Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Guzman đăng tải bức thư từ chức gửi lên Tổng thống Argentina Alberto Fernandez. “Tôi viết thư này để trình bày với Tổng thống việc tôi từ chức Bộ trưởng Kinh tế mà ngài đã trao cho tôi kể từ ngày 10-12-2019”, bức thư có đoạn viết. Tuy không nêu rõ lý do từ chức, song nhà kinh tế học 39 tuổi kêu gọi Tổng thống Fernandez hàn gắn những rạn nứt trong chính phủ liên minh nhằm tránh gây ra khó khăn cho bộ trưởng kế nhiệm ông.

Ông Guzman cũng tái khẳng định “sự tin tưởng sâu sắc vào tầm nhìn của ông về con đường mà Argentina nên đi theo”, đồng thời cảnh báo trong tương lai, điều cần thiết là quốc gia Nam Mỹ này cần “tiếp tục tăng cường gắn kết kinh tế vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, tài chính, tỷ giá hối đoái và năng lượng”.

Ông Guzman từng là học trò của ông Joseph Stiglitz-chủ nhân Giải Nobel Kinh tế năm 2001. Ông Guzman là người đứng đầu các cuộc đàm phán trong hai năm qua, đầu tiên là với các chủ nợ Câu lạc bộ Paris, sau đó là với IMF để tái cơ cấu khoản nợ gần 45 tỷ USD của Argentina-di sản của một khoản vay được ký bởi chính phủ tiền nhiệm Mauricio Macri.

Ông Martin Guzman-“kiến trúc sư” của thỏa thuận tái cơ cấu nợ giữa Argentina với IMF hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: AFP 

Trước đó, Argentina rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ năm 2018 dưới thời của Tổng thống Macri và phải viện tới sự hỗ trợ của IMF. Tổ chức tài chính đa phương này đã chấp thuận cấp cho Argentina khoản vay tín dụng lên tới 57 tỷ USD-mức cho vay cao nhất trong lịch sử của IMF.

Tuy nhiên, IMF mới chỉ giải ngân được gần 45 tỷ USD thì chính phủ của ông Macri thất cử và chính quyền mới của Tổng thống Alberto Fernandez từ chối nhận nốt phần còn lại của khoản vay. Chính phủ mới cho rằng Argentina không thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ trong năm 2022 cũng như các điều khoản trong thỏa thuận cũ, trong đó có các điều kiện về “thắt lưng buộc bụng”, nên đã yêu cầu đàm phán tái cơ cấu nợ với IMF. Công việc này được giao cho ông Guzman thực hiện.

Theo AFP, thỏa thuận mà Argentina và IMF đạt được hồi tháng 3 vừa qua đã đưa ra một loạt biện pháp kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát kéo dài của đất nước (60,7% trong 12 tháng qua) và giảm thâm hụt ngân sách (3% GDP năm 2021) cho đến khi cân bằng vào năm 2025. Tất cả biện pháp kinh tế này đều nằm dưới sự giám sát của IMF. Đổi lại, Argentina sẽ được ân hạn 4 năm và việc trả nợ sẽ bắt đầu từ năm 2026 đến 2034. Theo đánh giá của một số nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền “Frente de Todos”, đây là một thỏa thuận hợp lý đặt trong bối cảnh Argentina đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Kể từ khi thỏa thuận trên được ký kết cho tới nay, IMF đã tán thành các chính sách kinh tế vĩ mô của Argentina. Ngày 1-7 vừa qua, định chế tài chính này đồng ý cho phép giải ngân gói tín dụng trị giá 4 tỷ USD cho quốc gia Nam Mỹ này. 

Tuy nhiên, Phó tổng thống Argentina Cristina Kirchner luôn chỉ trích Bộ trưởng Guzman quá sốt sắng trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách, tiền tệ. Theo bà Kirchner, trong bối cảnh và tình cảnh hiện nay của Argentina, nơi có 37% dân số nghèo, việc giải quyết nợ đòi hỏi phải mang tính xã hội nhiều hơn.

Những chỉ trích này gia tăng kể từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2021 khiến liên minh cầm quyền của Tổng thống Fernandez mất thế đa số tại Thượng viện. Ông Guzman đã nhiều lần lấy làm tiếc về mối bất hòa này trong liên minh chính phủ “Frente de Todos” ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước. Đồng peso của Argentina đang đi xuống liên tục, với 130 peso đổi 1USD theo tỷ giá ngân hàng, nhưng giá chợ đen bị đẩy lên mức 239 peso đổi 1USD trong những ngày gần đây, tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, Bộ trưởng Kinh tế Guzman từ chức đồng nghĩa với việc trao “con dấu tự quyết” lại cho Tổng thống Fernandez. “Việc từ chức của ông Guzman sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường. Ngay cả khi Tổng thống và Phó tổng thống đạt được đồng thuận về hoạt động của nền kinh tế, mọi thứ giờ đây sẽ phải chịu áp lực từ phía bà Kirchner”, nhà phân tích chính trị Carlos Fara nhận định. Hiện Văn phòng Tổng thống Argentina chưa công bố thời điểm bổ nhiệm bộ trưởng mới và Tổng thống Fernandez đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các thành viên nội các và các phe phái trong liên minh.

BÌNH NGUYÊN