Với không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu cùng ôn lại chiến công của thế hệ cha anh đi trước, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và nhận thức trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cửa Lục rực lửa chiến công đầu
Sau nhiều ngày mưa kéo dài, sáng 1-8 bầu trời Hạ Long trong xanh hơn. Từ sáng sớm, khu vực cảng quốc tế Hạ Long vốn thường xuyên tấp nập đón khách hôm nay đông hơn rất nhiều bởi sự có mặt của hơn 600 đại biểu từ khắp cả nước về dự Lễ kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964.
Tàu 511, Hải đội 4, Lữ đoàn 169, Vùng 1 - nơi tổ chức lễ được bố trí ở giữa. Hai bên là tàu chiến đấu của Vùng 1 cùng tham dự. Các tàu neo đậu thành 2 hàng dọc hướng mũi về phía trong Cửa Lục, cờ đầy trang hoàng từ phía mũi đến phía lái mỗi con tàu. Cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm bên mạn tàu hướng về nơi làm lễ.
Đại úy Ngô Văn Trường, Thuyền trưởng Tàu 511, Hải đội 4, Lữ đoàn 169, Vùng 1 cho biết: "Tàu 511 lần đầu được tham gia dự lễ tưởng niệm, đây vừa là vinh dự vừa trách nhiệm lớn lao của đơn vị. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ nhiều ngày nay đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sơn sửa, trang trí tàu, trong suốt quá trình tổ chức lễ không để sai sót, góp phần cùng với trên tổ chức buổi lễ trang trọng, ý nghĩa và an toàn tuyệt đối".
Trong niềm xúc động, nhiều đại biểu tham dự đã không kìm được nước mắt khi thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Cựu chiến binh Lê Đăng Nhự quê ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (85 tuổi) ký ức trong trận chiến vẫn vẹn nguyên. Ông chia sẻ: "60 năm qua nỗi nhớ đồng đội của tôi chưa bao giờ nguôi. Hôm nay tôi thật xúc động khi được tự tay thắp nén tâm nhang cho những đồng đội ngay trên chiến trường xưa".
Còn Đại tá Lê Văn Chừng, nguyên Thuyền trưởng Tàu 225, người trực tiếp chỉ huy tham gia chiến đấu ngày 5-8-1964 chia sẻ về tàu săn ngầm tham gia bắn máy bay: "Khi phát hiện phía bên phải Tàu 225 một chiếc máy bay bổ nhào, tôi lệnh cho các pháo thủ sẵn sàng đón đánh. Khi pháo thủ báo cáo đã chọn xong mục tiêu, đợi chiếc máy bay vào đúng tầm ngắm, tôi lệnh bắn, làn đạn từ tàu săn ngầm găm thẳng vào “ó biển”. Tàu săn ngầm nhưng lại dám đánh máy bay thể hiện quyết tâm, sự vận dụng sáng tạo khi hiệp đồng chiến đấu của bộ đội Hải quân trong đánh Mỹ".
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân chủ trì buổi lễ khẳng định: "Xương máu của các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần cho biển, đảo Tổ quốc ngày càng giàu đẹp. Tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng của Chiến thắng trận đầu đã lan tỏa, thấm sâu và trở thành điểm tựa tinh thần vô giá đối với Bộ đội Hải quân và quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ chúng tôi hôm nay, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Phòng không-Không quân và các lực lượng vũ trang nguyện tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, Quân chủng cũng như truyền thống Chiến thắng trận đầu, đoàn kết, hiệp đồng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc".
Nhớ về Lạch Trường kiên cường
Vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 5-8-1964, lực lượng không quân Mỹ từ Hạm đội 7 bay vào đánh phá từ đảo hòn Nẹ (huyện Hậu Lộc) đến cửa Lạch Trường (huyện Hoằng Hóa). Ngay sau khi máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá cửa biển Lạch Trường và công kích vào các tàu Hải quân ta, đơn vị dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), tự vệ đánh cá Lạch Trường, Đại đội 19 Bộ đội Phòng không bảo vệ trạm ra-đa, Đồn Công an vũ trang 74... nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, phối hợp với lưới lửa cao xạ trên tàu Hải quân ngoài khơi bắn trả quyết liệt máy bay Mỹ. Bia di tích Chiến thắng Lạch Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) còn là chứng tích ghi nhớ công lao to lớn của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại nơi đây, Quân chủng Hải quân chủ trì phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân hy sinh giành lại độc lập cho dân tộc. Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó chính ủy Hải quân chủ trì buổi lễ.
Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 128 đã có mặt từ rất sớm tất bật chuẩn bị cho lễ tưởng niệm. Đông đảo nhân dân địa phương, các gia đình chính sách tiêu biểu, nhân chứng lịch sử hay tin cũng sắp xếp công việc gia đình và nhanh chóng có mặt tham dự. Tại buổi lễ, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân trong trận chiến đấu qua hồi tưởng của các cựu chiến binh Hải quân và nhân dân địa phương. Như chuyện nữ dân quân Hoàng Thị Khuyên ở xã Hòa Lộc khi vào tình thế nguy cấp đã cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người để băng vết thương rất nặng ở bụng cho chiến sĩ Hải quân Trần Đình Huyến. Hay chuyện Xã đội trưởng dân quân Hòa Lộc Hoàng Văn Mão bơi ra tận khu vực tàu Hải quân bị đắm, lặn xuống biển tìm vớt thi thể quân nhân hy sinh…
Bà Lê Thị Thoa - một trong số ít nhân chứng còn sống kể: "Lúc ấy tôi mới tròn 20 tuổi, từng học qua lớp y tá. Khi được huy động, tôi lập tức chạy ra đón các bè mảng đưa thương binh từ ngoài biển vào. Bất chấp tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, tiếng súng đạn nổ xé tai, chúng tôi nhanh chóng phân loại thương binh, ai còn sống lập tức chuyển sang Hòa Lộc cứu chữa. Những trường hợp đã hy sinh chúng tôi chuyển vào nhà muối hải sản, tiến hành khâm niệm và an táng. Chính tay tôi đã khâm niệm cho 20 liệt sĩ Hải quân. Mỗi lần nhắc lại lòng tôi vẫn đau nhói, thương tiếc các anh vô cùng".
Khác với năm xưa, Lạch Trường nay đã trở thành một vùng cửa biển tấp nập với những đoàn tàu đánh cá nhộn nhịp ra vào. Các thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công ơn của lớp lớp cha anh đi trước đã tô thắm trang sử vàng của quê hương, đất nước bằng những hành động dũng cảm trong chiến đấu, bằng nghĩa tình quân dân thắm đượm cùng quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Vẹn nguyên ký ức chiến đấu ở Sông Gianh
Tại Bia di tích Chiến thắng trận đầu ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong chiến thắng trận đầu tại sông Gianh. Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Hải quân chủ trì.
Trên đài bia Chiến thắng trận đầu, chính giữa là mâm lễ được sắp xếp theo nghi thức truyền thống, hai bên là những vòng hoa tươi thắm toát lên sự thành kính, tôn nghiêm. Hai khẩu hiệu trang hoàng làm cho bia tưởng niệm thêm nổi bật giữa nền trời trong xanh.
Ngay từ sớm, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 3 cùng lãnh đạo địa phương, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình thân nhân liệt sĩ… trong Chiến thắng trận đầu tập trung về khu vực bia di tích để chuẩn bị cho buổi lễ.
Năm nay đã 80 tuổi nhưng cựu chiến binh Mai Văn Nhiệm ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, nguyên là Pháo thủ số 4, quay tầm của pháo 37mm trên tàu T177 thuộc Khu tuần phòng 2 vẫn còn nhớ như in trận chiến đấu với không quân Mỹ ngày 5-8-1964 trên bầu trời Sông Gianh. Ông Nhiệm kể: “Chỉ trong buổi chiều ngày 5-8 không quân Mỹ đã hai lần đánh phá các tàu, căn cứ của Hải quân và cảng Gianh. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã phối hợp với dân quân Quảng Bình và bộ đội phòng không chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đánh trả máy bay Mỹ, bắn rơi 3 chiếc và làm hư hỏng 1 chiếc”...
Buổi lễ tưởng niệm tại Sông Gianh diễn ra trang nghiêm, ý nghĩa. Các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung; trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng.
HẢI QUÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.