“Để giúp phụ nữ Nga tham gia vào ngành hàng không, tôi mời họ cùng tôi chinh phục bầu trời”, đây là lời khẳng định của Lydia Zvereva, người trở thành nữ phi công đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, cô được biết đến không những là một phi công, mà còn là một nhà chế tạo máy bay đầy tài năng thời Sa hoàng.

Giấc mơ về bầu trời

Con gái của một vị tướng thời Sa hoàng, Lydia Zvereva luôn ám ảnh bởi những chiếc máy bay ngay từ khi còn nhỏ. Cô đọc nhiều sách báo về ngành hàng không, tháo rời những món đồ chơi máy móc phức tạp ra từng mảnh, bàn luận hàng giờ về những chiếc khinh khí cầu và phi cơ. Thậm chí, cô còn thực hiện những “cuộc bay thử” bằng cách dùng ô nhảy từ mái nhà kho chứa đồ đạc xuống đất. 

“Ngay từ lúc còn là một cô bé, tôi đã rất thích thú với những chiếc khinh khí cầu ở pháo đài Osowiec, nên đã xây dựng các mô hình. Khi đó ở Nga vẫn chưa ai có thể bay và trên báo chí mới chỉ thỉnh thoảng bắt đầu xuất hiện những thông tin đầu tiên về thành tựu của các nhà chế tạo ở nước ngoài”, Lidya Zvereva nhớ lại.

 

Nữ phi công đầu tiên của Nga Lydia Zvereva trên máy bay “Farman-4”. Ảnh: Karl Bulla/russiainphoto.ru 

Điều làm cho Lydia lo ngại tuyệt nhiên không phải là chuyện đầu thế kỷ XX ngành hàng không vẫn đang trong thời kỳ sơ khai, mà là những cuộc bay rất nguy hiểm đến tính mạng. Những chiếc máy bay yếu ớt không đáng tin rất dễ bị lật nhào và bị gió đánh vỡ, hằng năm cướp đi sinh mạng của hàng chục phi công trên toàn thế giới.  

Tuy vậy, Lydia Zvereva đã đăng ký vào học tại trường hàng không tư thục “Gamayun” ở gần thành phố Saint Petersburg. Сáс tờ báo địa phương đã viết về người phụ nữ đầu tiên muốn học nghề phi công, gọi cô là “Tiểu thư Z” vì muốn tôn trọng đời sống riêng của cô.

“Lydia Zvereva bay một cách không do dự và rất dứt khoát. Tôi nhớ tất cả mọi người đều chú ý đến những cuộc bay thuần thục của cô ấy, trong đó có cả những lần bay rất cao. Bởi lúc đó không phải ai cũng dám mạo hiểm bay lên độ cao lớn như vậy”, học viên cùng lớp của cô Konstantin Artseulov kể lại.  

Có vài lần Lydia Zvereva gặp tai nạn nghiêm trọng, nhưng luôn may mắn chỉ bị xây xước nhẹ. Ngày 23-8-1911, sau khi thi đỗ tất cả các kỳ thi cần thiết, “Tiểu thư Z” 21 tuổi được cấp bằng phi công, trở thành nữ phi công đầu tiên của Đế chế Nga.   

Nhà chế tạo máy bay tài năng

Năm 1912, Lydia Zvereva cùng với chồng mình là phi công Vladimir Slyusarenko hành nghề bay biểu diễn. Họ tham dự Tuần lễ hàng không diễn ra ở Baku, biểu diễn ở Tiflis (nay là Tbilisi, Gruzia), nơi nữ phi công thực hiện những cuộc bay trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Chuyến đi đến Riga suýt nữa trở thành chuyến đi cuối cùng của Lydia Zvereva. Khi đang bay biểu diễn thì gió bắt đầu nổi lên và hất tung chiếc máy bay “Farman” của cô xuống khán đài. Cố gắng bay lên, nhưng cô bị rơi vào luồng gió mạnh hơn, và cuối cùng thì máy bay của cô cũng bị gió quật nhào. Khi rơi xuống đất, nữ phi công bị hất về phía trước và bị những mảnh vỡ máy bay đè lên người. Không lâu sau đó, trong một bức thư của mình, cô viết: “Khi máy bay rơi xuống, tôi suýt chút nữa thì bị gãy chân. Đến giờ vẫn còn đau. Tình hình phổi của tôi thì rất tệ. Bác sĩ yêu cầu không được đi nữa, nhưng tôi vẫn muốn bay. Họ cảnh báo, nếu không nghe lời thì sẽ mắc bệnh lao phổi. Đúng thật, đó là số phận của nghề phi công rồi!”. 

