Khi những chiếc thuyền chở người tị nạn có nguy cơ bị lật ở biển Địa Trung Hải, tốc độ phản ứng của các lực lượng cứu hộ là điều cấp thiết, bởi bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về tính mạng.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng triển khai những chiến dịch hành động khẩn cấp kết hợp tuần tra với cứu hộ để ngăn chặn những thảm họa chìm tàu di cư. Tuy nhiên, một chiến dịch như vậy thường rất tốn kém cả về nhân lực, tài chính và phương tiện, mà kết quả đem lại là số lượng người di cư qua đường biển tới châu Âu vẫn không ngừng tăng lên.  

Có thể lấy dấu mốc từ chiến dịch tuần tra quân sự-nhân đạo Mare Nostrum do Italy triển khai năm 2013, sau khi 2 vụ đắm tàu liên tiếp trên biển Địa Trung Hải trong một tuần khiến hơn 400 người di cư thiệt mạng. Chiến dịch đẩy nhanh các hoạt động cứu hộ ngoài khơi bờ biển Lybia, giúp giải cứu khoảng 150.000 người di cư trong một năm ròng. Cũng trong một năm thực hiện, Mare Nostrum đã “ngốn” của EU khoảng 9 triệu euro (9,6 triệu USD) mỗi tháng. Tốn kém là vậy, song khi nhận ra những hoạt động giải cứu trở thành yếu tố thúc đẩy dòng người di cư kéo tới, EU buộc phải ngừng Mare Nostrum và thay bằng chiến dịch Triton và Sophia ít tốn kém hơn. Theo đó, các lực lượng tuần tra cứu hộ của EU đã thu hẹp cả về nhân sự, phương tiện lẫn quy mô hoạt động.

leftcenterrightdel

Một vụ lật thuyền di cư ở phía Nam đảo Lampedusa (Italy) trên biển Địa Trung Hải năm 2022. Ảnh: AP

Việc EU thu hẹp quy mô hoạt động đã tạo ra một khoảng trống cứu hộ ở trung tâm biển Địa Trung Hải. Báo cáo của Trung tâm Điều phối cứu hộ hàng hải dân dụng công bố hồi tháng 3 cho hay, năm ngoái, 413 thuyền di cư gặp nạn đã không được trợ giúp và chỉ có 3 thuyền được lực lượng chức năng Malta cứu hộ. “Sự thiếu hụt lực lượng cứu hộ có thể coi là một biện pháp tiêu cực giúp làm giảm lượng người di cư đến Malta. Quý I-2023, chỉ có 92 người di cư được giải cứu và đưa vào Malta”, Al Jazeera cho hay.

4 tháng đầu năm 2023, gần 1.000 người tị nạn đã chết đuối ở Địa Trung Hải, khiến nơi đây trở thành quãng thời gian chết chóc nhất trong 6 năm qua. Còn nếu tính từ năm 2014, ít nhất 25.000 người di cư đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải, theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế.

Theo một số tổ chức nhân đạo, EU đã không đẩy mạnh nỗ lực tạo ra các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho dòng người tị nạn đến châu Âu. Đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, các nước EU gần đây còn đưa ra nhiều chính sách hạn chế tị nạn. Cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya được EU tài trợ đã tích cực tham gia xua đuổi thuyền tị nạn. Từ các tàu tuần tra cứu hộ trên biển, nay EU chuyển sang tăng cường hoạt động giám sát trên không qua các thiết bị bay không người lái (UAV). Dĩ nhiên, các UAV này không tham gia mục đích cứu hộ, và do đó, số người di cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải tiếp tục gia tăng.

leftcenterrightdel

Tàu cứu hộ Geo Barents của Tổ chức Bác sĩ không biên giới hoạt động trên biển Địa Trung Hải. Ảnh: EFE  

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc tuyên bố, những tổn thất tính mạng của người di cư trên biển Địa Trung Hải “là kết quả của một hệ thống quản lý di cư thất bại của EU”, mà cụ thể là “sự chậm trễ và thất bại trong việc hỗ trợ thuyền gặp nạn”. Còn tờ Al Jazeera lại đặt ra câu hỏi: Phải chăng đó là “các yếu tố chiến lược được xây dựng một cách có chủ ý trong hệ thống quản lý di cư của EU hiện tại”?

Trên thực tế, các tình nguyện viên và các tổ chức nhân đạo giải cứu người di cư đã phải đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng, nỗ lực của họ bị cản trở ở nhiều khâu, nhiều thủ tục. Nếu trước đây, các tổ chức nhân đạo có thể chuyển người bị nạn lên tàu tuần tra của EU ngay trên biển thì nay họ buộc phải chuyển người bị nạn lên cảng, phải trải qua các cuộc kiểm tra rườm rà, thậm chí phải đối mặt với việc bị giam giữ trong thời gian dài hoặc bị hình sự hóa vụ việc. Mất nhiều thời gian hơn để di chuyển qua lại hoặc mắc kẹt tại bến cảng, các tổ chức nhân đạo buộc phải cắt giảm thời gian hoạt động cứu hộ trên biển. Điều này đồng nghĩa với gia tăng tổn thất tính mạng của người di cư một khi gặp nạn.

Dù gì đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng người di cư và cái chết của những người vô tội vẫn tiếp tục làm day dứt lương tri nhân loại.

HÀ PHƯƠNG