Khác với những đoàn tàu cao tốc bóng bẩy màu trắng bạc thường thấy, chuyến tàu số 5652 mang phong cách cổ điển này chạy với tốc độ chậm, khởi hành từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, trải qua hành trình 261km và kết thúc ở tỉnh Quý Châu lân cận.
So với tàu cao tốc, loại tàu chậm này có giá vé thấp hơn nhiều, dao động từ 6 đến 36,5 nhân dân tệ (từ 0,83 đến 5USD).
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Zhao và nhiều nông dân xuống một bến tàu ở thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam. Chuyến đi có chi phí rất rẻ đưa họ đến một khu chợ nhộn nhịp. Đây là nơi họ có thể bán nông sản tươi với giá tốt.
“Tất cả chúng tôi đều bắt tàu chậm tới đây... Nhờ các ưu đãi của địa phương, chúng tôi được dựng quầy miễn phí, các nông sản đem đến được bán khá nhanh với giá cao hơn ở quê nhà”, Zhao phấn khởi nói với phóng viên Tân Hoa xã.
Những chuyến tàu chậm giá rẻ này do Tập đoàn Đường sắt Côn Minh vận hành, hướng đến phục vụ người thu nhập thấp ở nông thôn và miền núi, trong đó có nông dân, người bán rong, công nhân nhập cư, sinh viên... Trung Quốc nổi tiếng với mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới phục vụ gần 3,3 tỷ lượt hành khách trong năm 2024.
Song ít ai biết, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của các chuyến tàu chậm sơn màu xanh lá cây nhằm cung cấp lựa chọn di chuyển tiết kiệm, hợp túi tiền với những người thu nhập thấp. Gọi là tàu chậm bởi tốc độ trung bình của loại tàu này thường dưới 80km/giờ.
Nhờ giá vé phải chăng, tàu chậm trở thành phương tiện phổ biến giúp đưa đón học sinh sinh sống dọc tuyến đường, đồng thời đóng vai trò là phương tiện di chuyển thuận lợi cho những người dân làm việc ngoại tỉnh.
Trên các chuyến tàu chậm còn có "chợ lưu động" trong các toa tàu nhất định. Vào mùa thu hoạch, nông dân tỏa lên các toa tàu này bán rau, củ, quả và các đặc sản địa phương, hoặc di chuyển tới chợ ở các khu vực quanh đó để bán nông sản.
HẢI LÊ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.