Trung Quốc cũng nắm giữ vị trí thống lĩnh trong sản xuất các thành phần của hệ thống quang điện, tua-bin gió và pin năng lượng mặt trời. Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp năng lượng sạch của Trung Quốc là minh chứng cho sức mạnh công nghiệp của nước này và thể hiện rõ ràng lời cam kết vững chắc của Bắc Kinh trong việc theo đuổi phát triển xanh và carbon thấp.
|
|
Thiết bị điện gió tại một khu công nghiệp ở huyện Xạ Dương, thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trung Quốc đặt mục tiêu đạt đỉnh về mức phát thải carbon vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Mục tiêu này góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các sản phẩm năng lượng sạch ở Trung Quốc. Ông Yang Lei, Phó viện trưởng Viện Năng lượng thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Trung Quốc nổi lên như một quốc gia đóng góp và dẫn đầu đáng kể trong việc phát triển năng lượng sạch trên toàn cầu”. Theo ông Yang Lei, năng lực sản xuất các sản phẩm năng lượng sạch mạnh mẽ của Trung Quốc đã thúc đẩy chi phí chuyển đổi xanh xuống thấp, mở đường cho sự phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô lớn trên toàn cầu và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết cung cấp các giải pháp giá cả phải chăng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu.
Gọi Trung Quốc là “cường quốc năng lượng tái tạo của thế giới”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng Trung Quốc sẽ chiếm gần 60% công suất năng lượng tái tạo mới trên toàn cầu vào năm 2028. Các nhà phân tích cho rằng năng lượng tái tạo bùng nổ ở Trung Quốc nhờ vào những chính sách ủng hộ tăng trưởng xanh của nước này, thị trường trong nước khổng lồ, chuỗi cung ứng và công nghiệp hoàn chỉnh cũng như nguồn nhân lực dồi dào.
Ông Li Fei, đại diện cho PowerChina International Group Limited, tập đoàn chuyên về xây dựng các cơ sở hạ tầng điện, đã giải thích về vai trò của tập đoàn trong việc thúc đẩy tính bền vững kể từ khi tham gia thị trường điện gió ở nước ngoài vào năm 2011. Lấy ví dụ về một trong những dự án mang tính bước ngoặt của họ-Dự án điện gió Adama 1 tại Ethiopia, ông Li Fei cho biết đây là dự án đầu tiên của tập đoàn được thiết kế và trang bị công nghệ Trung Quốc, đóng góp đáng kể vào việc đưa năng lượng sạch đến châu Phi. Tính đến tháng 12-2023, tập đoàn đã xây dựng các dự án điện gió và quang điện tại hơn 20 quốc gia với tổng công suất lắp đặt là 50,4 gigawatt, bao gồm 18,7 gigawatt điện gió và 31,7 gigawatt quang điện. PowerChina International Group Limited cũng đang nghiên cứu về các dự án năng lượng hydro ở thị trường nước ngoài.
Câu chuyện về tập đoàn này là điển hình cho những nỗ lực của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực năng lượng sạch. Trung Quốc đã tích cực tham gia các dự án cơ sở hạ tầng điện ở Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi cũng như Mỹ Latin. Các sản phẩm điện gió và quang điện của Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang hơn 200 quốc gia, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất điện trên toàn cầu.
Là quốc gia nỗ lực tăng cường hợp tác toàn cầu, Trung Quốc đã hợp tác với hơn 100 quốc gia về các dự án năng lượng xanh. Ông Vladimir Norov, cựu Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nêu bật những tiến bộ rõ rệt mà các doanh nghiệp Trung Quốc đạt được trong các dự án năng lượng và lưu trữ điện tại Uzbekistan, quê hương của ông. Tháng 10-2023, Uzbekistan và Trung Quốc ký kết một thỏa thuận về hợp tác năng lượng tái tạo. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc củng cố an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu trung hòa carbon tại khu vực. “Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Á. Nhu cầu về năng lượng sạch ở Trung Á, đặc biệt là ở Uzbekistan rất lớn. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tích cực hơn trong việc đầu tư vào khu vực này”, ông Norov nhấn mạnh.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.