Những nỗ lực hòa giải mới trên bán đảo Triều Tiên hay thỏa thuận đạt được giữa 5 nước ven biển Caspi… cho thấy những tranh chấp có thể giải quyết thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng lợi ích, hợp tác và bình đẳng giữa các bên. 

1. Công ước Caspi – mô hình mới về giải quyết tranh chấp.

Sau hơn hai thập niên tranh cãi căng thẳng, lãnh đạo 5 quốc gia ven biển Caspi gồm Nga, Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan và  Iran đã đạt được Công ước về quy chế pháp lý của vùng biển này tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 vừa diễn ra ở Kazakhstan.

Lãnh đạo các nước Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan. (Nguồn: Tass)

Theo thỏa thuận, phần mặt nước biển Caspi thuộc quyền sử dụng chung của các bên, còn đáy biển và lòng đất bên dưới được phân chia để cùng nhau khai thác. Các hoạt động vận tải thủy, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học, lắp đặt đường ống dẫn dầu khí... thực hiện theo các quy tắc được các bên nhất trí. Công ước cũng điều chỉnh cụ thể vấn đề phân định ranh giới và ngăn chặn sự hiện diện quân sự của các cường quốc ngoài khu vực tại vùng nước đặc biệt này. 

Caspi là vùng nước khép kín, không kết nối với đại dương, nên theo cách hiểu thông thường nó không phải là biển. Tuy nhiên, xét về quy mô, đặc tính nước và tầng đáy, cũng không thể coi đây là hồ. Công ước Caspi được coi là "công cụ quý giá" để giải quyết tranh cãi kéo dài giữa các nước ven biển, góp phần tháo gỡ căng thẳng trong khu vực. Kết quả này là minh chứng cho thấy các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua con đường đàm phán trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau, hợp tác và bình đẳng.

2. Nỗ lực hòa giải mới giữa hai miền Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục thể hiện thiện chí hòa giải khi nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.

Đây là sự kiện sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, một vị Tổng thống Hàn Quốc tới thủ đô của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom, ngày 27-4-2018. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ liên Triều đã có nhiều chuyển biến rất tích cực sau hai cuộc gặp thượng đỉnh ở Panmunjom trong năm nay. Hai nước đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây, tiến hành các cuộc đàm phán quân sự cấp tướng, tiếp tục thực hiện các cam kết tiến tới phi vũ trang khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Panmunjom.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Lotte, Hyundai, Hyosung và KT cũng công bố kế hoạch tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư vào Triều Tiên. Ngoài ra, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao cũng được hai bên tích cực tổ chức.

Đặc biệt, Bình Nhưỡng và Seoul đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 26-8. Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên tiếng kêu gọi hợp tác kinh tế và xây dựng tuyến đường sắt và đường bộ nối với Triều Tiên để mở đường cho việc thiết lập một cộng đồng kinh tế chung với một số quốc gia khác. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh, nước này sẽ xây dựng mối quan hệ tin tưởng sâu sắc hơn nữa với Triều Tiên.

 3. Anh-EU đã thống nhất được 80% nội dung đàm phán Brexit.

Ngày 16-8, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã bước vào vòng đàm phán Brexit then chốt, bàn thảo hai vấn đề quan trọng là địa vị tương lai của Bắc Ireland và khuôn khổ chung cho mối quan hệ song phương trong tương lai.

 Ảnh minh họa: AP

Cho đến thời điểm này, hai bên đã nhất trí với nhau được 80% nội dung đàm phán Brexit. Tuy nhiên, 20% còn lại là những vấn đề mấu chốt và có ảnh hưởng quyết định đến số phận của thỏa thuận này. 

Tương lai của đường biên giới 500km giữa hai bên hiện đang là một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết. Trong khi EU muốn Bắc Ireland ở lại trong thị trường đơn lẻ đối với hàng hóa và liên minh thuế quan cho đến khi Anh tìm được giải pháp đối về đường biên giới. London lại muốn kế hoạch đảm bảo này được áp dụng trên toàn nước Anh chứ không áp riêng cho vùng Bắc Ireland. 

Cả Anh và EU đều bày tỏ tin tưởng cuộc đàm phán sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Trên thực tế, Anh vẫn luôn là một đối tác quan trọng của EU trong các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và an ninh. EU cần Anh trên lĩnh vực an ninh quân sự để đối phó những mối đe dọa như khủng bố, khủng hoảng nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. 

4. Đảng CPP  lần đầu giành trọn 125 ghế trong Quốc hội Campuchia.

Tối 15-8, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) chính thức xác nhận đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI được tổ chức vào ngày 29-7 vừa qua. 

Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã được 125/125 ghế Quốc hội Campuchia khóa VI. Ảnh: vov.vn

Theo kết quả chính thức, 6.956.900 cử tri trong tổng số 8.380.217 cử tri đã đi bầu, chiếm 83,02%. Với số phiếu ủng hộ áp đảo là 4.889.113 phiếu, chiếm 76,85% tổng số phiếu hợp lệ, đảng CPP đã giành trọn 125 ghế trong Quốc hội mới. 

19 đảng còn lại không giành được ghế nghị sĩ nào, do chỉ nhận được số phiếu ủng hộ chưa đủ để có thể giành được ít nhất là một ghế theo luật định. Trong đó, đảng về nhì sau CPP là đảng FUNCINPEC, chỉ giành được 374.510 phiếu, chiếm 5,89% tổng số phiếu hợp lệ.   

Theo kế hoạch, Quốc hội khóa VI sẽ họp phiên khai mạc dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni vào ngày 5-9. Ngày 17-9, ông Samdech Techo Hun Sen đã được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.   

 5. Căng thẳng Mỹ - Iran, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chưa có hồi kết.

Iran tái khẳng định không đàm phán với Mỹ.

Đề nghị đàm phán của Mỹ đã bị “dội gáo nước lạnh” khi cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố sẽ không có chiến tranh hay đàm phán với Mỹ với lý do Washington không còn đáng tin cậy. Động thái cứng rắn này của Iran khiến quan hệ hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng hơn kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Lãnh tụ tối cao của Iran – ông Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: Reuters

Ông Rouhani cáo buộc Mỹ đã "đốt bỏ các cây cầu" hướng tới thương lượng với Tehran. Ở một cấp thấp hơn, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, nước này sẽ không kiềm chế tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cũng đe dọa cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nếu Tehran không được hưởng lợi từ thỏa thuận quốc tế này.

Về phía Mỹ, Tổng thống nước này đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, cấm các công ty giao thương với Iran giao dịch với Mỹ. Mới đây nhất, Mỹ đã thành lập "Nhóm hành động về Iran" nhằm  thúc đẩy chiến lược của Washington "gây sức ép tối đa", ép Tehran thay đổi cách hành xử.  

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ “ăn miếng trả miếng”.

Phản ứng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-8 tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Washington mà Ankara coi là "tấn công có chủ đích vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ", Nhà Trắng tuyên bố hành động của Ankara là "đáng thất vọng" và một lần nữa yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đồng minh này không phải là bạn của Mỹ khi bắt giữ một linh mục người Mỹ. (Ảnh: AP)

Mỹ còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên thử thách quyết tâm của Washington và tuyên bố sẽ không dỡ bỏ thuế trừng phạt ngay cả khi mục sư Brunson được tự do. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp trả hành động của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký ban hành sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu ô tô, đồ uống có cồn, thuốc lá cùng một số mặt hàng mỹ phẩm, gạo và than đá; đồng thời thông báo Ankara sẽ tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ. Ông Erdogan chỉ trích Mỹ đang tìm cách “đâm sau lưng Thổ Nhĩ Kỳ” và khẳng định nước này sẽ không để thua trong cuộc chiến kinh tế với các nước thù địch.

Căng thẳng giữa Washington và Ankara leo thang liên quan vụ mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mục sư này có quan hệ với một nhóm khủng bố.   

6. Hơn 20.000 chiến binh IS vẫn đang hoạt động ở Iraq và Syria.

Ngày 13-8, Liên hợp quốc (LHQ) ra báo cáo cho biết, hiện có khoảng từ 20.000 đến 30.000 chiến binh của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn đang hoạt động ở Iraq và Syria bất chấp sự thất bại tại những chiến trường này và sự rút lui của nhóm thánh chiến trên trong khu vực.

IS được cho là vẫn hiện diện đông ở Iraq và Syria. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, tại Libya hiện có khoảng từ 3.000 đến 4.000 chiến binh IS chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các "hoạt động thánh chiến" ở Afghanistan. Khoảng 500 người đang có mặt tại Yemen và hơn 6.000 chiến binh thánh chiến Al-Qaeda đang hiện diện tại quốc gia này. 

Cũng theo báo cáo của LHQ, làn sóng chiến binh nước ngoài gia nhập IS về cơ bản đã chấm dứt và các nguồn tài chính của IS đang dần cạn kiệt. Số chiến binh IS hoạt động tại Yemen hiện chỉ còn 250-500 tên so với 6.000-7.000 tay súng của Al-Qaeda.   

VĂN DUYÊN (tổng hợp)