QĐND - Nửa đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối phó với những khó khăn nặng nề nhất trong vài năm trở lại đây. Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến ngày 20-7, đã có 30.300 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011. Cứu nguy cho doanh nghiệp đang là một nhiệm vụ bức thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Đâu là điểm nút cần giải quyết trước?

"Giải cứu" hay "tháo gỡ khó khăn"?

Gần như trong cùng một thời điểm, cả Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều tổ chức các hội nghị bàn cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho hệ thống ngân hàng - những thực thể cốt yếu nhất của nền kinh tế. 

Bộ Công Thương đặt tên đề án là "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp", nhưng ngay tại hội thảo góp ý cho bản đề án này,  GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng phải dùng chữ "giải cứu" mới thấy hết được tầm mức của vấn đề. Bởi nếu không giải cứu thành công hệ thống doanh nghiệp ngay trong năm 2013 thì các mục tiêu của đất nước đến năm 2015 và xa hơn là đến năm 2020 sẽ không thể thực hiện được. Còn trước mắt, doanh nghiệp khó khăn sẽ tạo ra các nguy cơ bất ổn đời sống xã hội.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng, hệ thống ngân hàng không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá. Đó là định hướng đúng đắn được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. Bởi trong một "cuộc chơi" thì phải có "luật chơi" và tất yếu những đấu thủ yếu kém sẽ dần bị loại bỏ, không thể vì để cứu những người yếu kém mà ảnh hưởng tới cái chung.

Thế nhưng, như thế không có nghĩa là để mặc doanh nghiệp cho sự sàng lọc của quy luật thị trường khắc nghiệt, mà vẫn rất cần có sự trợ giúp đủ đúng mức của Nhà nước, để tránh những thua thiệt ở tầm vĩ mô. Gần đây, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Nhà nước phải tìm ra phương thức để cứu "các doanh nghiệp tốt nhưng đang đứng trước nguy cơ bị "chết oan" do khó khăn chung".                   

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Ảnh: Huyền Trâm

Thách thức với hai điểm nghẽn: Hàng tồn kho và nợ xấu

Đâu là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay? Trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã chỉ rõ hai điểm nghẽn lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hàng tồn kho của doanh nghiệp  và nợ xấu của ngân hàng. Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chung tay, nỗ lực, có các giải pháp đồng bộ hơn nữa để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn này.

Trong đó, phải chăng hàng tồn kho của các doanh nghiệp là vấn đề thời sự căng thẳng nhất, phải tập trung giải quyết trước? Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho tới tháng 7, hàng tồn kho của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, chỉ số tồn kho của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang có chiều hướng giảm dần qua các tháng (tháng 3 tăng 34,9%; tháng 4 tăng 32,21%; tháng 5 tăng 29,4%; tháng 6 tăng 26%), nhưng như thế không phải đã hết lo lắng.

Các sản phẩm là đầu vào cho sản xuất đang đặc biệt khó khăn do tiêu thụ chậm. Tồn kho của phân bón và hợp chất ni-tơ tăng 103,3%; sản phẩm sản xuất từ plastic tăng 61,5%. Một số mặt hàng quan trọng và có khối lượng sản xuất lớn cũng tồn kho cao, chẳng hạn sản xuất linh kiện điện tử tăng 53,8%; sản xuất xi măng tăng 49,2%; may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) tăng 35%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 33,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 20,8%... 

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lại đang tăng trưởng thấp. Nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 7-2012, chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%). Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%.

Ở đây, ta thấy hệ lụy của mối liên hệ giữa tình trạng ứ đọng, tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp và tình trạng nợ xấu của ngân hàng. Sản phẩm tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp phải giảm sản xuất, ưu tiên hàng đầu là phải làm sao tiêu thụ hết các hàng hóa còn trong kho, có như vậy thì mới có tiền trả nợ ngân hàng, mới dám vay tiếp. Doanh nghiệp có bán được hàng, có đầu ra thì ngân hàng mới xóa được nợ xấu, mới mạnh dạn trong việc cho vay.

Đâu là "biệt dược"? 

Biện pháp tiếp tục giảm lãi suất cho các khoản vay mới và kêu gọi giảm lãi suất về 15%/năm cho các khoản nợ cũ của doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thời gian qua là một biện pháp căn cơ, bài bản, đã và sẽ tiếp tục có hiệu ứng tốt. Thế nhưng, giải quyết tốt hàng tồn kho có lẽ là vấn đề cấp thiết nhất trong giai đoạn này, trước khi nói đến những chuyển động về chiến lược, về chính sách mang tính dài hơi hơn. Mà để giải quyết hàng tồn kho thì rất cần có những liều thuốc kích thích, tạo ra sức hút, tạo ra nhu cầu đối với thị trường. Trong đó, hạ giá bán của sản phẩm là một cách làm thường được áp dụng.   

Nhìn ra thế giới, khi sức mua của thị trường yếu, người ta thường tạo ra các đợt đại hạ giá, thậm chí tới 50% đến 70% để kích thích sự hứng khởi đối với người tiêu dùng. Để tạo ra được các cú sốc giảm giá, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự tiếp sức từ chính sách điều tiết vĩ mô.  

Được biết, thời gian vừa qua đã có những cân nhắc về khả năng giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) thậm chí tới mức là 50% từ cả phía Chính phủ và Quốc hội nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện bởi những lo lắng là giảm thuế GTGT thì chắc gì doanh nghiệp đã giảm giá, hơn nữa cũng chưa biết lấy nguồn nào để bù đắp khoản thiếu hụt thuế. Vì thế, tạm thời Nhà nước mới chỉ thực hiện giãn thuế GTGT của tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2012 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế đặc biệt và doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty), doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội. Bộ Tài chính ước tính, tiền thuế GTGT được gia hạn là khoảng 4.100 tỷ đồng mỗi tháng.

Giãn thuế GTGT dù rất đáng quý nhưng mới chỉ là việc cho hoãn nộp thuế để giảm sức ép tài chính cho doanh nghiệp chứ chưa phải là cơ sở rõ ràng cho việc hạ giá thành sản phẩm. Hàng tồn kho càng để lâu, càng giảm phẩm chất, sẽ gây ra những thiệt hại lớn. Giảm thuế GTGT dù chỉ với tỷ lệ nhỏ, sẽ tạo ra động lực hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá sản phẩm, đồng thời cũng tạo ra sức ép giảm giá. Doanh nghiệp nào chớp được cơ hội thì sẽ giải phóng được khó khăn cho mình. Với lượng hàng tồn kho hiện nay, giảm thuế GTGT trong vài tháng có thể là biện pháp giúp giải tỏa tình hình. 

Hồ Quang Phương