Đại tá PHẠM NGỌC TÂN, Chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9:

Trân trọng những lời thẳng thắn, chân thành

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, mỗi người chúng ta ai cũng có những lúc sai sót, có những khuyết điểm mà chính mình không nhận ra. Theo tôi, sự phê bình của cấp trên cũng như  lời đóng góp thẳng thắn, chân thành của cấp dưới là những bài học kinh nghiệm cho bản thân, là biện pháp tốt nhất để mỗi người “tự soi, tự sửa”. Khi nhận những lời phê bình của cấp trên, góp ý thẳng thắn của cấp dưới, phải tiếp thu nghiêm túc; không nên quá lo lắng hay quá bực tức, nóng nảy mà cần điềm tĩnh để nhìn nhận lại mình, nếu chưa rõ thì phải nắm lại để nhận ra cái sai hay khuyết điểm của bản thân, từ đó nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, sửa chữa.

Những lời góp ý, phê bình chân thành, thẳng thắn của cấp trên hay cấp dưới thường khó nghe nhưng đều rất quan trọng, thông qua đó để mọi người nhìn nhận ra điểm mạnh của mình để phát huy, đồng thời khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm cũng như điều chỉnh các quyết định chưa đúng đắn đã ban hành đối với tập thể, là cơ sở để từng cá nhân trưởng thành hơn, góp phần làm cho tập thể vững mạnh. Những lời nói mật ngọt, xu nịnh thường được sử dụng bởi những người sống không thật tâm, cơ hội, thường làm cho “cái sai lại càng sai”, “đã vi phạm càng tiếp tục vi phạm”. Vì vậy, mỗi cá nhân, nhất là người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần đề cao tính tự phê bình và phê bình, đó là một trong những nguyên tắc để mỗi người ngày càng hoàn thiện và xây dựng tập thể ngày càng đoàn kết, vững mạnh.

leftcenterrightdel
Kíp xe tăng PT-76 của Tiểu đoàn 8, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416, Quân khu 9 chuẩn bị đạn cho nhiệm vụ kiểm tra bắn đạn thật. Ảnh: ĐÌNH MINH 

Để học được cách lắng nghe những lời nói có khi rất khó chịu đó, cần rèn luyện cho mình đức tính tự phê bình cao. Trước hết, mình phải thường xuyên tự phê bình mình trước, làm cơ sở để tiếp thu ý kiến phê bình của cấp trên, của tập thể và cấp dưới. Từ đó xây dựng cho bản thân thái độ cầu thị, phương pháp làm việc dân chủ, sâu sát, gần gũi với cấp dưới; khiêm tốn tiếp thu ý kiến của cấp trên; không bảo thủ, hách dịch hay tỏ thái độ thiếu tôn trọng.

-------------------------------------------------------------------------

Thượng tá ĐẶNG VĂN HIẾU, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo phòng không 234, Quân đoàn 3:

Tỉnh táo phân biệt lời xu nịnh và lời nói thật lòng

Thoạt đầu khi nghe những lời phê bình, góp ý dù là chân thành, thẳng thắn thì ai cũng cảm thấy bị tổn thương và tự ái. Nếu là cấp trên phê bình thì người bị phê bình sẽ có cảm giác như là gánh nặng, tâm lý khó chịu, không thoải mái và có thể dẫn đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ thấp. Còn cấp dưới góp ý thì cấp trên có cảm giác không được tin tưởng, tôn trọng. Tuy vậy, những lời góp ý chân thành xuất phát từ tâm ý tốt là mong muốn giúp đồng chí, đồng đội nhận ra thiếu sót và cải thiện mình, qua đó sửa chữa để công việc, cuộc sống tốt hơn. Việc tiếp nhận những lời góp ý thẳng thắn là một quá trình đòi hỏi sự trưởng thành, kinh nghiệm và tinh thần cầu tiến. Dù có cảm thấy khó chịu ban đầu, nhưng nếu biết cách ứng xử đúng đắn, chúng ta có thể biến những lời góp ý trở thành động lực để ngày càng tiến bộ.

