Dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, một số quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện nhà trường toàn quân.
 |
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Sự cần thiết phải đổi mới cơ chế
Theo Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý: Những năm qua, với sự tham mưu của các cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng đã tích cực điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cho công tác quản lý tài chính (QLTC), sử dụng ngân sách trong quân đội luôn đúng nguyên tắc, đúng với quy định của Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí. Cơ chế QLTC quân đội thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng, từng bước xác định cơ cấu ngân sách theo hướng hợp lý hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của chu trình ngân sách. Tuy nhiên, cơ chế quản lý này đã tồn tại gần 50 năm, quá trình vận hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hơn nữa, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mới quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, như: Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”; Luật Ngân sách Nhà nước (ban hành năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017); Nghị định 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định về quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh... Những thay đổi về cơ chế QLTC của Nhà nước dẫn đến những thay đổi về cơ chế QLTC quân đội là tất yếu khách quan. Có như vậy mới bảo đảm cho công tác QLTC, sử dụng ngân sách trong quân đội phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tạo ra hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
 |
Thiếu tướng, TS Lưu Sỹ Quý phát biểu. Ảnh: DUY ĐÔNG |
Từ những vấn đề trên, ngày 25-8-2018, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW về Đổi mới cơ chế QLTC trong quân đội giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo. Ngày 26-8-2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 3500/QĐ-BQP ban hành Đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.
Cơ chế mới tạo bước đột phá mới
Báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định: Những văn bản chỉ đạo về đổi mới cơ chế QLTC trong quân đội thể hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhằm tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này, bảo đảm cho công tác QLTC, sử dụng ngân sách trong quân đội luôn hiệu quả, đúng hướng, đúng nguyên tắc, đúng pháp luật. Chính vì vậy, cuộc tọa đàm lần này nhằm góp phần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, nhằm tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn quân trong thực hiện nghị quyết và đề án của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới cơ chế QLTC quân đội… Với tầm quan trọng và sự cấp thiết của chủ đề tọa đàm, Ban tổ chức đã nhận được gần 60 tham luận của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, bệnh viện, các cơ quan quản lý tài chính toàn quân... Tham luận gửi về tọa đàm tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề có tính căn bản của nghị quyết và đề án, như: Sự cần thiết phải đổi mới cơ chế QLTC quân đội; nội dung cơ bản trong đổi mới cơ chế QLTC quân đội và các giải pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả cơ chế QLTC mới trong quân đội.
Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Lê Trung Dũng, Phó trưởng phòng Kế hoạch ngân sách (Cục Tài chính) phân tích rõ những nét cơ bản trong đổi mới công tác lập, phân bổ dự toán ngân sách chi thường xuyên hằng năm theo cơ chế QLTC mới. Đồng chí đã làm rõ các khâu, các bước cũng như xác định nhiệm vụ cụ thể của Cục Tài chính, cơ quan tài chính các cấp trong quá trình lập và phân bổ dự toán ngân sách.
 |
Đại tá Lê Trung Dũng, Phó trưởng phòng Kế hoạch ngân sách, Cục Tài chính phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ
|
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Luyện, Trưởng phòng Kế toán-Ngân hàng (Cục Tài chính), thì trong thực hiện nội dung cấp phát, thanh toán theo cơ chế mới có một số điểm thay đổi so với trước đây, đặc biệt là việc tăng cường cấp phát, kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), với hai hình thức chủ yếu là giao dự toán thanh toán trực tiếp tại KBNN và thông báo dự toán rút tại KBNN. Về xử lý số dư cuối năm đối với các tài khoản tại KBNN, Đại tá Nguyễn Tiến Luyện nêu rõ: Bộ Quốc phòng đã đề nghị Bộ Tài chính, KBNN xem xét, nghiên cứu áp dụng phương pháp hạch toán, đối chiếu số dư tài khoản ngân sách cấp cuối năm phù hợp với đặc thù cơ chế cấp phát, tự kiểm soát chi của Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng không gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển nguồn ngân sách sang năm sau.
 |
Đại tá Nguyễn Tiến Luyện, Trưởng phòng Kế toán- Ngân hàng, Cục Tài chính phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thiếu tướng Trần Minh Đức, Cục trưởng Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật), cho rằng: Theo đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội, dự toán được giao ngay từ đầu năm cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách trực tiếp mua sắm một số mặt hàng thông dụng sẽ có một số ưu điểm, như: Huy động tối đa nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tránh hiện tượng tồn kho gây lãng phí ngân sách; tăng tính chủ động của đơn vị trong bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ, quản lý và thanh, quyết toán kinh phí, đồng thời tăng cường kiểm soát chi, tuân thủ kỷ luật tài chính…
 |
Thiếu tướng Trần Minh Đức, Cục trưởng Cục Xe Máy, Tổng cục Kỹ thuật phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Thực hiện cơ chế QLTC mới, việc phân bổ dự toán ngân sách tại Quân khu 3 sẽ được thực hiện triệt để đến các đơn vị cơ sở. Ngân sách của đơn vị cấp dưới cũng sẽ được đơn vị dự toán cấp trên phân bổ trực tiếp ngay từ đầu năm, nguồn lực ngân sách được tập trung, giúp người chỉ huy chủ động điều hành, sử dụng ngân sách, kinh phí sát đúng với các nhiệm vụ được giao, không còn phụ thuộc vào ngân sách bổ sung trong năm của các ngành nghiệp vụ. Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3, khẳng định: “Do ngân sách chờ phân bổ ở ngành nghiệp vụ không còn, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành của người chỉ huy đơn vị, các ngành nghiệp vụ thuộc quân khu, nhất là các cơ quan tài chính cùng cấp trong quá trình lập, phân bổ dự toán phải bao quát tổng thể, tỉ mỉ, công tâm và trách nhiệm. Khi lập và phân bổ dự toán ngân sách, quân khu luôn bảo đảm công khai, minh bạch, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí...".
