Có được thành công trên là nhờ vào ba chiến dịch giải giáp vũ khí mà quốc gia này thực hiện kể từ năm 1588 cũng như các biện pháp thắt chặt sử dụng súng hiện nay, tờ Libération của Pháp cho hay.
Bạn muốn sở hữu một khẩu súng? Ở Mỹ, điều này quá đơn giản. Bạn chỉ cần trải qua hai bước, đó là thực hiện việc kiểm tra lai lịch và ra quầy trả tiền. Thế nhưng ở Nhật thì ngược lại. Để sở hữu một khẩu súng, người mua phải tiến hành 13 bước thủ tục, trong đó có một hồ sơ lai lịch, vượt qua một kỳ thi viết, có giấy chứng nhận sức khỏe có xác nhận của chuyên gia tâm lý và kiểm tra ma túy, vượt qua một bài kiểm tra bắn súng, tham gia khóa trang bị kiến thức về quy định sử dụng súng, thực hành tháo đạn ra khỏi súng hoặc cho phép cảnh sát kiểm tra súng hằng năm.
 |
Hiệp hội Sử dụng súng săn Tsuruoka ở tỉnh Yamagata, Nhật Bản. Ảnh: Getty |
Việc đối mặt với nhiều thủ tục như vậy khiến người Nhật không mặn mà mua súng. Bởi lẽ, nếu sở hữu khẩu súng ngắn trái phép, họ có thể bị ngồi tù. Hiện nay, luật pháp Nhật Bản quy định, chỉ có súng săn và súng hơi mới được phép bán trên thị trường... Theo các dữ liệu được thu thập bởi gunpolicy.org - một trang web do Đại học Sydney quản lý, tỷ lệ sử dụng súng ở Nhật Bản là 6/1.000 người, trong khi ở Pháp là 14,96/1.000, ở Mỹ là 101,5/1.000.
Về mặt logic, Nhật Bản là nước có tỷ lệ giết người bằng súng thấp nhất trên thế giới, ngay cả khi mới đây xảy ra vụ một sĩ quan cảnh sát sát hại đồng nghiệp của mình bằng súng. Theo thống kê, năm 2015, cả nước Nhật có 8 người bị giết bằng súng. Con số này đã tăng lên 27 vào năm 2016 do những cuộc tranh chấp giữa các yakuza (một thuật ngữ chung để chỉ các nhóm tội phạm có tổ chức tại Nhật). Cũng trong năm 2016, tại Mỹ ghi nhận 14.415 vụ giết người liên quan tới súng.
Làm thế nào mà Nhật Bản (gần như) đã loại bỏ được vũ khí “nóng”? Giáo sư Chikao Uranaka của Trường Đại học Kyoto Sangyo, đồng thời là chuyên gia xã hội học cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, người Nhật đã có ba chiến dịch giải giáp vũ khí lớn. "Chiến dịch đầu tiên khởi động năm 1588, khi lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi, trong nỗ lực thống nhất đất nước, đã chọn giải pháp là giải giáp nông dân nổi dậy. Nhật Bản đã bắt đầu một thời kỳ cô lập, còn gọi là Sakoku, kéo dài hơn 250 năm. Các chiến binh (samurai) quay lưng lại với khẩu súng trường và ủng hộ việc sử dụng thanh gươm", ông Uranaka cho biết.
Năm 1853, sự kiện tàu chiến của đô đốc người Mỹ Matthew Perry cập cảng Nhật Bản, buộc nước này phải mở cảng biển cho tàu Mỹ đến giao thương. Trong thời kỳ khôi phục Minh Trị (bắt đầu năm 1868), sau đó là cuộc nội chiến Boshin (chiến tranh Minh Trị Duy Tân), vũ khí lại được sử dụng lại với quy mô lớn hơn nhiều. Cho đến năm 1876, một sắc lệnh của chính phủ Haïtorei quy định, cấm tất cả mọi người mang vũ khí tới nơi công cộng, trừ quân đội và cảnh sát. Dưới thời đế quốc Nhật, quy định cấm sử dụng súng lại bị dỡ bỏ. Nhật Bản phát triển vũ khí riêng của mình, như súng Arisaka được sử dụng phổ biến cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai.
“Chiến dịch giải trừ vũ khí lần thứ ba diễn ra vào năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh. Người Mỹ lúc đó rất sợ sự phản kháng và súng, cũng như lưỡi kiếm hay đao”, Giáo sư Chikao Uranaka cho hay. Năm 1958, cuối cùng Nhật Bản cũng thông qua một loạt biện pháp triệt để, theo đó, "không ai có quyền sở hữu súng hoặc kiếm mà không có sự cho phép của chính quyền". Sau khi biện pháp này được đưa ra, nhiều gia đình đã tự nguyện nộp vũ khí cho cơ quan chức năng, dù đó có thể là tài sản được thừa kế.
Đó là lý do vì sao những vụ giết người bằng súng hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản. Thế nhưng thay cho sử dụng súng, bọn tội phạm lại dùng dao để thực hiện âm mưu xấu xa của mình. Năm 2016, ở Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, một thanh niên đã giết chết 19 người tàn tật bằng dao và búa. Trước đó, trong năm 2008, 7 người đã thiệt mạng trong khu phố Akihabara ở Tokyo. Một chiếc xe tải đã đâm trúng người đi bộ, sau đó người lái xe nhảy xuống dùng dao đâm vào nhiều người. Và vào năm 2001, tại Trường Tiểu học Ikeda ở Osaka, một người đàn ông đã giết chết 8 học sinh bằng một con dao nhà bếp.
Tuy nhiên, ngay cả khi đối mặt với tội phạm nguy hiểm, cảnh sát Nhật Bản cũng cố gắng tránh phải sử dụng súng và họ chỉ dùng võ để trấn áp tội phạm.
LINH OANH