Nga khẳng định nước này buộc phải sử dụng đến các biện pháp quân sự và chiến dịch này là nhằm bảo vệ người dân Donbass khỏi sự xâm lược của Kiev sau khi Ukraine từ bỏ ngoại giao trong cuộc xung đột dân sự ở miền đông nước này.

Trên thực tế, leo thang quân sự tại khu vực đã diễn ra liên tục trong nhiều năm với các cuộc đàm phán không thành công, các thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ và sự bế tắc giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền Kiev.

Dưới đây là những sự kiện chính diễn ra trong 8 năm qua dẫn đến cuộc xung đột này.

1. Biểu tình “Euromaidan” và cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn

Các cuộc biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu (Euromaiden) ở Kiev bắt đầu vào cuối năm 2013, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich quyết định trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận liên kết với EU.

Các cuộc biểu tình ban đầu là ôn hòa và có sự tham gia của những người theo chủ nghĩa dân tộc đường lối cứng rắn nhưng sau này phát triển thành bạo động lan rộng. Đám đông biểu tình sau đó đã chiếm các tòa nhà hành chính trên khắp Ukraine. Tháng 2-2014, dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, phe thân phương Tây lật đổ chính phủ Yanukovich và lực lượng có lập trường chống Nga lên nắm quyền.

leftcenterrightdel
Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Kiev tháng 2-2014. Ảnh: Getty Images. 

Trong khi các cuộc biểu tình “Euromaidan” được sự ủng hộ ở Tây Ukraine thì các khu vực phía Đông và Nam Ukraine lại phản đối mạnh mẽ. Đây là những nơi tập trung nhiều người nói tiếng Nga và có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga. Tại các thành phố như Odessa hay các khu vực như Donetsk, Lugansk và Crimea đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ Nga.

2. Trưng cầu dân ý tại Crimea

Tháng 3-2014, Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol, nơi liên tục có sự hiện diện của lực lượng hải quân Nga dù toàn bộ bán đảo đã được chính phủ Liên Xô chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954, đã đáp trả cuộc đảo chính của Kiev bằng cách tổ chức nhanh một cuộc trưng cầu dân ý. Người dân Crimea đã bỏ phiếu áp đảo đòi ly khai khỏi Ukraine và tái nhập Nga.

leftcenterrightdel
Bán đảo Crimea. Ảnh: worldatlas. 

Kiev bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và đồng minh phương Tây của chính phủ Ukraine đã áp lệnh trừng phạt đối với chính quyền Nga và Crimea, khởi đầu cho cuộc chiến trừng phạt ăn miếng trả miếng.

3. Xung đột nổ ra tại Donbass

Tháng 4-2014, 2 khu vực thuộc Donbass tuyên bố độc lập khỏi Kiev, thành lập 2 nước cộng hòa tự xưng là Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk (DPR và LPR). Chính phủ Ukraine đã phản ứng lại việc này bằng cách kích hoạt “hoạt động chống khủng bố”, thành lập và đưa các “tiểu đoàn” chiến binh tình nguyện gồm những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa tới tham chiến cùng quân đội. Giao tranh kéo dài nhiều tháng gây nhiều thương vong cho người dân và gây thiệt hại nặng nề cho cả 2 phía.

Kiev và các lực lượng ly khai tại Donbass thường xuyên tố cáo lẫn nhau gây tội ác chiến tranh. Chính phủ Ukraine cáo buộc Nga đứng sau các “hành động gây hấn” trong khi phía Nga khẳng định chưa bao giờ đưa quân vào Donbass.

4. Thỏa thuận Minsk chấm dứt giao tranh quy mô lớn

Mặc dù giao tranh ở Donbass không chấm dứt hoàn toàn, phần lớn hoạt động quân sự đã tạm dừng sau khi các thỏa thuận về ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và binh sĩ nước ngoài ra khỏi Donbass, trao thêm quyền tự trị cho khu vực này và một số điều khoản khác được ký kết tại Minsk, Belarus vào tháng 2-2015. Thỏa thuận giữa chính phủ Ukraine và phe nổi dậy này do Nga, Pháp và Đức làm trung gian. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã triển khai các nhóm giám sát dọc theo “giới tuyến” giữa quân đội Ukraine và lực lượng DPR-LPR.

leftcenterrightdel
Giao tranh ở Donbass không chấm dứt hoàn toàn sau thỏa thuận Minsk. Ảnh: Moscow Times.

5. Không cải cách, không đàm phán hòa bình cho Donbass

Kiev và 2 nước cộng hòa tự xưng đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận Minsk. Nhưng điều quan trọng là những cải cách đã hứa hẹn theo thỏa thuận Minsk chưa bao giờ được thực hiện. Chính phủ Ukraine tiếp tục coi các quan chức DPR và LPR là “những kẻ khủng bố” và loại họ ra khỏi tất cả các cuộc đàm phán trực tiếp, trong khi các vòng đàm phán quốc tế sau đó không mang lại kết quả nào rõ ràng.

Tháng 2-2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông “không hài lòng với tất cả các điều khoản” của thỏa thuận Minsk, đồng thời tuyên bố Ukraine và Nga đã nhìn nhận việc thực hiện các thỏa thuận này rất khác nhau. Nga cáo buộc Kiev đã từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận Minsk khi thường xuyên pháo kích vào DPR và LPR. Theo Liên hợp quốc, hơn 13.000 người đã thiệt mạng từ năm 2014 đến năm 2020 trong xung đột tại đây.

