Thương mại bứt tốc

Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia.

Bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, thương mại song phương đạt 122,04 tỷ USD, tương đương gần 70% kim ngạch của cả năm 2022.

Nhìn vào những con số trên, thật khó tưởng tượng cách đây hơn mười năm, quy mô hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước chỉ ở mức 20 tỷ USD, bằng 1/8 con số hiện tại. Vậy nhờ đâu mà quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc có được sự phát triển mạnh mẽ tới vậy?

Theo phân tích của một số chuyên gia, ngoài nền tảng vững chắc là sự tin cậy chính trị cao thì việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng mang lại cơ hội để hai bên tăng cường phạm vi và chiều sâu hợp tác song phương.

Chia sẻ với Tân Hoa xã, ông Đinh Gia Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Kể từ khi RCEP có hiệu lực ngày 1-1-2022, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mới đây cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, tổ yến, khoai lang và chanh dây, các doanh nghiệp Việt Nam trên toàn quốc đã tìm thấy cơ hội lớn để xuất khẩu các sản phẩm mới sang quốc gia láng giềng”.

leftcenterrightdel

Sầu riêng Việt Nam được dán nhãn sản phẩm trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã 

Theo ông Nghĩa, để tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP, trong đó có Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. RCEP đã trở thành bệ phóng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm cũng như số lượng và giá trị xuất khẩu.

Cần biết những năm gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều hứng chịu những tác động từ đại dịch Covid-19, sự biến động của giá nhiên liệu, tình trạng lạm phát và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Bởi vậy, tăng cường hợp tác là cần thiết đối với công cuộc chấn hưng kinh tế của cả hai quốc gia, nhất là khi nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau. Ông Hong Tianzhu, Chủ tịch tập đoàn dệt may Trung Quốc Texhong Textile Group nhận định, năng lực sản xuất của Trung Quốc kết hợp với lợi thế thương mại của Việt Nam trong việc kết nối các thị trường lớn có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng khu vực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại.

Sức hút từ cả hai phía

Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong tốp 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam, là quốc gia đứng thứ hai chỉ sau Singapore về khối lượng đầu tư.

Lý giải về sức hút của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam, cho biết: “Thứ nhất do Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Thêm vào đó, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường. Việt Nam đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh. Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.

Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã tạo không khí, môi trường thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên. Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục ổn định với hiệu suất thông quan cao. Đặc biệt, hàng nông sản Việt Nam có xu hướng tăng mạnh ở thị trường tỷ dân.

Vượt rào cản

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc diễn ra tháng 11 vừa qua tại Bắc Kinh, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam đã nhận định, triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần tận dụng và nắm bắt các cơ hội để tăng cường hợp tác, khai thác hiệu quả tính bổ sung lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh doanh ổn định và bền vững, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.

Nhận định của ông Hoàng Minh Chiến xuất phát từ thực tế hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, con số hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay cũng còn rất nhỏ so với hơn trăm tỷ USD mà nước này đầu tư ra nước ngoài hằng năm. Để khơi thông dòng chảy hợp tác, đẩy mạnh đầu tư, điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên. Sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh là những rào cản đối với doanh nghiệp hai nước trong quá trình xây dựng quan hệ kinh doanh tin cậy và bền vững. Vượt qua được những rào cản này sẽ mang lại thành công cho mỗi doanh nghiệp cũng như sự thành công chung của hai quốc gia trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương.

NGỌC THƯ - HẠNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.