Để có thể ứng xử hiệu quả với những lời góp ý chân thành, khi tiếp nhận cần có thái độ cởi mở, bình tĩnh, không vội vàng phản bác hoặc tỏ thái độ tiêu cực, cần lắng nghe thật kỹ, cố gắng hiểu rõ những gì người khác muốn nói, góp ý. Nếu có bất kỳ điều gì chưa rõ, hãy hỏi lại để bảo đảm mình hiểu đúng nội dung. Bên cạnh đó, phải thể hiện sự biết ơn đối với người đã thẳng thắn góp ý, đồng thời suy nghĩ kỹ, cân nhắc những lời góp ý và tìm cách áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả; nghiên cứu nắm chắc tâm lý đối tượng để phân biệt giữa ý kiến thẳng thắn và thái độ xu nịnh.

Ngược lại với góp ý chân thành, thẳng thắn là lời mật ngọt, xu nịnh. Lời nói xu nịnh thường có mục đích lấy lòng, tạo ấn tượng tốt với người nghe, hoặc để đạt được lợi ích cá nhân và xuất phát từ động cơ ích kỷ, muốn lợi dụng người khác. Ảnh hưởng của nó có thể khiến người nghe đưa ra những quyết định sai lầm.

-------------------------------------------------------------------

Thiếu tá PHAN THẾ HOÀNG, Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4:

Giá trị hơn gấp ngàn lần những lời mật ngọt

Trong cuộc sống cũng như công việc, không ai trong chúng ta mong muốn phải nghe những lời phê bình, chỉ trích của người khác. Thế nhưng, tôi nhận thức rõ rằng bản thân còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần phải thường xuyên khắc phục, sửa chữa. Tu dưỡng, rèn luyện bản thân là việc phải làm thường xuyên. Vừa không hoàn thành nhiệm vụ lại phải nghe những lời phê bình, góp ý thẳng thắn thì cảm xúc đầu tiên luôn là sự khó chịu. Nhưng ngay sau đó, tôi luôn nhắc nhở mình phải bình tĩnh, đối mặt với những lời phê bình dù có khó nghe đến mấy với tinh thần cầu thị để rút kinh nghiệm cho bản thân; tạo động lực để nỗ lực, cố gắng làm tốt hơn nữa, từng bước hoàn thiện mọi mặt. Để làm được điều này, tôi cho rằng, mỗi người cần thấy rõ rằng mình chưa làm tốt thì cấp trên mới phê bình, cấp dưới mới góp ý. Hơn nữa, những lời thẳng thắn, chân thành đó dù rất khó nghe nhưng xuất phát từ sự chân thành, mong muốn mình tốt hơn. Vì vậy, thay vì phản ứng lại những ý kiến đó, chúng ta hãy cầu thị tiếp thu và nghiêm túc nhận khuyết điểm trước cấp trên cũng như cấp dưới để khắc phục một cách nhanh nhất, triệt để nhất.

Mặc dù là khó nghe, nhưng những lời phê bình, góp ý có ý nghĩa và giá trị hơn gấp ngàn lần những lời mật ngọt, xu nịnh. Bởi thay vì giúp ta nhìn ra cái sai, khuyết điểm của bản thân thì những lời đường mật lại làm cho ta nhận thức sai về hành vi và năng lực của mình dẫn đến tự mãn, ảo tưởng về năng lực bản thân, thậm chí là làm sai mà không biết, dẫn đến tư tưởng thỏa mãn dừng lại hay tính cách tự cao tự đại và cả nguy cơ vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, kỷ luật.

