh đó, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga cũng như các hoạt động trên chiến trường Syria gần đây khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về một cuộc leo thang xung đột quân sự tại Syria, đặc biệt là giữa các cường quốc liên quan. Rõ ràng với những bất đồng lớn còn đang tồn tại, hòa bình cho Syria vẫn tiếp tục là câu hỏi chưa thể giải đáp một sớm một chiều.
2. Căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga
Quan hệ Mỹ - Nga đang trải qua những nốt trầm mới trong những ngày gần đây, thể hiện ở những hoạt động trên chiến trường Syria cũng như những chính sách cấm vận Nhà Trắng mới áp đặt lên Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Ảnh minh họa: Daily Times.
Tại Syria, ngày 18-6, Mỹ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 của quân đội Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn. Sự việc khiến Bộ Quốc phòng Nga giận dữ và tuyên bố sẽ bắn bất cứ thiết bị bay nào xuất hiện bên bờ Tây sông Euphrates thuộc Syria. Chỉ một ngày sau, Mỹ lại tiếp tục bắn hạ một máy bay không người lái của Chính phủ Syria. Những sự việc nêu trên chỉ là một phần trong hàng loạt các cuộc đụng độ diễn ra trong vòng một tháng gần đây giữa các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn và quân Chính phủ Syria do Nga hỗ trợ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc leo thang quân sự ở Syria.
Chưa dừng lại ở đó, bất đồng giữa hai cường quốc còn tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới khi ngày 20-6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào 38 cá nhân và thực thể của Nga có liên quan tới Ukraine. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ngày 21-6, Ngoại trưởng Nga tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ đã lên kế hoạch từ trước nhằm thảo luận biện pháp giảm căng thẳng giữa hai bên. Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov cho biết trong hoàn cảnh hiện tại việc tổ chức đàm phán là không hiệu quả. Có thể thấy Mỹ - Nga đang bước vào một giai đoạn căng thẳng ngoại giao mới và hai cường quốc khó có khả năng đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi của cả hai bên.
3. Quan hệ Triều Tiên - Mỹ trong vòng xoáy khủng hoảng mới
Căng thẳng trong quan hệ Triều Tiên - Mỹ đang tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau cái chết của công dân Mỹ Otto Warmbier, một sinh viên Đại học Virginia bị Triều Tiên giam giữ suốt 17 tháng và kết án tù khổ sai 15 năm với cáo buộc ăn trộm biểu ngữ tuyên truyền của nước này hồi tháng 1-2016.
Phản ứng trước vụ việc, Mỹ cáo buộc Triều Tiên đã ngược đãi công dân của mình và Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ không để xảy ra vụ việc tương tự. Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm 23-6 khẳng định không tra tấn hay ngược đãi Otto Warmbier và xử lý vụ việc theo luật pháp trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế và trường hợp của Otto Warmbier cũng không phải là một ngoại lệ.
Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đang lợi dụng vụ việc để tiến hành chiến dịch bôi nhọ Triều Tiên và tìm cách giải cứu các tù nhân khác đang bị Triều Tiên giam giữ và cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump về những hậu quả gây ra nếu có những hành động liều lĩnh. Triều Tiên được cho là còn đang giam giữ 3 công dân Mỹ khác. Cả 3 đều là người Mỹ gốc Hàn.
Quan hệ Triều Tiên - Mỹ vốn đang trong giai đoạn căng thẳng leo thang sau khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa từ cuối năm 2016 và rục rịch có những động thái chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Vụ sinh viên Otta Warmbier tử vong sau khi bị giam giữ 17 tháng tại Triều Tiên tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao hơn và đưa hai quốc gia và khu vực bán đảo Triều Tiên vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.
4. Philippines đang gặp khó tại Marawi
Ngày 23-6 đánh dấu tròn một tháng kể từ khi diễn ra giao tranh tại Philippines giữa lực lượng khủng bố Maute tuyên bố trung thành với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và quân chính phủ. Quân đội Philippines đã phải thừa nhận rằng tiêu diệt lực lượng Maute là không đơn giản.
Giao tranh tại Marawi. Ảnh: Reuters.
Theo người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla, quân đội nước này đã vấp phải sự kháng cự dữ dội và dai dẳng trong suốt thời gian diễn ra giao tranh. Ông cũng cho biết thêm trở ngại lớn nhất đối với quân đội Philippines trong chiến dịch giải phóng Marawi là hoạt động bắn tỉa của các tay súng Maute và việc không thể xác định được số lượng các phần tử thánh chiến tại đây.
