Như báo Quân đội nhân dân đã thông tin tới bạn đọc, lúc 5 giờ 20 phút sáng 3-7-2008, trong lúc dũng cảm cứu anh Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Nhà đèn, Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã anh dũng hy sinh để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Sáng 7-7-2008, chúng tôi về thăm quê hương và gia đình anh-thôn An Trạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Mấy hôm nay người dân thôn An Trạch, từ cụ già đến em nhỏ đều tỏ lòng tiếc thương người con của quê hương đã anh dũng hy sinh khi cứu người gặp nạn. Không ai cầm được nước mắt trong giây phút Hiệp được đồng chí, đồng đội và nhân dân đưa về nơi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Chị Vũ Thị Duyên, sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Kinh tế quốc dân gạt hai hàng nước mắt nói trong tiếng nấc nghẹn: “Em đã thông báo cho các bạn thời học sinh của Hiệp. Còn em về ngay trong đêm để kịp đưa tiễn người bạn từng ngồi cùng bàn thời phổ thông”.

 

Thiếu tướng Trịnh Duy Huỳnh, Phó tư lệnh Quân khu 3 phát biểu, chia sẻ với đại diện gia đình và chính quyền địa phương.

Hoàn cảnh gia đình Hiệp rất khó khăn, cha mẹ làm ruộng, thu nhập từ hạt lúa, củ khoai chẳng đáng là bao. Vượt lên tất cả khó khăn thiếu thốn, bố mẹ vẫn dành dụm tiền nuôi anh em Hiệp học hành đến nơi đến chốn. Anh Nguyễn Văn Hiến (anh trai Hiệp) hiện đang học năm cuối Trường đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Để có tiền nuôi các con ăn học, bố Hiệp - ông Nguyễn Văn Hệ làm thêm nghề gánh bùn thuê cho bà con trong vùng. Mẹ Hiệp - bà Nguyễn Thị Ngát trong một lần đi làm đồng bị trúng gió đột quỵ, khuôn mặt bị biến dạng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hệ cho biết: “Hiệp thương vợ chồng tôi lắm. Ngày trước còn ở nhà, mỗi khi đi học về là cháu giúp chúng tôi mọi việc. Biết bố mẹ nghèo nên từ nhỏ đến lớn, Hiệp không đòi hỏi bất kỳ thứ gì. Mẹ may cho bộ quần áo mới mà Hiệp cứ tần ngần không mặc. Mỗi lần tôi nhắc nó, nó thủ thỉ: Con mà mặc, áo cũ rồi mẹ lại phải may chiếc khác. Nếu thế thì đôi vai cha lại phải gánh thêm nhiều gánh bùn. Năm cuối phổ thông nó bảo với vợ chồng tôi rằng: Con sẽ vào bộ đội”.

Thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người con dũng cảm của quê hương, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết nghẹn ngào: “Gia đình đồng chí Hiệp luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước. Mọi người trong gia đình đều có ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống. Chúng tôi vô cùng tự hào về người con của quê hương, người chiến sĩ Quân đội đã có hành động dũng cảm cứu người bị nạn. Hành động hy sinh dũng cảm này tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Tiên Lãng anh hùng”.

Vừa là đồng chí ở đơn vị, vừa là đôi bạn từ thuở chăn trâu, cắt cỏ, Trung sĩ Vũ Văn Phong thẫn thờ, nói tiếng được, tiếng mất: “Hiệp là người bạn thân từ bé nên chúng tôi rất hiểu nhau. Nhiều đêm, Hiệp kể cho tôi nghe về chuyện của gia đình. Tôi rất cảm động với tình cảm yêu quý cha mẹ của Hiệp. Ngày còn ở nhà, những hôm trái gió trở trời, bất chợt qua nhà Hiệp chơi, tôi thấy Hiệp bón cho mẹ từng miếng cơm, ngụm nước. Tốt nghiệp THPT, dù sức học có thể thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng nhưng Hiệp viết đơn tình nguyện nhập ngũ để có điều kiện rèn luyện, trưởng thành. Ngày chúng tôi nhập ngũ, trong ba lô của Hiệp là những cuốn sách ôn thi đại học. Mặc dù học tập, rèn luyện rất vất vả nhưng Hiệp vẫn tranh thủ thời gian ôn tập. Hiệp ước mơ sẽ trở thành sĩ quan quân đội”.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đỗ Phương Thuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 242 cho biết: “Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Tiểu đội trưởng thông tin thuộc phân đội thông tin đảo Trần, sinh ngày 6-11-1987, nhập ngũ tháng 3-2007. Quá trình học tập, công tác Hiệp luôn là một quân nhân có lối sống giản dị, trong sáng, thông minh, ham học hỏi, tích cực rèn luyện. Hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 162, Hiệp được đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo Tiểu đội trưởng tại Trường quân sự Quân khu 3. Trở về đơn vị, Hiệp xung phong ra đảo Trần công tác. Nhận nhiệm vụ trực thông tin trên đảo, Hiệp cùng anh em trong đơn vị trở thành cầu nối giữa đảo với đất liền; chuyển phát hàng trăm bức điện mật, an toàn. Ngay sau khi Hiệp anh dũng hy sinh, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 242 đã phát động phong trào học tập tấm gương của Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiệp”.

Chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 3 do Thiếu tướng Trịnh Duy Huỳnh, Phó tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn về thôn An Trạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng chia buồn cùng gia đình Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiệp. Thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Trịnh Duy Huỳnh chuyển 10 triệu đồng trợ cấp của Bộ tư lệnh Quân khu và bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc trước mất mát của gia đình. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã quyết định thăng quân hàm Thượng sĩ và chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn tất thủ tục đề nghị chế độ liệt sĩ cho quân nhân Nguyễn Văn Hiệp.

Hình ảnh dũng cảm cứu người bị nạn của Thượng sĩ Nguyễn Văn Hiệp đang lan tỏa khắp các ngõ xóm của xã Kiến Thiết và những vùng lân cận. Anh là tấm gương tiêu biểu cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không ngại gian khổ, hy sinh. Căn nhà mái bằng khiêm nhường là thành quả bao năm cày sâu, cuốc bẫm của cả gia đình, mấy ngày nay ngào ngạt hương trầm tiếc thương.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tuấn