QĐND Online - Các ngân hàng ồ ạt bước vào cuộc chạy đua tăng lãi suất sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố bỏ trần lãi suất và nâng mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam lên 12%/năm. Tuy tình trạng xếp hàng gửi tiền không diễn ra như cơn sốt lãi suất hồi tháng 2, nhưng lượng tiền đổ về các ngân hàng dự báo sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, việc tăng lãi suất cho vay lại khiến các doanh nghiệp ngồi trên đống lửa.
Gửi tiền kiểu “rải đinh”
Sau một tuần các ngân hàng tăng bước vào cuộc đua lãi suất tiết kiệm, lượng khách đến gửi tiền tại ngân hàng VPBank đã đông hẳn so với tuần trước. Anh Trần Thanh Tú, công tác tại Bưu điện Hà Nội phấn khởi nói: “Tuần trước tôi vừa gửi tiền tiết kiệm với lãi suất 11,5% cho kỳ hạn 6 tháng. Giờ nghe tin các ngân hàng tăng lãi suất ồ ạt, thấy tiếc rẻ nên ra đây rút tiền để gửi lại theo lãi suất mới”. Kinh nghiệm mà anh Tú đưa ra là chia nhỏ tiền thành từng gói, “rải đinh” ở nhiều ngân hàng để tranh thủ các mức lãi suất hấp dẫn nhất. Đồng thời, chọn gửi những kỳ hạn ngắn để dòng vốn chuyển động linh hoạt, dễ dàng rút ra nếu có nhu cầu.
 |
Ảnh minh họa |
Mặc dù phải nâng lãi suất huy động lên mức chót vót, nhưng các ngân hàng đều tràn trề hy vọng lợi nhuận bởi tin rằng người dân sẽ ồ ạt gửi tiền. Và thực tế, chỉ sau một ngày tăng lãi suất, có ngân hàng đã thu về cả trăm tỷ đồng. Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV-tin tưởng, sự ảm đảm của thị trường chứng khoán, nhà đất hiện nay, cộng với mức lãi suất hấp dẫn là động lực để người dân mang tiền gửi vào ngân hàng, thay vì mang đi đầu tư. Do vậy, trong tuần tới, lượng tiền đổ về ngân hàng sẽ rất khả quan.
Trên thực tế, lãi suất huy động tăng cao với những băng rôn quảng cáo tưng bừng đã thu hút được sự chú ý của người dân. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, trong mấy ngày đầu tiên áp dụng lãi suất mới, lượng người đến gửi tiền đông hơn trước nhưng chưa có sự đột biến. Cảnh người dân nườm nượp kéo nhau đi gửi tiết kiệm, tranh nhau rút tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp chuyển sang ngân hàng có lãi suất cao… chưa diễn ra.
Lý giải điều này, chị Nguyễn Thu Hà, cán bộ tín dụng, Phòng Phục vụ khách hàng, Ngân hàng VPBank cho rằng: “Đợt tăng lãi suất lần này ít nhất cũng phải kéo dài mấy tháng nên người dân không mấy vội vàng. Hơn nữa, tâm lý người dân hiện nay đang là nghe ngóng, khảo sát xem lãi suất ở đâu cao nhất để “chọn mặt gửi tiền”. Với mức lãi suất chênh lệch giữa khối ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng quốc doanh, chắc chắn chỉ vài ngày nữa, lượng khách đến gửi tiền tại khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng mạnh”.
Gánh nặng trả lãi đè bẹp lợi nhuận
Lãi suất huy động tăng khiến người gửi tiền phấn khởi. Nhưng các doanh nghiệp lại đang khóc dở, mếu dở vì gánh nặng trả lãi. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với lãi suất cho vay 18%/năm, các doanh nghiệp phải có lãi trên 25%/năm trở lên mới đảm bảo lợi nhuận – một con số rất khó đạt trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Traphaco cho biết, hầu hết doanh nghiệp sản xuất nào cũng phải vay vốn ngân hàng. Thời điểm này năm ngoái, lãi suất cho vay chỉ ở xấp xỉ 1% nhưng năm nay đã lên tới 1,8%. Lãi suất cho vay tăng gần gấp đôi, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng mạnh trong khi giá thành sản phẩm không thể tăng ở mức tương ứng khiến hầu bao lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bị co lại.
Thực tế này cũng đang diễn ra tại Công ty cổ phần phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ. Ông Nguyễn Sĩ Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty này than thở, với lãi suất cho vay 18%/năm như hiện nay, số tiền trả lãi ngân hàng của công ty ngót nghét tới chục tỷ đồng, gấp đôi quỹ lương. Chi phí trả lãi ngân hàng mà công ty phải trả thêm khoảng 2-3 tỷ đồng và được “móc ra” từ chiếc túi lợi nhuận.
Tuy lãi suất cho vay cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn vay được tiền do các ngân hàng đã khép chặt hầu bao (do ngân hàng phải thực hiện tăng trưởng tín dụng dưới 30%). Khó vay vốn nên mới có chuyện, một số công ty đến hạn trả nợ cho công ty bạn nhưng cứ chây ỳ không chịu trả, chấp nhận bị phạt vì nếu trả nợ, họ không biết lấy vốn đâu mà quay vòng sản xuất.
Kêu ca thảm thiết nhất hiện nay là các nhà thầu xây dựng, các công ty xuất khẩu hàng dệt may. Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng than thở, với mức lãi cho vay hiện nay, doanh nghiệp buộc phải dừng thi công công trình vì lo ngại lợi nhuận không đủ trả lãi. Còn một doanh nghiệp dệt may ở Hải Phòng thì cho biết, với mức lãi hiện nay, doanh nghiệp buộc phải tăng gấp đôi giá thành sản phẩm. Việc này đồng nghĩa với “phá” hợp đồng đã ký với đối tác, nguy cơ bị bạn hàng kiện là không nhỏ.“Tiền lãi ngân hàng chiếm tới 15% chi phí sản xuất của doanh nghiệp chúng tôi. Với lãi suất tăng hiện nay, con số này có thể tăng lên 25% trong khi các sức ép khác vẫn từng ngày đè lên đầu doanh nghiệp như: lương tăng, nguyên liệu tăng. Chúng tôi đã thắt lưng buộc bụng hết mức rồi, thắt cả vào lợi nhuận rất nhiều rồi mà vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn”, doanh nghiệp này lo lắng.
Khó khăn trong vay vốn đã buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận. Thậm chí, ngay chính bản thân các ngân hàng cũng không nằm ngoài nỗi lo này và nhiều ngân hàng đã phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. Không loại trừ khả năng những ngân hàng nhỏ sẽ phải sáp nhập để tồn tại.
Theo quy định của NHNN, các ngân hàng có thể tăng lãi suất huy động tối đa lên tới 150% lãi suất cơ bản, nghĩa là có thể nâng lãi suất huy động lên tới 18%. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động trên 3% thì ngân hàng mới có lãi. Căn cứ vào trần lãi suất cho vay là hiện nay là 18%, có thể thấy, nếu các ngân hàng tăng lãi suất huy động lên quá 15% sẽ rất khó tránh khỏi thua lỗ.
Quang Tuấn