-----------------------------------------------------------------------------------

Trung sĩ NGUYỄN ĐƯƠNG TUYÊN, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn Vệ binh, Bộ Tham mưu Quân khu 3:

Lời cảnh tỉnh, cảnh báo nghiêm túc

Mỗi khi phải nghe những lời "khó nghe" nhưng hết sức thẳng thắn, chân thành từ sự phê bình của cấp trên, góp ý của đồng chí, đồng đội, ban đầu tôi thấy khó chịu và buồn. Tuy nhiên, khi bình tâm suy nghĩ kỹ, tôi thấy rất trân trọng và cảm ơn những người đã phê bình mình, đồng thời lấy lại tinh thần, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để không phạm phải sai lầm hay mắc phải khuyết điểm đó nữa. Để lắng nghe những lời “khó nghe” đó, tôi luôn nghĩ mình còn trẻ tuổi, kinh nghiệm sống, học tập, công tác chưa nhiều nên cần luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi, tiếp thu ý kiến của đồng chí, đồng đội và cấp trên. Tôi cũng cần phải bình tĩnh, nghe hết lời mọi người nói, không được nóng vội, nóng tính, tự ái. Có khi bản thân chưa nhận thấy cái sai, thiếu sót của mình ngay, tôi cần phải suy nghĩ thấu đáo, xem xét bối cảnh, tự nhìn nhận lại những việc làm của mình với tinh thần khiêm tốn, mong tiến bộ.

Cha ông ta đã đúc kết: “Thương cho roi cho vọt...”, vì vậy, những lời “khó nghe” chính là lời nhắc nhở, cảnh báo nghiêm túc để bản thân mỗi người tự nhìn lại mình, giúp mình tránh được những sai lầm, vi phạm, kịp thời khắc phục để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong một tập thể, những lời góp ý mang tính xây dựng chính là một hình thức đấu tranh phê bình để chấn chỉnh những việc làm chưa tốt, đi ngược lại lợi ích chung, tạo bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, giúp từng cá nhân và tập thể thấy được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để sửa chữa.

----------------------------------------------------------------------

Không phải sự thật nào cũng làm mất lòng

Dân gian có câu: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Vậy “sự thật” trong câu thành ngữ này là gì mà lại làm “mất lòng”? Đó có phải là những lời phê bình, góp ý chân thành, thẳng thắn với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”?

Tôi nghĩ là không! Hoặc, nếu có “mất lòng” thì cũng chỉ là chốc lát, tạm thời. Bởi, trước sau gì thì người được phê bình, góp ý cũng sẽ nhận ra tâm ý, thành ý của đồng chí, đồng đội là muốn giúp mình nhận ra và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để bản thân ngày một tốt hơn. Thế nên tục ngữ cũng có câu “Mất lòng trước, được lòng sau” để muốn nói: Thà rằng trước mặt nhau, chúng ta cứ thật thà, thẳng thắn nói ra sự thật, phê bình, góp ý cho nhau thì dù lúc đầu người nghe có thể cảm thấy khó chịu nhưng khi hiểu ra, họ sẽ quý trọng mình hơn.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3) trò chuyện, trao đổi trong giờ nghỉ. Ảnh: CHU ĐÌNH

Như vậy, có còn đáp án nào nữa cho câu hỏi: “Sự thật” nào làm “mất lòng”? Còn, đó là sự thật được phơi bày đằng sau sự giả dối; sự thật của thói trước mặt nói một đằng, sau lưng nói và hành động một kiểu. Đó còn là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị khi “lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”, “nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”... Trong thực tế, những trường hợp này không hiếm. Cụ thể là trong sinh hoạt, trên các diễn đàn, hội nghị chỉ phát biểu chung chung, xuôi chiều mà không dám thẳng thắn góp ý, phê bình, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan để đi đến cùng vấn đề nhưng sau lưng, ra ngoài thì lại tìm mọi cách nói xấu, hạ uy tín người khác. Những việc làm này không chỉ làm mất lòng nhau, gây mất đoàn kết nội bộ mà còn khiến chính người thực hiện bị mất hình ảnh, uy tín trước tiên.

Phàm đã là con người thì ai cũng muốn được nghe những lời dễ nghe và không muốn nghe lời trái tai, khó nghe. Nhưng thà rằng chúng ta chấp nhận những lời khó nghe để tiến bộ mỗi ngày, hạn chế phạm phải sai lầm còn hơn là rót vào tai nhau những lời đường mật để cuối cùng dắt nhau đi vào con đường sa ngã. Thế nên, tốt nhất, chúng ta hãy cứ luôn thẳng thắn, chân thành với nhau dù có đôi chút mất lòng!

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.