QĐND - Theo hiến pháp Mỹ, ghế Tổng thống không do cử tri bầu trực tiếp mà thông qua 538 phiếu đại cử tri, gồm 325 phiếu tương ứng với số ghế tại Hạ viện, 100 ghế Thượng viện và 3 suất ghế đặc biệt của thủ đô Oa-sinh-tơn. Trong ngày bầu cử 6-11 tới, ứng cử viên nào giành được quá bán, tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành người thắng cử. Vậy, phiếu đại cử tri quan trọng như thế nào đối với bầu cử Mỹ?
Nhiều phiếu phổ thông hơn vẫn không trúng cử Tổng thống
Về mặt kỹ thuật thì cá nhân các cử tri Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri, tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia. Những đại cử tri nói trên hợp thành Cử tri đoàn. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó, ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó. Theo thông lệ, cử tri đoàn sẽ hội họp tại từng tiểu bang sau cuộc bầu phiếu phổ thông để bỏ lá phiếu của họ chọn Tổng thống nước Mỹ.
 |
Tổng thống Ô-ba-ma vận động tranh cử tại Ô-hai-ô ngày 3-11. Ảnh: AP
|
Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri. Số đại cử tri mỗi bang của Mỹ là số đại biểu của bang đó tại hai viện của Quốc hội Mỹ. Mỗi bang ở Mỹ có hai thượng nghị sĩ, và số hạ nghị sĩ bằng với số khu vực bầu cử của bang đó. Như thế, hiện nay bang có số đại cử tri đông nhất là Ca-li-pho-ni-a (với 55 đại cử tri) vì có tới 53 khu vực bầu cử, tiếp đó là Tếch-dát (34 đại cử tri), Niu Y-oóc (31), Phlo-ri-đa (29)…
Tại hầu hết các bang của Mỹ (trừ hai bang Mên và Nê-bra-xka), các đại cử tri trong cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức "được ăn cả ngã về không". Nghĩa là, nếu ứng viên nào giành được đa số phiếu của cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả lá phiếu của đại cử tri bang đó. Trường hợp ngoại lệ là hai bang Nê-bra-xka và Mên, vốn chỉ định đại cử tri theo tỷ lệ tương ứng với số phiếu phổ thông tại mỗi đơn vị bầu cử Quốc hội.
Một đa số đơn giản, tức là trên 270 phiếu, sẽ giúp một ứng cử viên chiếm chiếc ghế Tổng thống. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên Tổng thống nào đạt được điều kiện đó, Hiến pháp Mỹ giao cho Hạ viện trách nhiệm chọn vị Tổng thống kế tiếp - mặc dù tình huống này chưa từng xảy ra trong hơn 200 năm qua.
Vai trò của Cư tri đoàn thể hiện rõ nhất trong cuộc bầu cử năm 2000. Khi đó, ứng viên bước vào Nhà Trắng không phải là người đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn. Cụ thể, năm đó ứng cử viên An Go (Al Gore) giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông G. Bu-sơ (G. Bush). Tuy hơn, nhưng An Go vẫn phải “ngậm ngùi” nhường bước cho ông Bu-sơ vào Nhà Trắng, bởi ứng viên Cộng hòa này nhận được 271 phiếu đại cử tri. Bang quyết định chuyện thắng thua này là Phlo-ri-đa, nơi mà toàn bộ 25 đại cử tri tại đây dành cho ông Bu-sơ, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Phlo-ri-đa của hai ứng viên chỉ là 537 lá.
Nóng trước giờ G
Chỉ còn đúng hai ngày nữa là tới ngày bầu cử chính thức 6-11. Trong các cuộc thăm dò mới nhất, cả hai ứng viên đều đang bám đuổi nhau sít sao với khoảng cách chỉ từ 1-2 điểm phần trăm. Đương kim Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma vẫn đang nhận được sự ủng hộ “nhỉnh” hơn so với đối thủ của đảng Cộng hòa Rôm-ni.