6. Leo thang khủng hoảng Donbass

Cuối năm 2021, đầu 2022, xuất hiện thông tin về một cuộc tấn công toàn diện sắp xảy ở cả Kiev và các nước cộng hòa ly khai. Các đồng minh phương Tây của Ukraine cáo buộc Nga đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự nhằm chiếm đóng nhiều vùng đất và thủ đô Kiev. Nga bác bỏ các cáo buộc này và cáo buộc ngược lại rằng Kiev đang lên kế hoạch tấn công ở Donbass.

Các quan chức Donetsk và Lugansk cáo buộc quân đội Ukraine nã pháo hạng nặng vào hai khu vực này. DPR và LPR đáp trả bằng việc di tản quy mô lớn thường dân sang Nga và tuyên bố tổng động viên tất cả nam giới trong tuổi nhập ngũ. Ukraine phủ nhận họ đang lên kế hoạch tấn công toàn diện vào các nước cộng hòa ly khai và đổ lỗi cho DPR và LPR đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

7. Nga công nhận 2 nước cộng hòa ly khai ở Donbass

Ngày 21-2, DPR và LPR yêu cầu Nga công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng này là các quốc gia độc lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức ký quyết định công nhận với lý do Ukraine không có khả năng thực hiện thỏa thuận Minsk và các cuộc tấn công vẫn tiếp tục nhằm vào Donetsk và Lugansk. Tổng thống Putin cũng ký các hiệp ước hữu nghị với DPR và LPR, bao gồm tương trợ quân sự.

leftcenterrightdel
Nga công nhận 2 nước cộng hòa ly khai ở Donbass. Ảnh: TASS.

8. Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine

Ngày 23-2, DPR và LPR yêu cầu Nga giúp đẩy lùi “sự xâm lược” của quân đội Ukraine. Sáng sớm ngày 24-2, Putin tuyên bố thực hiện một chiến dịch quân sự chống lại Ukraine nhằm bảo vệ người dân Donbass khỏi nạn “diệt chủng” và “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine. Tổng thống Putin không tiết lộ phạm vi cũng như thời gian của chiến dịch quân sự này.

Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng quân sự Nga sẽ thực hiện “các cuộc tấn công chính xác” nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine. Thông tin từ giới chức Ukraine và các hãng truyền thông quốc tế cho thấy các cuộc pháo kích diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp Ukraine cùng các cuộc tấn công bằng bộ binh và thiết giáp Nga từ nhiều hướng. Nga không xác nhận cũng không phủ nhận việc bộ binh Nga đã vượt qua biên giới Ukraine. Kiev tuyên bố thiết quân luật và tiến hành các thủ tục cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

9. Diễn biến hiện tại

Trong tuyên bố của mình ngày 24-2, Tổng thống Putin cho biết quân đội Nga “không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine”. Tuy nhiên, phương Tây lại lên kịch bản cho rằng Nga sẽ chiếm đóng toàn bộ Ukraine, giải tán chính quyền Zelensky và thiết lập một chính quyền thân Nga trước khi rút quân về.

Về phía Ukraine, nước này đã ra lệnh tổng động viên và 46.000 lính thuộc lực lượng dự bị động viên sẽ được bổ sung vào các lực lượng quân đội, cảnh sát và biên phòng Ukraine. Song song với đó, Tổng thống Zelensky yêu cầu đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn đối với Nga. EU, Anh và Mỹ đã công bố một số biện pháp cấm vận Nga sau đó.

leftcenterrightdel
Lực lượng quân sự Nga hiện đang chiếm giữ Chernobyl, một phần Kharkiv, toàn bộ Donetsk và Luhansk. Ảnh: Reuters. 

Trong khi đó, khối NATO tuyên bố sẽ không triển khai bất kỳ binh sĩ nào tới Ukraine. Trong cuộc họp khẩn vào thứ Năm (24-2), NATO cho biết sẽ “thực hiện các bước bổ sung để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trong toàn liên minh”. Trước đó Nga đã viện dẫn sự mở rộng về phía đông của NATO và khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine như lý do chính để phát động chiến dịch quân sự của mình.

Diễn biến quân sự tại Ukraine cho tới rạng sáng 26-2 (giờ Ukraine, khoảng 9 giờ giờ Việt Nam) cho thấy giao tranh vẫn diễn ra ở một số khu vực quanh thủ đô Kiev. Lực lượng quân sự Nga hiện đang chiếm giữ một số vùng như Chernobyl, một phần Kharkiv, toàn bộ Donetsk và Luhansk và đang tiếp cận thủ đô Kiev.

Giới chức Ukraine đang tìm cách đàm phán với Nga trong khi trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin cũng đưa ra quan điểm sẵn sàng đàm phán với Ukraine ở cấp cao. Về phía mình, Tổng thống Mỹ đã đề xuất sơ tán Tổng thống Ukraine Zelensky khỏi Kiev (có thể là về Lviv, nhưng ông Zelensky đã từ chối) và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ giải ngân ngay lập tức khoản hỗ trợ an ninh quốc phòng 350 triệu USD cho Ukraine. Giới chức quân sự Mỹ cũng đề xuất lập đường dây liên lạc trực tiếp với lực lượng quân sự Nga tại Ukraine.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)