Nhìn vào mô hình món ăn giả trong các nhà hàng, nhiều người thậm chí còn không nghĩ rằng đó là đồ ăn giả bởi trông chúng giống đồ ăn thật đến từng chi tiết nhỏ và quá hấp dẫn.

Đầu những năm 20, các chủ nhà hàng bắt đầu tiếp cận nhà sản xuất mô hình bộ phận trên cơ thể người và yêu cầu họ làm mô hình tương tự cho đồ ăn bán ở cửa hàng để thu hút thực khách. Ý tưởng làm đồ ăn mô hình nhanh chóng lan rộng khi thói quen ăn uống ở nhà hàng gia tăng và số lượng người dân nông thôn đổ xô về thành phố ngày càng nhiều.

Nhân viên của Công ty Hatanaka đang làm mô hình bánh hamburger giả. 

Trước đây, các nghệ nhân dùng sáp để làm ra các mẫu thức ăn giả, còn ngày nay họ chuyển sang dùng vật liệu silicone có tính bền hơn. Tại xứ sở mặt trời mọc, tất cả món ăn từ sushi, mỳ tới hamburger, thịt lợn rán tonkatsu đều được làm thành mô hình như thật, đầy màu sắc và bắt mắt. Từng thành phần của món ăn như thịt, cà chua, phô mai hay rau xanh được làm riêng trước khi được quét sơn và ghép lại hoàn chỉnh như phiên bản thật. Cuối cùng, mẫu đồ ăn giả được phủ lớp sơn dầu bên ngoài để trông hấp dẫn và thu hút người qua đường. Giá của một mô hình món ăn giả không hề rẻ, có thể lên tới vài trăm USD.

Những mô hình đồ ăn giả trông giống như thật được cho là mang lại hiệu quả cao hơn so với những hình ảnh trong thực đơn. “Khách hàng được tận mắt nhìn thấy kích cỡ, màu sắc của các món ăn mà họ sẽ gọi”, Norihito Hatanaka, người điều hành công ty chuyên sản xuất đồ ăn giả Hatanaka ở ngoại ô Tokyo, cho hay.

Làm đồ ăn giả là một trong những công việc đòi hỏi tính sáng tạo, sự tỉ mỉ và quan trọng hơn hết là lòng tận tâm với nghề. Hiện nay, trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, khi máy in 3D đang dần thay thế bàn tay con người, những công cụ mà Công ty Hatanaka sử dụng hoàn toàn đơn giản, bao gồm dụng cụ cắt, cọ vẽ, súng bắn sơn, lò sấy. “Máy in 3D không thể làm ra sản phẩm tinh tế như các nghệ nhân, hơn nữa nguyên vật liệu cũng rất đắt tiền. Máy móc không thể hiểu thế nào là đẹp và ngon”, ông Norihito Hatanaka giải thích.

Ngày nay, mô hình đồ ăn giả không chỉ gói gọn sau cửa kính của các nhà hàng mà còn hướng tới chức năng khác như móc chìa khóa, đồ trang trí nhà bếp, đồ lưu niệm…

TÚ ANH