Bunpimay của Lào năm nay diễn ra vào ngày 13, 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch; đây cũng là thời kỳ nóng nhất trong năm. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Nghi thức tắm Phật. Ảnh: kpl.gov.la

Vào ngày đầu tiên của Bunpimay Lào (ngày cuối cùng của năm cũ), buổi sáng người Lào quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân tới chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người dân rước tượng Phật ra một gian riêng và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà bởi theo quan niệm, đây là nước phúc đức, nước may mắn, do đó họ đưa về nhà vảy lên đầu con cháu, vào mọi thành viên trong gia đình và khắp nhà… với niềm tin sẽ mang lại hạnh phúc và may mắn cho mọi người và đồ vật.

leftcenterrightdel
Người dân tham gia té nước. Ảnh: kpl.gov.la

Trong những ngày Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, một trong những hoạt động không thể thiếu đó là té nước. Đây được xem là nghi lễ mang tính đặc trưng nhất trong dịp này với ý nghĩa thanh tẩy, gột rửa đi hết những điềm xui rủi, bệnh tật, tội lỗi năm cũ, đón chào một năm tươi mới sắp sang. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước lên những người lớn tuổi để chúc họ sống lâu và thịnh vượng. Tất cả mọi người, dù lạ hay quen, dù sang hay nghèo, khi được gia chủ tiếp đón đều nhận những tình cảm ân cần như nhau thông qua những gáo nước sạch và mát dội lên người khi đến thăm để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe. Theo quan niệm của người Lào, người nào càng được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến.

leftcenterrightdel
Lễ buộc chỉ cổ tay (Sou khoẳn). Ảnh: kpl.gov.la

Trong dịp lễ, ngoài hoạt động té nước, Lễ buộc chỉ cổ tay (còn gọi là lễ Sou khoẳn) là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời và không thể thiếu vào dịp năm mới, với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ. Họ buộc những sợi chỉ màu và gửi lời chúc hạnh phúc và sức khỏe đến người được buộc. Tục lệ này tuy đơn giản nhưng phản ánh sâu sắc tính cách hiền hòa của người dân Lào. Họ không bao giờ cầu cho mình mà chỉ cầu cho người khác, bởi theo họ khi làm điều gì tốt lành cho người khác, thì điều tốt lành ấy cũng sẽ đến với mình. Trong suốt ngày Tết, ai có nhiều chỉ buộc cổ tay thì được coi là người sẽ gặp may mắn cả năm. Trong dịp Tết, Lạp là món không thể thiếu, vì Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là lộc, là may mắn. Hoa Champa và hoa muồng vàng (Dokkhun) là hai loài hoa không thể thiếu trong dịp tết của người Lào. Người dân thường kết hoa Champa thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc và treo hoa muồng vàng trong nhà hoặc trên xe trong dịp năm mới để cầu may mắn.

leftcenterrightdel
 Lễ rước Nàng Chúa xuân (Nang Sangkhane). Ảnh: kpl.gov.la

Ngoài các nghi lễ cầu may, Bunpimay còn có rất nhiều hoạt động khác như: Phóng sinh cá, chim, rùa để làm việc thiện; lễ rước Nàng Chúa xuân (Nang Sangkhane), đây là tập tục có từ thời xa xưa; đua thuyền; đắp cát ở bờ sông MêKông...

Nhìn chung, trong dịp Tết người Lào tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm, tập quán từng vùng với quan niệm vui chơi là chính. Chính vì vậy, ở đâu có tiếng trống, tiếng nhạc và điệu múa lăm vông thì ở đó vui chơi đến sáng nhưng không bao giờ xảy ra cãi vã, ẩu đả. Điều đó đã làm nên bản sắc riêng biệt của văn hóa đất nước Lào.

Bunpimay của người Lào không chỉ độc đáo, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa. Trải qua nhiều thập kỷ, người dân Lào vẫn giữ nguyên vẹn các nghi lễ trong Bunpimay.

A Xay PHOỎNGBUNTA (theo dokchampa.weebly.com)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan