QĐND - Một trong những điều kỳ diệu làm nên chiến công huyền thoại của Đoàn tàu không số là khả năng đối phó sáng tạo, linh hoạt, tài tình của tàu ta trước mọi âm mưu, thủ đoạn bao vây, ngăn chặn của địch. Có thể nói, trong cuộc đấu trí trên biển, “vỏ quýt dày” là máy bay, chiến hạm cùng hệ thống càn quét ven bờ của địch đã liên tiếp bị những “móng tay nhọn” của quân và dân ta làm cho thất điên, bát đảo. Câu chuyện về cuộc hành trình trên biển của Tàu 42 dưới đây là một ví dụ.
Ta vẫy chào, địch tối mắt
Tháng 2-1965, Tàu 143 đi vào bến Vũng Rô thì bị lộ, yếu tố bí mật, bất ngờ đã không còn. Mỹ-ngụy bắt đầu nắm được ý đồ của ta. Chúng triển khai cuộc chiến tổng lực nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam. Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc; đồng thời ném bom ác liệt các trục đường bộ đi vào miền Nam. Trên biển, Mỹ - ngụy lập kế hoạch phong tỏa chặt chẽ tất cả các loại phương tiện đi bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Nam.
Trước tình hình địch phong tỏa gắt gao trên biển, ta nhận định: Địch tổ chức vây chặt khu vực gần bờ nhưng vẫn còn nhiều sơ hở có thể lợi dụng. Từ phân tích đó, những con tàu không số được cải dạng tàu buôn; các thủy thủ được trang bị đồ “ngoại” như những thủy thủ buôn bán quốc tế thực thụ. Tàu 42 gồm 16 thủy thủ, do đồng chí Nguyễn Văn Cứng làm Thuyền trưởng và đồng chí Trần Ngọc Ân làm Chính trị viên, được lựa chọn thí điểm đi theo phương thức mới.
 |
Tàu 42 trên đường chở vũ khí vào Nam. (ảnh tư liệu)
|
Đêm 15-10-1965, Tàu 42 chở hơn 60 tấn vũ khí, trong đó có 4 quả thủy lôi, nhổ neo rời bến ra khơi. Tàu cải dạng thành tàu câu cá giống như của một số nước Đông Nam Á ra xa bờ, hòa vào dòng tàu buôn ngược xuôi ngoài biển Đông. Năm ngày đêm Tàu 42 hòa trong dòng tàu nhiều quốc gia trên đường hàng hải quốc tế tiến về nơi quy định. Suốt thời gian hành trình trên biển, Tàu 42 bị máy bay Mỹ trinh sát theo dõi, bám sát.
Không phát hiện được dấu hiệu gì đặc biệt, chúng bỏ đi. Khi xuống ngang 9 độ bắc, Tàu 42 gặp một tàu khu trục Mỹ. Chúng tiến sát tàu ta đe dọa, khiêu khích, nhưng trước mắt chúng chỉ là một tàu mới được sơn màu xanh đục dạng tàu câu cá song, loại phổ biến ở vùng biển Đông Nam Á. Trên boong và đài chỉ huy, các thủy thủ nô đùa, vẫy chào "tỏ thân thiện" với sĩ quan, thủy thủ tàu khu trục Mỹ. Với cách đối xử khôn khéo, Tàu 42 vượt qua vòng ngoài an toàn. Đêm 20-10-1965, sau 5 ngày hành trình, Tàu 42 đến gần cửa Bồ Đề (Cà Mau). Song sở chỉ huy báo tin khu vực bến có nhiều tàu địch neo đậu. Vì thế, Tàu 42 đành chuyển hướng ra khơi. Sau 4 ngày đi ngoài vùng biển xa, đêm 23-10-1965, tàu nhận được lệnh chuyển hàng vào bến phụ là rạch Kiến Vàng (Cà Mau). Nhận được lệnh, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng cho tàu chuyển hướng vào bến. Đêm 24-10, cán bộ, thủy thủ tàu nhanh chóng chuyển giao hàng cho bến.
Như vậy, sau mấy tháng tạm ngừng vận chuyển do “vụ Vũng Rô”, Đường Hồ Chí Minh trên biển lại được thông suốt, đưa những chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược và cả tấm lòng của hậu phương lớn miền Bắc đến với tiền tuyến lớn miền Nam.
Địch giương bẫy, ta khiến chúng sập bẫy
Chuyến đi thành công của Tàu 42 vào rạch Kiến Vàng, ngoài việc vận chuyển hơn 60 tấn vũ khí rất cần thiết cho chiến trường, còn thu được nhiều tin tức quan trọng về quy luật hoạt động của địch trên biển cũng như ven bờ. Kinh nghiệm của Tàu 42 là cơ sở để ta tổ chức thành công hai chuyến tiếp theo do Tàu 68 và Tàu 69 thực hiện với tổng vận chuyển 187 tấn vũ khí vào miền Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, sau khi quan sát, phát hiện việc ta đổi phương thức vận chuyển, địch cũng đề ra phương thức đối phó thâm độc hơn. Thủ đoạn của chúng là theo dõi ta từ xa bằng máy bay và tàu chiến, nhưng không đánh động để tàu ta tiếp tục hành trình. Khi thấy tàu ta chuyển hướng vào bờ, việc quản lý mục tiêu được chúng giao cho các trạm ra-đa đảm nhiệm; đồng thời, máy bay trinh sát tiếp tục theo dõi mục tiêu. Khi “con mồi” không biết mình bị theo dõi, đi vào lãnh hải Nam Việt Nam, tàu chiến, máy bay của chúng đã giăng lưới sẵn, lập tức tỏa ra bao vây bắt sống hoặc tiêu diệt. Đây là chiến thuật "chờ mục tiêu vào mới sập bẫy" của địch. Để thực hiện mưu đồ trên, địch tổ chức thêm nhiều lực lượng phong tỏa vùng biển. Chúng tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116, chuyên đi lùng sục các cửa sông, rạch vùng đồng bằng Nam Bộ. Tiếp đó, lực lượng đặc nhiệm 117 của địch cũng ra đời có "nhiệm vụ" sục sạo ở các vùng Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre. Ở ngoài khơi, lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động hơn 300 triệu hải lý vuông, trong đó tập trung ở khu vực vùng biển Việt Nam với hy vọng sẽ “quét sạch” tàu không số.
Ngày 15-3-1966, Tàu 42 chở 60 tấn vũ khí được lệnh rời bến, tiếp tục “thử nghiệm chiến thuật mới”. Sau gần 10 ngày vượt qua sóng to, gió lớn, đánh lừa địch, Tàu 42 cập bến Cà Mau an toàn. Sau một thời gian, địch mới phát hiện tàu ta ra vào vùng Rạch Gốc. Chúng huy động máy bay, tàu chiến đánh phá những nơi nghi ta giấu tàu; đồng thời cho quân bao vây các cửa sông, chờ tàu ta ra để tiêu diệt. Cán bộ, thủy thủ Tàu 42 phối hợp với lực lượng của Đoàn 962 kiên quyết đánh trả địch, bảo vệ tàu. Đoàn 962 vừa tổ chức lực lượng chiến đấu, vừa phân công một bộ phận bốc dỡ hàng chuyển đến vị trí cất giấu an toàn. Đêm 11-4-1966, lợi dụng địch sơ hở, Tàu 42 bất ngờ luồn lách qua vùng kiểm soát của địch trở về căn cứ ở miền Bắc.
Như vậy, mặc cho địch có nhiều hạm đội, lắm máy bay, lực lượng lùng sục đông, nhưng bằng trí thông minh, lòng dũng cảm cùng khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; những con tàu không số mà Tàu 42 là một ví dụ điển hình đã chọc thủng “vỏ quýt dày” do địch giăng ra, góp phần làm nên huyền thoại Đoàn tàu không số. Sau này, Tàu 42 và Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng đều được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nguyễn Hồng (tổng hợp)