QĐND - Họ là những chiến sĩ mới nhập ngũ vào Lữ đoàn 168, Quân khu 2. Trước đó, họ đều ước mơ về một giảng đường đại học. Điều đó trở thành hiện thực khi cùng thời điểm, họ đồng thời nhận lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo trúng tuyển đại học. Theo Thông tư 13 (liên Bộ Quốc phòng - Giáo dục và Đào tạo), nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc được đặt lên trước tiên và họ vui vẻ đón nhận “sự tạm gác” vào học đại học.

Ở Trung đội 1 (Đại đội 3), hơn 30 chàng trai trẻ vừa đến đơn vị, được Thiếu úy Kiều Văn Cương, Trung đội trưởng hướng dẫn tận tình những công việc và động tác cơ bản đầu đời quân ngũ. Phạm Văn Xuân, 19 tuổi, nước da sạm đen, nhưng ánh mắt khá nhanh nhẹn, hoạt bát là một trong những chiến sĩ được Trung đội trưởng nhớ ngay. Anh Cương bảo, chiến sĩ Xuân nắm bắt các động tác rất nhanh vì cậu ấy chịu khó, thông minh. Xuân đã thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trước đó từng đi làm để có tiền ôn thi đại học.

Xuân quê ở Phương Khoan (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), là con út trong gia đình có 5 anh chị em; năm trước thi trượt đại học, Xuân rất buồn. Nhưng được sự động viên, khích lệ của gia đình, Xuân quyết tâm ôn thi tiếp. Để chứng tỏ quyết tâm, Xuân từ quê khăn gói về Hà Nội, tìm đến các cơ sở luyện thi. Thấy học phí đắt quá, không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, Xuân tìm việc làm thêm để lấy tiền ôn thi. Gần một năm, Xuân làm công nhân ở Nhà máy nhựa Việt-Nhật (Ứng Hòa, Hà Nội), rồi bán giải khát ở vỉa hè. “Ngày cặm cụi đi làm kiếm tiền thuê nhà trọ, ăn uống, mua sách vở, đi lại, tối về miệt mài trong phòng trọ ôn thi, nên tôi mới đen và gầy thế đấy” - Xuân mỉm cười nói vui và kể tiếp: “Ngày 30-8, tôi nhận giấy báo nhập học trong khi đã chuẩn bị kỹ tinh thần nhập ngũ. Biết kết quả thi được bảo lưu, tôi yên tâm bảo bố mẹ, anh chị đừng buồn. Tôi nghĩ mình được rèn luyện trong quân đội, sau đó vào trường học sẽ vững vàng hơn”.

Ba chiến sĩ: Hoàng Ngọc Giang, Nguyễn Đình Khang, Phạm Văn Xuân (từ trái qua phải) trong giờ nghỉ. Ảnh: Ngọc Phượng.

Khi con trai Phạm Văn Xuân nhập ngũ được vài ngày, ông Phạm Xuân Đỉnh đã lặn lội từ quê lên đơn vị, động viên con thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cùng đơn vị lo các thủ tục bảo lưu kết quả thi đại học cho con. Ông cho biết, thanh niên quê hương Lập Thạch của ông có truyền thống viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu từ những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bản thân ông từng 12 năm là bộ đội, nay con trai vui vẻ lên đường, ước mơ vào đại học của con được bảo lưu, tuy phải tạm gác lại hai năm, nhưng ông thấy tự hào hơn, yên tâm hơn. Ông nói: “Nếu cháu đổi nguyện vọng sang thi vào một trường nào đó trong quân đội, tôi và gia đình sẽ rất ủng hộ và mong muốn như thế”.

“Tôi vào bộ đội ngày 6-9 theo lệnh gọi nhập ngũ. Còn theo giấy báo của Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, thì ngày 8-9 có mặt nhập học” - chàng trai có dáng người khá cao to, chững chạc với nụ cười tươi tắn, ánh mắt hơi tinh nghịch khoe. Đó là Nguyễn Đình Khang, quê ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ. Khang cho biết, sau khi dự thi về, cậu khá yên tâm. Tuy thế, suốt quá trình khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng như khi nhận lệnh nhập ngũ, Khang rất phấn khởi và bộc bạch: “Mặc dù có giấy báo đỗ đại học, có thể coi đó là cơ hội tốt, nhưng tôi chưa ưng ý vì đó chỉ là nguyện vọng 2. Biết đâu vào bộ đội, tôi có thể hiện thực hóa được ước mơ được học ở một trường sĩ quan trong quân đội” - mắt Khang ánh lên niềm hy vọng. Cậu cho biết thêm, khi đã ổn định trong môi trường quân ngũ, sẽ vừa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vừa tranh thủ ôn thi tiếp.

Cùng quê huyện Lâm Thao (Phú Thọ), cùng sinh năm 1995, nhưng Hoàng Ngọc Giang có vẻ e dè hơn Khang. Giang bảo, hôm mới lên đơn vị, gọi điện về thì được gia đình thông báo, vừa có giấy báo trúng tuyển củaTrường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Giang rất vui, dự định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ vào giảng đường đại học theo kết quả bảo lưu. Giang chia sẻ: “Trước mắt, tôi sẽ phấn đấu cho bằng anh, bằng em ở Đại đội 1 này”.

Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 168 cho biết: B chiến sĩ mới đã có giấy báo trúng tuyển đại học về đơn vị được lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong đơn vị quan tâm, động viên phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt. Thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ là cơ sở giúp các đồng chí tích lũy vốn sống, kiến thức, kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, chắc chắn việc học đại học sẽ tốt hơn. Mặt khác, không đợi các chiến sĩ và gia đình đề nghị, đơn vị đã chủ động tiến hành các thủ tục bảo lưu kết quả để sau khi xuất ngũ, các chiến sĩ sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ vào đại học của mình.  

ĐÀO ĐỨC HANH