Thuở bé, mỗi lần nghe tiếng kẻng gấp gáp phát ra từ quả bom rỗng, to cỡ một người ôm treo ở giữa xóm, chúng tôi lại được bà, được mẹ kéo chạy nháo nhào ra hầm trú ẩn để tránh máy bay địch. Sau giải phóng, vẫn là chiếc kẻng ấy, nhưng chả mấy khi tiếng của nó phải gấp gáp mà là gióng giả giục bà con ra đồng mỗi sớm. Tiếng kẻng đi vào tiềm thức của chúng tôi cho đến tận bây giờ...
QĐND - Thuở bé, mỗi lần nghe tiếng kẻng gấp gáp phát ra từ quả bom rỗng, to cỡ một người ôm treo ở giữa xóm, chúng tôi lại được bà, được mẹ kéo chạy nháo nhào ra hầm trú ẩn để tránh máy bay địch. Sau giải phóng, vẫn là chiếc kẻng ấy, nhưng chả mấy khi tiếng của nó phải gấp gáp mà là gióng giả giục bà con ra đồng mỗi sớm. Tiếng kẻng đi vào tiềm thức của chúng tôi cho đến tận bây giờ.
 |
Luyện tập bắt mục tiêu bay thấp ở Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu 1). Ảnh: Hà Khánh
|
Ngày cuối năm, chúng tôi lên thăm trận địa phòng không của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 210, Quân khu 1) và lại bắt gặp tiếng kẻng ấy. Trận địa của đại đội bố trí theo thế chữ “điền” trên đỉnh một quả đồi thấp. Tuy nhiên xung quanh thoáng đãng, có thể quan sát các hướng từ xa. Theo như sách dạy về địa hình quân sự thì đây là một địa thế có lợi để bố trí trận địa phòng không bảo vệ mục tiêu cố định. Chúng tôi đến đúng lúc cả Đại đội 3 đang trong giờ luyện tập và trực chiến. Đại úy Nguyễn Hữu Tiệp, Đại đội trưởng, cho bộ đội dừng tập để báo cáo. Thiếu tá Đào Xuân Thịnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, nói với tôi: “Anh muốn hỏi điều gì thì để tôi nói anh em chuẩn bị?”. Tôi bảo: “Cho mình một tình huống, xem hành động của bộ đội thế nào nhé”. Thịnh gật đầu không do dự rồi phát khẩu lệnh: “Toàn đại đội vào vị trí chiến đấu!”. Ngay sau khẩu lệnh là tiếng kẻng từ giữa trận địa gấp gáp vang lên. Tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch về phía các khẩu pháo. Vài giây sau đã lại nghe tiếng Thịnh: “Hướng... Mục tiêu... Cự ly...”. Rồi tiếng của Tiệp đáp lại xen lẫn với tiếng của chiến sĩ thông tin báo cáo tình hình mục tiêu ran ran khắp trận địa. Theo nhịp của hai lá cờ trên tay Tiệp giơ lên, phất xuống là những nòng pháo quay ngoắt, đổi hướng để bám mục tiêu. Hành động của các khẩu đội khá nhịp nhàng. Kết thúc tình huống, Thịnh bảo với tôi: “Đây là đội ngũ chiến sĩ năm thứ nhất đấy anh ạ. Anh mà được xem đội ngũ chiến sĩ năm thứ hai luyện tập thì anh còn thấy mê nữa. Hôm nay họ đang đi diễn tập và tham gia bắn đạn thật cùng LLVT quân khu...”. Đúng là hơi tiếc, bởi chưa được nhìn thấy những chàng chiến sĩ năm thứ hai bắt bám mục tiêu trên trận địa, nhưng những gì tôi đã thấy trên trận địa của Đại đội 3 cũng đủ để có thể kết luận: Bộ đội Lữ đoàn 210 luyện tập bằng sự nhiệt thành và bằng cả trí thông minh của mình.
Trên đường về doanh trại, Thịnh rụt rè nói với tôi: “Anh ạ, lính phòng không chúng tôi khi đã ngồi trên mâm pháo thì điều mong mỏi nhất là bám được chắc mục tiêu. Muốn thế thì phải quan sát được nó từ xa cả ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên hiện nay, phương tiện nhìn đêm của ta còn hạn chế. Chúng tôi đã khắc phục bằng cách huấn luyện bộ đội đánh bằng hành động trực tiếp. Đồng thời kết nối thông tin với đơn vị bạn để bám nắm mục tiêu. Thế nhưng đã đánh trực tiếp thì tốt nhất vẫn là quan sát trực tiếp. Vì thế tôi rất mong các đơn vị pháo phòng không như chúng tôi được trang bị thiết bị nhìn đêm. Bây giờ tác chiến phòng không là tác chiến công nghệ cao. Mình cần phải nhìn thấy đối phương trước...”.
Tôi thấy ước mong của Thịnh có lẽ là giản dị và thật đáng để chúng ta quan tâm...
TRẦN VŨ