Tiết Tin học của lớp 5C Trường Tiểu học Tân Công Chí 2 thuộc xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) trở nên sôi nổi, hào hứng khi được anh Cao Bình Nam, đội viên TTTTN Đoàn KTQP 959 phụ trách hỗ trợ dạy học. Như nhiều bạn trong lớp, em La Huệ Mẫn, không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Từ trước tới nay em chưa biết cách sử dụng máy tính, từ lúc được học thầy Nam em đã thành thạo và học được soạn thảo văn bản, sử dụng các ứng dụng học tập trên máy tính, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet… Em thấy môn Tin học rất cần thiết và hữu ích”.

Thứ 3, thứ 5 hằng tuần, anh Nam phải vượt đoạn đường 30km để đảm bảo tiết học. “Tôi rất vui khi được trang bị cho các em kiến thức cơ bản về máy tính. Đây là hành trang cơ bản cho các em vững bước trong thời đại 4.0. Tôi mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình để các em phần nào giảm bớt khó khăn, có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống”, anh Nam nói.

leftcenterrightdel
Cao Bình Nam, đội viên trí thức trẻ tình nguyện, Đoàn KTQP 959 lên lớp môn tin học. 

Thầy Nguyễn Hữu Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Công Chí 2, cho biết: “Từ trước dịch Covid-19 đến nay nhà trường không tuyển được giáo viên dạy môn Tin học, trong khi cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Khi được Đoàn KTQP 959 phối hợp hỗ trợ dạy môn này, chúng tôi rất phấn khởi vì bớt được gánh nặng thiếu giáo viên bộ môn. Nhờ có TTTTN hỗ trợ giảng dạy, giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, tiếp thu nhanh, vận dụng tốt công nghệ thông tin vào học tập nội dung khác. Đến nay, chúng tôi đã phối hợp dạy Tin học cho 7 lớp của các khối 3, 4 và 5 với 185 học sinh; qua đó chất lượng học tập thay đổi rõ rệt, học sinh đạt khá, giỏi môn Tin học đạt trên 30%”.

Chia sẻ về khó khăn trên bục giảng, anh Nam cho hay: “Thời gian đầu, việc soạn giáo án, tôi chưa biết bắt đầu từ đâu; một mình phụ trách 3 khối lớp (3, 4, 5) nên cần nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn phù hợp, trong khi bản thân chưa qua đào tạo cơ bản về kỹ năng sư phạm. Từ đó, tôi cố gắng tham khảo nhiều nguồn tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ giáo viên có kinh nghiệm để áp dụng phương pháp giảng dạy hiệu quả”.

Bên cạnh thành công của mô hình hỗ trợ dạy học, đội viên TTTTN còn đề xuất thành lập trang web Đoàn KTQP 959. Tốt nghiệp Trường Đại học Cửu Long, chuyên ngành Công nghệ thông tin, anh Phan Hoài Kha trực tiếp lập trình, xây dựng trang web và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 3-2023. Thông tin được cập nhật tối thiểu 2 bài/tuần từ các nguồn tin hoạt động của đơn vị trên tên miền http://www.khukinhtequocphongtanhong.vn. Với cấu trúc tổng thể của trang web bao gồm thông tin về Đoàn KTQP 959; quản lý đầu tư; công tác Đảng, công tác chính trị; công tác quân sự, hậu cần, kỹ thuật; thể thao; đa phương tiện.

“Được sự động viên của chỉ huy Đoàn và đồng đội, từ tháng 8-2022 tôi nghiên cứu tài liệu, sách điện tử, tham khảo các khóa học trực tuyến trên internet. Đến tháng 3-2023 trang web được chúng tôi đưa vào vận hành. Qua đó các thông tin hoạt động của Đoàn, các gói hỗ trợ sản xuất, dự án đầu tư xây dựng… sẽ được thông tin đến nhà thầu, bà con vùng dự án nhanh chóng, chính xác”, anh Kha cho biết.

leftcenterrightdel

Trí thức trẻ tình nguyện với mô hình nuôi lươn không bùn. 

Còn đội viên Bùi Văn Đủ, tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản đề xuất mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Đây là mô hình mới, hiệu quả năng suất cao trong tăng gia sản xuất của Đoàn. Anh Đủ cho biết: “Trong lúc đi thực tập, tôi học được mô hình này từ các hộ nuôi ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tôi nhận thấy nuôi lươn đơn giản, địa phương thì sẵn nguồn thức ăn là cá tạp, nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi. Chính vì vậy, tôi đề xuất với Đoàn triển khai và mở rộng mô hình này đến các hộ dân trong vùng dự án”.

Trung tá Phan Ngọc Hiệp, Trưởng phòng Hậu cần, Kỹ thuật, cho biết: “Lươn là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, cải thiện khẩu phần ăn cho bộ đội. Trung bình 5.000 con lươn giống ban đầu (giá 5.000 đồng/con), sau 6 tháng chăm sóc trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng. Dự kiến thời gian tới, Đoàn sẽ triển khai tập huấn mô hình này đến bà con trong vùng dự án góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Theo Dự án 174 của Chính phủ, tháng 2-2022 Đoàn KTQP 959 nhận 26 trí thức trẻ tình nguyện chuyên môn chủ yếu trên các lĩnh vực: Xây dựng dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi - trồng trọt, công nghệ thông tin, y tế… Lực lượng này có thời gian phục vụ tại Đoàn trong 2 năm (2-2022/2-2024). Đến nay, đội TTTTN đã hiến kế xây dựng, thực hiện 22 mô hình mang lại nhiều giá trị như: Giáo dục, văn hóa-xã hội, kinh tế… ở địa phương.

“TTTTN là nguồn nhân lực chất lượng cao của đơn vị. Từ khi nhận nhiệm vụ, các em phát huy tốt sở trường của mình trên lĩnh vực được phân công. Điển hình như việc thành lập trang web, dạy học, mô hình nuôi lươn… đã tạo dấu ấn hiệu quả ở vùng dự án và được chính quyền địa phương đánh giá cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình này, góp phần tạo diện mạo mới ở vùng biên”, Thượng tá Trần Văn Thắng, Phó chính ủy Đoàn KTQP 959, khẳng định.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NHẬT