QĐND - Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu tiếp tục làm đau đầu các nước vùng Tây Ban-căng. Ngày 22-10, lần đầu tiên trong vòng nhiều tháng qua, hơn 12.600 người di cư tới Xlô-vê-ni-a, một con số cao kỷ lục vượt trên cả đợt đỉnh điểm khủng hoảng di cư tại Hung-ga-ri hồi tháng 9...

Cảnh sát Xlô-vê-ni-a không thể ngăn cản dòng người di cư khổng lồ đổ về nước này trong ngày 22-10. (Ảnh: Roi-tơ)

Xlô-vê-ni-a đã trở thành điểm đến của người nhập cư sau khi Hung-ga-ri quyết định đóng cửa biên giới để ngăn dòng người di cư từ ngày 23-9. Theo thống kê của nhà chức trách Xlô-vê-ni-a, tính từ ngày 17-10 vừa qua, thời điểm dòng người di cư bắt đầu chuyển hướng đi từ Crô-a-ti-a sang Xlô-vê-ni-a (thay cho việc sang Hung-ga-ri), cho tới 6 giờ ngày 22-10, đã có tổng cộng 34.131 người di cư tới lãnh thổ nước này. Nhà chức trách Xlô-vê-ni-a ước tính, trong cả ngày 22-10, có khoảng 12.600 người di cư vào lãnh thổ nước này, khiến quốc gia 2 triệu dân trở thành “điểm nóng” mới nhất phải oằn mình với làn sóng người di cư liều mình tìm cách tới Bắc Âu trước mùa Đông năm nay.

Trong bối cảnh trên, ngày 21-10, Quốc hội Xlô-vê-ni-a đã nhất trí trao quyền lớn hơn cho quân đội và cho phép các binh lính tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát 670km đường biên giới với Crô-a-ti-a. Nước này cũng đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) triển khai cảnh sát các nước thành viên tới hỗ trợ kiểm soát dòng người di cư đang tràn vào lãnh thổ Xlô-vê-ni-a từ ngả Crô-a-ti-a.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, đặc biệt ở các nước Tây Ban-căng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giăng Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker) đã quyết định triệu tập một cuộc họp bất thường giữa người đứng đầu chính phủ các nước: Áo, Bun-ga-ri, Crô-a-ti-a , Ma-xê-đô-ni-a, Đức, Hy Lạp, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Xéc-bi-a và Xlô-vê-ni-a với một số nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 25-10 tới. Cơ quan này khẳng định, tình hình khủng hoảng tại các nước Tây Ban-căng đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ hơn, trao đổi liên lạc sâu rộng hơn và phối hợp hành động nhanh chóng hơn giữa các nước liên quan. Mục tiêu của cuộc họp là nhằm thống nhất và đưa ra các phương án hành động chung có thể triển khai ngay lập tức.

Theo giới phân tích, cuộc họp tới là nỗ lực của Chủ tịch Giăng-cơ nhằm tăng áp lực để hối thúc các nước Đông Nam Âu và Trung Âu tăng cường hợp tác trong quản lý dòng người di cư, đồng thời chấm dứt một loạt các hành động đơn phương đang gây căng thẳng chính trị trong thời gian gần đây. Cuộc họp sẽ có sự góp mặt của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn An-tô-ni-ô Gu-tê-rết (Antonio Guterres), Văn phòng Hỗ trợ tị nạn châu Âu và Cơ quan Giám sát biên giới thuộc Liên minh châu Âu (Frontex), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) và đại diện của Luých-xăm-bua, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.

Trong khi đó, những nước tiếp nhận người di cư như Đức, Pháp, I-ta-li-a cũng đang quá tải. Ngày 21-10, Chính phủ của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Méc-ken) đã phải đặt mục tiêu nhanh chóng hồi hương những người bị bác đơn tị nạn ở nước này.

Thông báo của Chính phủ Đức cho biết, việc hồi hương người bị bác đơn tị nạn là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Các thành viên chính phủ sẽ thảo luận nhằm dỡ bỏ những rào cản hoặc những khó khăn làm chậm tiến trình hồi hương những người tị nạn bị buộc phải rời khỏi Đức. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Xtê-phen Dai-bớt (Steffen Seibert), Đức tiếp tục bảo vệ những người phải đến nước này lánh nạn vì chiến tranh, bị truy đuổi hoặc khủng bố. Do đó, các cơ quan hữu quan cấp liên bang và bang cần tuân thủ việc thực thi các quy định trong chính sách tị nạn vừa được Chính phủ Đức thông qua, trong đó cần thực thi "nhanh chóng và liên tục" việc trục xuất những người nhập cư không đủ điều kiện ở lại Đức. Ông Dai-bớt cho biết, Đức sẽ ưu tiên đưa người di cư bị bác đơn tị nạn về nước bằng đường hàng không với các máy bay dân sự, song trong trường hợp cần thiết cũng có thể sử dụng máy bay quân sự.

Trong lúc này, chính sách giải quyết khủng hoảng di cư của Thủ tướng Méc-ken không được lòng người dân nước này. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu INSA thực hiện và được báo "Tiêu điểm" của Đức công bố ngày 21-10 cho thấy có đến 48% người được hỏi không ủng hộ giải pháp của bà Méc-ken, trong khi 41% số ý kiến vẫn ủng hộ và 11% không có ý kiến. Thậm chí, 215 thị trưởng thuộc bang Nót-ranh Vét-pha-len còn viết “tâm thư” kêu gọi Thủ tướng Méc-ken có biện pháp ngăn chặn dòng người tị nạn đang đổ ngày một nhiều vào Đức.

 

BÌNH NGUYÊN