 |
Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Đồng quan điểm với đồng chí Tư lệnh Quân khu 3, trong tham luận gửi tọa đàm, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Tư lệnh Quân đoàn 1, đánh giá: "Cơ chế mới giúp cho công tác bảo đảm tài chính trong thực hiện nhiệm vụ được kịp thời hơn, rút ngắn thời gian phân bổ vì giảm đầu mối trung gian trong lập và phân bổ dự toán ngân sách; việc hạn chế mua sắm tập trung và tăng cường giao ngân sách cho đơn vị tự mua sắm sẽ tạo ra tính thiết thực trong mua sắm, sử dụng, tạo thuận lợi cho đơn vị thụ hưởng ngân sách và tiết kiệm cho Nhà nước...".
Tại buổi tọa đàm, một số tham luận cũng tập trung đề cập đến vấn đề tự chủ tài chính đối với các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh trong quân đội. Phát biểu tại tọa đàm, Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nêu lên 4 cơ hội và 6 thách thức đối với bệnh viện khi thực hiện tự chủ về tài chính. “Trong năm 2018, ngành y tế công cả nước đã thực hiện lộ trình tự chủ được hơn 10 năm, một số bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn. Các bệnh viện quân đội cũng không nằm ngoài xu thế trên, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh trong quân đội là tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế-xã hội, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển toàn diện cho các bệnh viện”, Trung tướng Mai Hồng Bàng khẳng định.
 |
Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu. Ảnh: MINH TRƯỜNG |
Tăng cường quán triệt, tạo sự đồng thuận
Đề cập về những chủ trương, giải pháp tổ chức, thực hiện cơ chế QLTC mới, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho rằng: Muốn tạo được sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, trước hết cấp ủy, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa việc đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nêu dẫn chứng: “Thực tế cho thấy, đơn vị nào mà cơ quan tài chính và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tài chính phát huy hết vai trò, trách nhiệm, có trình độ chuyên môn sâu, có nghiệp vụ giỏi và biết phát huy trí tuệ, trách nhiệm của tập thể trong quản lý, sử dụng ngân sách thì ở đơn vị đó ngân sách được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật. Ngược lại, ở đơn vị nào cơ quan tài chính thiếu hụt về lực lượng, thiếu trách nhiệm, hạn chế về năng lực, trình độ tham mưu thì đơn vị đó dễ xảy ra sai phạm, vi phạm. Do đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ quan tài chính và đội ngũ cán bộ trực tiếp đảm nhiệm công tác QLTC, sử dụng ngân sách là một khâu rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 915 và đề án về đổi mới cơ chế QLTC trong quân đội”.
 |
Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tài chính, hậu cần trong các nhà trường quân đội cũng được quan tâm, qua đó trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về tiêu chuẩn, chế độ của bộ đội; công tác QLTC, hậu cần… trong quân đội. Theo Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 915 và đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội, việc bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, quản lý tài chính cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần phải được quan tâm thỏa đáng.
 |
Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Đức, Phó giám đốc Học viện Lục quân, kiến nghị: “Việc đào tạo cán bộ chỉ huy cấp phân đội, đặc biệt ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Lục quân 2, Học viện Chính trị... nên tăng thời lượng đào tạo khối kiến thức lý luận cơ bản về tài chính, vì học viên của các nhà trường này rất có thể sẽ trở thành chỉ huy-chủ tài khoản ở các đơn vị trong tương lai...”.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Khắc Đức, Phó giám đốc Học viện Lục quân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Kết luận buổi tọa đàm, Thiếu tướng Lưu Sỹ Quý nhấn mạnh: "Cơ chế QLTC hiện nay đã tồn tại gần nửa thế kỷ, đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ chỉ huy, cán bộ các ngành nghiệp vụ toàn quân và nhất là cán bộ, nhân viên ngành tài chính. Vì vậy, việc thay đổi cơ chế sẽ tác động sâu rộng đến nhận thức, tâm lý của nhiều người. Thay đổi cơ chế quản lý mới là bước ngoặt lịch sử trong công tác tài chính quân đội. Được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đồng sức đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, nhất định việc triển khai thực hiện cơ chế mới sẽ thành công ngay từ năm ngân sách đầu tiên. Sau cuộc tọa đàm này, Ban tổ chức sẽ tiếp thu và nghiên cứu các ý kiến để bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện cơ chế QLTC mới đạt hiệu quả cao nhất.
Bài và ảnh: HỒNG ĐÔNG HÀ