QĐND - Không phải chờ đến lúc Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chuẩn y kế hoạch của Xta-lây Tay-lo (tháng11-1961) về việc mở rộng phái đoàn cố vấn, dùng quân Mỹ hỗ trợ cho quân ngụy trong các cuộc hành quân, mà ngay từ tháng 6-1961, Mỹ-Diệm đã triển khai thực hiện chương trình bình định miền Nam trong 18 tháng. Chương trình này được thực hiện với các biện pháp chủ yếu như:

Tăng cường số lượng, trang bị cho quân ngụy. Mở nhiều cuộc hành quân với sự hỗ trợ của máy bay lên thẳng, xe thiết giáp (chiến thuật trực thăng vận-thiết xa vận) để bao vây, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng.

Khẩn trương bình định, lấy việc lập ấp chiến lược làm trọng điểm để dập tắt phong trào của quần chúng.

Ra sức ngăn chặn biên giới, kiểm soát ven biển, cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam nhằm cô lập cách mạng miền Nam.

Kế hoạch bình định của địch lấy việc lập ấp chiến lược làm xương sống để thực hiện âm mưu “lọc nước bắt cá”, tức là tách toàn bộ lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân để dễ bề tiêu diệt. Các ấp chiến lược thực chất là những trại giam trá hình. Bao bọc chung quanh ấp là ba hàng rào bằng tre và dây thép gai. Cứ giữa hai hàng rào có một giao thông hào rộng 2m, sâu 1,5m, bên dưới cắm chông và gài mìn. Bốn góc ấp chiến lược có bốt gác. Tối đến, các cửa ra vào đều đóng kín, vì vậy việc ra vào ấp vô cùng khó khăn. Mọi sinh hoạt như ma chay, cưới xin… của người dân trong ấp đều diễn ra ở nhà thờ địch dựng lên trong ấp. Ai không đến nhà thờ thì bị ghi sổ đen và có thể bị thủ tiêu bất cứ lúc nào. Cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam để phá kế hoạch bình định của địch trở nên gay go hơn lúc nào hết.

 Nhằm đánh bại âm mưu của địch, ta đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chống địch càn quét, thúc đẩy nổi dậy của quần chúng để phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược ở một số vùng nông thôn đồng bằng và miền núi. Trên mặt trận quân sự, trong năm 1961, ta đã tổ chức 15.525 trận đánh phản công lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 29 nghìn tên địch, bắt hơn 3.500 tên, thu 6000 súng các loại. Trên mặt trận chính trị, ta đã huy động 33,8 triệu lượt quần chúng xuống đường đấu tranh trực diện với địch, làm công tác binh vận, tác động lôi kéo được 14.500 binh lính ngụy đào ngũ, rã ngũ. Vùng giải phóng được mở rộng tới hơn 1 vạn thôn, xã. Năm 1961, ta đã xây dựng được căn cứ hậu cần tại chỗ, nhân dân tích cực tiếp tế cho bộ đội.

Tuy nhiên, sang nửa đầu năm 1962, địch tăng cường đánh phá các vùng giải phóng bằng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận gây cho ta nhiều thiệt hại. Một số vùng giải phóng bị thu hẹp. Việc dồn dân lập ấp chiến lược tiếp tục được địch thực hiện ráo riết.

  Để chống lại các thủ đoạn của địch, ta kiên trì đẩy mạnh đấu tranh chính trị và mở các trận phản công chống địch càn quét. Chủ trương lấy hoạt động quân sự để hỗ trợ nhân dân phá lỏng, phá rã ấp chiến lược được thực hiện triệt để. Đến cuối năm 1962, ta đã phá 2.665 ấp chiến lược. Có gần 500 ấp bị phá hoàn toàn, 115 ấp xây dựng thành làng chiến đấu. Ta phá thế kìm kẹp ở 8.982 thôn, giải phóng hoàn toàn 4.441 thôn trong tổng số 17.162 thôn, giải thoát 6,5 triệu dân. Đến cuối năm 1962, địch chỉ lập được 3.900 ấp chiến lược, đạt 31,7% so với chỉ tiêu lập 16.000 ấp chiến lược trên toàn miền Nam để dồn 10 triệu dân vào ấp của Mỹ-Diệm. Như vậy, kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của Xta-lây Tay-lo coi như bị phá sản.

TRẦN KIM HÀ