Trong khi hầu hết các bang xem như đã an bài, cả hai ứng viên Ô-ba-ma và Rôm-ni đều đang tập trung toàn bộ “hỏa lực” tại bang Phlo-ri-đa và Ô-hai-ô - nơi được xem như chiến trường khốc liệt và hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ngoài hai chiến trường này còn có 9 bang khác, nơi cử tri còn dao động, chưa quyết định sẽ bầu cho ai, gồm Cô-lô-ra-đô, Ai-ô-oa, Nê-va-đa, Niu Ham-si-ơ, Ca-rô-lai-na Bắc, Uýt-con-xin, Vơ-gi-ni-a, Mi-si-gân và Pen-xin-va-ni-a.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do NBC News/Wall Street Journal/Marist tiến hành hôm 2-11 cho thấy, đương kim Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tiếp tục dẫn điểm trước đối thủ Rôm-ni tại Ô-hai-ô và Phlo-ri-đa. Kết quả thăm dò cũng cho thấy, ông Ô-ba-ma đang dẫn trước đối thủ Rôm-ni về số phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể đảo ngược vào phút cuối. Phlo-ri-đa với 29 phiếu và Ô-hai-ô với 18 phiếu, chiếm gần một nửa tổng số phiếu đại cử tri tại 11 bang còn dao động. Tại Phlo-ri-đa, theo truyền thống cũng như thăm dò ý kiến thực tế, ứng cử viên đảng Cộng hòa Rôm-ni đang giành ưu thế, nhưng chưa ai tạo được thế vượt trội tại Ô-hai-ô.
Hai kịch bản cho bầu cử 2012
Thế bám đuổi sát nút trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng đang khiến nhiều nhà phân tích đau đầu. Trong các bài phân tích gần đây, báo chí Mỹ đã “vạch” ra hai kịch bản cho cuộc bầu cử năm 2012.
Kịch bản thứ nhất là người thắng cử không phải người thu được nhiều phiếu hơn. Theo số liệu của báo chí Mỹ, ông Ô-ba-ma hiện nay gần như đã cầm chắc được sự ủng hộ của 243 đại cử tri, chỉ cần 27 người nữa là đắc cử. Còn ông Rôm-ni mới chỉ giành được sự ủng hộ của 206 đại cử tri, còn thiếu tới 64 người nữa. Vì vậy, triển vọng xảy ra kịch bản “người thắng cử tuy thu được ít phiếu cử tri hơn nhưng trúng cử vì thu được nhiều phiếu đại cử tri hơn” được các nhà phân tích đánh giá là từ 10 đến 15%, thậm chí từ 30 đến 35%.
Cũng theo các nhà phân tích, điều này xảy ra nếu các cử tri chống Ô-ba-ma tại miền nam nước Mỹ dồn phiếu cho Rôm-ni, còn số phiếu của các cử tri phe Dân chủ tuy không nhiều nhưng cũng đủ để ông Ô-ba-ma giành chiến thắng tại các bang chủ chốt Ô-hai-ô, Ai-ô-oa và Nê-va-đa.
Kịch bản thứ hai là cả hai ứng viên thu được số phiếu đại cử tri bằng nhau. Nếu hai ứng viên Ô-ba-ma và Rôm-ni thu được số phiếu đại cử tri bằng nhau thì tiếp theo sẽ là quá trình căng thẳng kiểm phiếu lại, sẽ là những trận chiến pháp lý dai dẳng, sẽ là việc “dụ dỗ” đại cử tri chạy sang phe mình, sẽ là gây áp lực đối với Hạ viện và nhiều thủ đoạn tinh vi khác. Không phải vô cớ mà Ban Tham mưu tranh cử của cả hai ông Ô-ba-ma và Rôm-ni đều đang chuẩn bị những đội luật sư thượng thặng nhằm ứng phó với những cuộc chiến pháp lý có thể xảy ra. Khi ấy, cả nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng “treo” suốt 11 tuần trước lễ Nhậm chức tân Tổng thống (theo thông lệ sẽ vào ngày 20-1-2013), còn người được bầu cũng sẽ bị sứt mẻ uy tín trước bàn dân thiên hạ.
Còn nếu việc kiểm phiếu lại không làm thay đổi tỷ lệ tương quan 269-269 và nếu không một đại cử tri nào “đảo ngũ” sang phía bên kia, theo điều tu chính thứ 12 của Hiến pháp Mỹ, việc bỏ phiếu bầu Tổng thống sẽ chuyển vào tay Hạ viện. Tại đây, mỗi bang tương ứng với một lá phiếu. Với tương quan lực lượng hiện nay nghiêng về phía đảng Cộng hòa, Hạ viện chắc chắn sẽ bầu ứng viên Rôm-ni làm Tổng thống. Nhưng Phó tổng thống lại do Thượng viện bầu. Với đa số thuộc về đảng Dân chủ, Thượng viện chắc chắn sẽ bầu đương kim Phó tổng thống Giôn Bai-đơn (John Biden) của đảng Dân chủ làm Phó tổng thống.
Nếu thế, thật khó hình dung tình trạng trớ trêu trên chính trường Mỹ, khi Tổng thống và Phó tổng thống lại thuộc về hai đảng đối địch nhau. Hoạt động của Chính phủ Mỹ rất có thể sẽ bị rối loạn – đó là điều không một ai mong muốn.
NGỌC HÀ