Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nền CNQP Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển CNQP những năm tiếp theo. Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục CNQP đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xoay quanh nội dung này.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đâu là những kết quả nổi bật, quan trọng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị?
 |
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn. |
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn: Một trong những kết quả quan trọng nhất cần phải khẳng định là chúng ta đã tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), từng bước đáp ứng tốt yêu cầu hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tiềm lực khoa học và công nghệ (KHCN) quân sự được nâng lên, đã làm chủ được nhiều công nghệ lõi, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được nhiều chủng loại VKTBKT mới. Sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, có chất lượng cao.
Hệ thống quản lý và cơ sở CNQP từng bước được kiện toàn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về CNQP được xây dựng đồng bộ, đổi mới. Hợp tác quốc tế về CNQP được đẩy mạnh và chủ động hơn trong các lĩnh vực. Huy động được các nguồn lực cho đầu tư, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới.
Công tác đầu tư phát triển CNQP được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển vũ khí lục quân và một số loại vũ khí chiến lược, hiện đại. Triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, thiết kế VKTBKT trọng điểm, tạo bước tiến vượt bậc, đột phá về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí chiến lược, hiện đại. Công tác sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2011 đến nay đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa nhiều chủng loại sản phẩm VKTBKT mới, hiện đại, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu tác chiến của quân đội, trong đó có một số loại đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Từ đó, việc bảo đảm VKTBKT chuyển dần từ mua sắm, lắp ráp là chính sang nghiên cứu, sản xuất trong nước.
PV: Những kinh nghiệm quan trọng được rút ra sau một thập kỷ là gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn: Thực hiện Nghị quyết 06 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, tập trung ở 5 nhóm kinh nghiệm chủ yếu sau:
Thứ nhất, phải thường xuyên quán triệt sâu sắc và kiên định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CNQP. Thứ hai, tích cực đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý CNQP, bảo đảm hợp lý, tinh, gọn, hiệu quả; phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng, phát triển CNQP. Thứ ba, cần quan tâm, đầu tư phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm, mũi nhọn; cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó chú trọng huy động nguồn vốn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài; ứng dụng mạnh mẽ KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới để đẩy mạnh phát triển CNQP. Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó cần chú trọng lựa chọn nội dung, đối tác phù hợp, bảo đảm cho hoạt động hợp tác đạt tính thiết thực, hiệu quả.
PV: Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về xây dựng quân đội, CNQP Việt Nam cần tiếp tục được xây dựng như thế nào?
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn: Để đẩy mạnh phát triển CNQP từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trước hết cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, đó là phải coi xây dựng và phát triển CNQP là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; phải gắn với yêu cầu hiện đại hóa quân đội, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chiến lược quân sự, quốc phòng (QS, QP); phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm tốt VKTBKT cho LLVT trong mọi tình huống. Phát triển CNQP bảo đảm tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; có hệ thống tổ chức bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, cơ chế hoạt động đồng bộ, thống nhất, phù hợp với đặc thù lĩnh vực QS, QP; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực KHCN. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.
Mục tiêu đặt ra là phát triển CNQP đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất VKTBKT có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao theo yêu cầu trang bị cho LLVT, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại VKTBKT có trong biên chế; tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược trên một số nhóm sản phẩm chính; làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNQP; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh.
 |
Tổng lắp đạn 73mm OG-9 tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng). Ảnh: NAM HÀ. |
PV: Để hoàn thành toàn diện những mục tiêu nêu trên, đồng chí cho biết cần phải có những giải pháp cụ thể gì?
Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn: Trước hết, phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tập trung phát triển CNQP trong tình hình mới. Cần ban hành Luật CNQP, động viên công nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý nhà nước về CNQP có mô hình phù hợp, cơ cấu liên ngành. Tổ chức lại các cơ sở CNQP nòng cốt theo Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội, tiến tới thành lập tổ hợp CNQP. Chuyển hoạt động của một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp KHCN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đào tạo ở nước ngoài đối với nhân lực các ngành công nghệ cao; coi trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù quốc phòng, nhất là các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng và tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo VKTBKT. Ưu tiên ngân sách cho phát triển CNQP, nhất là đối với các dự án, sản phẩm mũi nhọn. Cùng với đó, phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa VKTBKT; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm CNQP; đồng thời không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT.
Phải kết hợp xây dựng, phát triển CNQP trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao, ứng dụng thành tựu KHCN, chú trọng xác định đối tác chiến lược hợp tác CNQP để phát triển các loại vũ khí chiến lược, công nghệ cao. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả cao nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HOÀNG HÀ (thực hiện)