Kể từ khi bùng phát giao tranh ngày 23-5 đến nay, đã có gần 400 người thiệt mạng và hơn 200.000 người dân phải sơ tán khỏi Marawi. Hiện vẫn còn khoảng 1.300 người dân mất tích và được cho là đang bị mắc kẹt ở trung tâm Marawi. Quân đội Philippines đang nỗ lực để giải cứu người dân nhưng vấp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều khả năng cần phải có một bên trung gian tin tưởng để tiến hành đàm phán.
Việc lực lượng khủng bố Maute chiếm giữ Marawi và các đối tượng ủng hộ IS tại Iraq và Syria tuyên bố Singapore là một phần thuộc “Nhà nước Đông Á” của IS làm dấy lên lo ngại về việc các phần tử thánh chiến đang tìm cách thành lập sào huyệt tại Đông Nam Á, đe dọa trực tiếp tới an ninh khu vực. Giới quan sát cho rằng khi bị mất địa bàn hoạt động tại Trung Đông, rất có thể IS sẽ nỗ lực tìm cách tạo lập một nhà nước tại Đông Nam Á để tiếp tục hoạt động khủng bố của mình.
5. Đánh bom tại Parkistan và Iraq
Ngày 23-6 đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom liều chết tại Parkistan và Iraq khiến nhiều người thương vong. Tại Parkistan, hai vụ đánh bom liên tiếp đã xảy ra tại một khu chợ ở thành phố Parachinar, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Hiện trường một vụ đánh bom tại Parkistan. Ảnh: THX.
Những kẻ khủng bố đã tiến hành kịch bản đánh bom kép; theo đó, một kẻ đánh bom liều chết tự kích nổ khối thuốc nổ đeo trên người ở khu chợ nơi mọi người đang mua sắm chuẩn bị cho lễ Eid kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Trong khi mọi người còn đang xúm lại hiện trường vụ đánh bom thứ nhất thì chúng kích nổ quả bom thứ hai. Trong số hơn 100 người bị thương có hơn 30 người đang trong tình trạng nguy kịch và con số người thiệt mạng có thể sẽ tăng lên. Đây là vụ đánh bom thứ hai trong ngày. Trước đó, một vụ đánh bom khác cũng đã xảy ra tại thành phố Quetta, Tây Nam Pakistan khiến 13 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Tại Iraq, một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại khu phố Mashahda của thành phố Mosul, khiến 12 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân có cả phụ nữ và trẻ em. Mosul là cách thủ đô Baghdad 400km về phía Bắc và đã rơi vào vòng kiểm soát của IS từ tháng 6-2014. Dân thường đang bị mắc kẹt ở đây đã trở thành lá chắn sống trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng IS và quân Chính phủ kể từ khi Iraq tiến hành các hoạt động truy quét lực lượng IS. Trước đó, cũng trong ngày 23-6, một vụ đánh bom liều chết khác đã xảy ra ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Anbar của Iraq làm ít nhất 9 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương.
6. Diễn biến mới trong khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang có những diễn biến mới. Tuy nhiên, chìa khóa để giải quyết căng thẳng dường như vẫn chưa được bên nào tìm ra. Mới đây nhất, 4 nước vùng Vịnh đã đưa ra yêu sách 13 điểm cùng tối hậu thư 10 ngày cho Qatar thực hiện nếu quốc gia này muốn bình thường hóa quan hệ.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ quân sự ở Doha. Ảnh: Reuters.
Bản yêu sách do 4 nước là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra, trong đó nêu 13 điểm đòi hỏi Qatar phải thực hiện để đổi lại việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. 13 yêu sách bao gồm việc Qatar phải đóng cửa kênh truyền hình nhà nước Al Jazeera, tuyệt giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của mình. Qatar cũng phải chấm dứt quan hệ với Tổ chức Anh em Hồi giáo và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, giao nộp các phần tử khủng bố do 4 nước này yêu cầu, dừng việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trong khu vực và trả một khoản bồi thường (chưa nói rõ con số) cho các quốc gia này.
Phía Qatar cho biết đã nhận được bản yêu sách thông qua nước trung gian là Kuwait và sẽ xem xét nhưng cho rằng nhiều điểm trong yêu sách là không hợp lý. Kênh truyền hình Al Jazeera phát đi thông điệp lên án bản yêu sách 13 điểm và cho rằng đây là một động thái tấn công vào tự do báo chí.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ 3 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm nhiệt. Sau khi 4 nước là Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, lần lượt Maldives, Mauritius, Mauritania và Comoro cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ. Jordan và Djibouti giảm mức đại diện ngoại giao, trong khi Niger, Chad và Senegal đã triệu hồi đại sứ tại Qatar về nước.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)