Cử tri NGUYỄN HỮU MẠNH, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng: Cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển công nghiệp quốc phòng

 Để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, theo tôi cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp, trong đó phải có những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Tôi thấy trong dự thảo luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tôi đồng tình, nhất trí cao với nội dung mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm động viên công nghiệp, sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm, mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình. Như vậy, nguồn lực cho động viên công nghiệp không chỉ có trong doanh nghiệp mà có thể có nguồn lực trong các tổ chức, cá nhân và toàn dân cần thiết cho động viên công nghiệp. Tôi thấy rằng nội hàm dự thảo luật cần đề cập nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa tới trình độ khoa học, công nghệ đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh, cụ thể hóa về nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh là chuyên sản xuất vũ khí, thiết bị phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

Trong nội hàm của vấn đề này, tôi thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm tính xuyên suốt tại các điều khoản luật có liên quan nhằm thể chế hóa cao nhất quan điểm của Đảng “về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược”.

VĨNH LỘC (ghi)

leftcenterrightdel

Quang cảnh phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: TTXVN

Thượng tá TRẦN VĂN NGỌC, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình): Nên bổ sung trường hợp doanh nghiệp không thuộc đối tượng động viên công nghiệp nhưng tự nguyện thực hiện 

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đồng thời cho rằng việc sớm hoàn chỉnh và ban hành luật là cần thiết để góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài. Qua nghiên cứu dự thảo luật và tình hình thực tế tại cơ sở, tôi thấy rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đầu tư cho quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, theo tôi cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn. Vì vậy, việc bổ sung quy định về Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình quản lý, thay đổi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nên khi thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng cần có các cơ chế, chính sách phù hợp đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, trong phần giải thích từ ngữ, nên bổ sung trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng động viên công nghiệp nhưng tự nguyện thực hiện theo lời kêu gọi của Nhà nước Việt Nam khi đất nước xảy ra tình trạng chiến tranh.

MINH TÚ (ghi)

-----------------

Ông TRẦN HẢI VINH, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ: Cần bổ sung thêm danh mục các ngành, cơ sở công nghiệp 

 Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp. Trong khi đó, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003; Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân năm 2018) nên tính pháp lý chưa cao, đòi hỏi phải xây dựng luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tính ổn định, thống nhất của các quy định cho phát triển về quản lý nhà nước.

Qua nghiên cứu dự thảo “Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”, cá nhân tôi có một số ý kiến như: Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung: Bổ sung danh mục các ngành, cơ sở công nghiệp phục vụ trong lĩnh vực bảo đảm như: Y tế, xăng dầu, chế biến lương thực, thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói...), sản xuất phương tiện giao thông vận tải, sản xuất vật liệu chất lượng cao... của các ngành, cơ sở công nghiệp lưỡng dụng dân sinh ngoài các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước là chủ sở hữu; cần bổ sung thêm các quy định cụ thể ngành công nghiệp công nghệ cao trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, chip, phần mềm ứng dụng, những sản phẩm công nghiệp sử dụng tích hợp công nghệ cao của các cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước; phân cấp, phân quyền, trách nhiệm cụ thể hơn, nhất là cấp tỉnh, thành phố...

ĐỨC QUANG (ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.