 Lydia Zvereva bên chiếc máy bay đầu tiên do Nga chế tạo “Kudashev-1". Ảnh tư liệu

Mặc dù bị tai nạn, nhưng có lẽ cũng nhờ đó mà những màn trình diễn của Lydia rất thành công. Hai vợ chồng cô được mời ở lại Riga và họ đã rất vui vẻ nhận lời. Thành phố lớn bên bờ biển Baltic này thời đó là trung tâm của ngành hàng không Nga. Tại đây người ta đã chế tạo ra những động cơ máy bay đầu tiên của cả nước.

Năm 1913, vợ chồng cô khai trương trường phi công của mình tại Riga với mức học phí thấp nhất trong nước. Ngoài ra, họ còn tổ chức lớp sửa chữa và thiết kế máy bay, khi đó Lydia Zvereva là nhà chế tạo máy bay đã tiến hành nâng cấp những chiếc phi cơ sản xuất tại các nước phương Tây. Người phụ nữ đặc biệt này được mời đến làm việc tại Áo - Hung, nhưng cô quyết định ở lại quê hương.  

Nữ phi công vắn số

Công việc giảng dạy và chế tạo không mảy may làm cho Lydia Zvereva trở nên thận trọng hơn. Nữ phi công đầu tiên của Nga này vẫn tích cực bay như trước, dù rất nguy hiểm đến tính mạng.

Cô thậm chí còn cả gan tham gia thực hiện kiểu bay vòng gấp ngoặt “tử thần”, khi ngồi cùng trên máy bay. Cuộc bay đó diễn ra ngày 19-5-1914 trên chiếc máy bay cánh đơn “Moran” do nam phi công giàu kinh nghiệm Evgeny Shpitsberg điều khiển.

Tờ “Người đưa tin Riga” viết: “Chiếc “Moran” nhanh chóng bay vút lên cao. 500, 600 rồi 700 mét. Khi ở độ cao 800 mét, chiếc phi cơ bất ngờ ngưng lại trên không trung rồi nhào xuống. Gần như đồng thời, những khán giả tập trung bên dưới đều tháo chạy. Nhưng sau vài giây lại phát ra tiếng rầm rầm của động cơ, máy bay vút lên cao rồi bay vòng gấp ngoặt. Đám đông nín thở vang lên những tràng pháo tay. Một lúc sau, chiếc may bay lượn theo đường xoắn ốc cực đẹp rồi hạ xuống khu vực khán đài. "Hoan hô! Hoan hô!" – tất cả mọi người đều hô vang”.

Người cảm phục Lydia Zvereva là nam phi công Pyotr Nesterov, người đầu tiên trên thế giới thực hiện kiểu bay phức tạp này. 

Khi bắt đầu nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trường phi công của vợ chồng cô được di tản sang thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg). Thực tế, ngôi trường này đã trở thành một xưởng chế tạo, nơi có 300 lao động thực hiện những đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng. 

Số phận đã không cho Lydia Zvereva sống đến khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Nhiều lần thoát khỏi tử thần khi bay, nhưng cô lại qua đời vì bệnh thương hàn ngày 16-6-1916 khi mới 26 tuổi. Những người bạn và học trò của nữ phi công đã tiễn đưa cô về nơi an nghỉ cuối cùng bằng màn bay lượn vòng trên những chiếc “Farman” trên bầu trời tu viện Alexander Nevsky ở thành phố Petrograd.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)