Nhắc tới TPTM, chắc hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ tới những thành phố thuộc các quốc gia có cơ sở hạ tầng và công nghệ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore… Điển hình như tại Hàn Quốc, giữa tháng 3 vừa qua, chính quyền thành phố Seoul đã công bố kế hoạch xúc tiến xây dựng TPTM Seoul. Theo đó, trong vòng 4 năm tới, Seoul sẽ đầu tư khoảng 1,24 tỷ USD để biến thủ đô của xứ sở Kim chi thành một “thủ đô dữ liệu” thực thụ. Điểm đặc biệt của mô hình này là sẽ dựa vào 50.000 thiết bị cảm biến internet vạn vật (IoT) lắp đặt trên toàn thành phố để thu thập các dữ liệu về môi trường đô thị, chẳng hạn như tiếng ồn, gió, bụi, cũng như các dữ liệu liên quan đến đời sống thường nhật của người dân như dân số và lượng xe cộ lưu thông trên đường.

 Người dân thủ đô Seoul (Hàn Quốc) sẽ được tận hưởng những thay đổi tích cực mà một thành phố thông minh đem lại. Ảnh: Getty Images.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện coi TPTM là một trong những ưu tiên phát triển. Chính vì vậy, trong một bài phát biểu vào giữa tháng 3 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ủng hộ tối đa cho việc xây dựng các TPTM thử nghiệm.

Tuy nhiên, Hàn Quốc không chỉ muốn đi tiên phong về phát triển và xây dựng các TPTM, mà trong tương lai xa hơn, nước này còn đặt mục tiêu trở thành một nhà xuất khẩu TPTM ra khắp thế giới.

Còn tại Nga, năm ngoái, nước này cũng đã khởi động Dự án “Thành phố thông minh” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố, xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho đời sống người dân. Mới đây, Nga cho biết có thể sẽ chi khoảng 540 triệu USD cho dự án số hóa trong khuôn khổ dự án quốc gia nói trên nhằm chuyển đổi và tự động hóa hoạt động tại các thành phố.

Hiện một số quốc gia cũng hướng tới việc phát triển các TPTM, song quá trình này có vẻ tốn thời gian hơn so với ở những nước phát triển. Chẳng hạn, Indonesia đã lên kế hoạch phát triển các TPTM theo 3 giai đoạn: Từ năm 2015 đến 2025 sẽ cung cấp các dịch vụ công cộng cơ bản, bao gồm nước sạch, dịch vụ vệ sinh và khu dân cư "không ổ chuột"; giai đoạn 2025-2035 sẽ phát triển các thành phố xanh và từ năm 2035 đến 2045 sẽ phát triển các TPTM. Bên cạnh đó, ngay cả các khu vực nông thôn của quốc gia vạn đảo cũng được định hướng theo mô hình “làng mạc thông minh”, với mục tiêu cơ bản là tăng phạm vi phủ sóng cố định cho 49% hộ gia đình nông thôn và băng thông rộng di động cho 52% dân số nông thôn trong năm nay.

Để có thể trở thành một TPTM, dĩ nhiên không thể thiếu quá trình số hóa. Và quá trình này chắc chắn sẽ đem đến sự thay đổi rõ rệt đối với cuộc sống hằng ngày của người dân theo hướng hiện đại hóa, dù là trong những hoạt động nhỏ nhất. Như ở các thành phố Volgograd, Yugra và Khanta-Mansiisk (Nga), sự xuất hiện của các hệ thống giao thông thông minh, cột đèn thông minh, các mô hình điện tử trong thu gom và xử lý rác hiện đã không còn là điều quá xa vời. Thậm chí, ngay cả các cuộc họp tổ dân cư hay tổ dân phố sắp tới cũng sẽ được tiến hành thông qua các ứng dụng trực tuyến.

Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi sống ở các TPTM, người dân có thể sẽ tiết kiệm được 124 giờ/năm trong việc đi lại, đợi làm các thủ tục hành chính hay chờ xếp hàng tại bệnh viện.

Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi TPTM sẽ là một trong những xu hướng có tiềm năng phát triển nhanh nhất trong tương lai và khiến cuộc sống ở mọi ngõ ngách của thế giới thay đổi hoàn toàn.

TRUNG DŨNG