Sách Trắng về rừng và lâm nghiệp được thông qua tại cuộc họp mới đây của Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên bao gồm một phần đặc biệt về bệnh sốt cỏ khô. Trong đó, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc chặt phá rừng tuyết tùng nhân tạo và thay thế chúng bằng những cây tạo ra ít phấn hoa hơn. Nhật Bản đặt mục tiêu giảm khoảng 20% diện tích trồng cây tuyết tùng vào năm tài chính 2033. Sách Trắng cho biết, để đạt được mục tiêu, cần phải bảo đảm lực lượng lao động cho công việc khai thác gỗ, kích thích nhu cầu về gỗ tuyết tùng và tăng cường sản xuất cây ít phấn hoa.

leftcenterrightdel

Nhật Bản tìm cách giải quyết bệnh sốt cỏ khô. Ảnh minh họa: nguồn internet 

Tổng diện tích rừng nhân tạo ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi từ khoảng 5 triệu héc-ta vào năm 1949 lên khoảng 10 triệu héc-ta hiện nay. Rừng tuyết tùng chiếm khoảng 40% tổng diện tích. Một số lượng lớn cây tuyết tùng đã được trồng để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong thời kỳ Nhật Bản tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Lượng phấn hoa phát tán tăng lên khi rừng tuyết tùng phát triển, khiến bệnh sốt cỏ khô phổ biến ở Nhật Bản kể từ năm 1970, với nhiều triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi và ngứa mắt, chủ yếu là vào mùa xuân. Theo một cuộc khảo sát toàn quốc đối với các bác sĩ tai mũi họng và gia đình họ, ước tính, dị ứng phấn hoa tuyết tùng ảnh hưởng đến 39% dân số Nhật Bản vào năm 2019, tăng mạnh so với con số 16% vào năm 1998. Tháng 5-2023, Chính phủ Nhật Bản đã vạch ra các biện pháp để giải quyết bệnh sốt cỏ khô, bao gồm chỉ định các khu vực ưu tiên gần thành phố để chặt cây tuyết tùng và thay thế bằng các cây khác, mở rộng nhu cầu về gỗ tuyết tùng trong xây dựng...

THU NGA

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.