QĐND - Quyết định đóng cửa Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia ERT của Hy Lạp hồi tuần trước không những không làm hài lòng các chủ nợ mà còn khiến làn sóng phản đối chính phủ lan rộng cả nước, buộc Thủ tướng nước này An -tô-nít Xa -ma-rát (Antonis Samaras) phải có động thái nhượng bộ...

  “Cái chết bất ngờ của ERT”

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng A.Xa -ma-rát đã yêu cầu Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia ERT đóng cửa bắt đầu từ ngày 12-6 để tiết kiệm chi phí. Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, một chính phủ châu âu đóng cửa một hãng phát thanh -truyền hình quốc gia. Việc khai tử đài truyền hình có hơn 70 năm hoạt động đã gây choáng váng cho gần 2.700 nhân viên ERT cùng gia đình họ.

Biểu tình ở A-ten phản đối quyết định đóng cửa Đài ERT của Chính phủ. Ảnh: AP

Thủ tướng A.Xa -ma-rát lý giải, việc tạm đóng cửa Đài ERT là vì lợi ích quốc gia, đồng thời cho biết sẽ mở cửa trở lại đài này sau khi tiến hành những cải cách phù hợp. Thủ tướng A.Xa -ma-rát cũng cho hay, Chính phủ Hy Lạp vừa đề xuất một dự luật nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập một đài truyền hình quốc gia mới. Các nhân viên đài ERT mất việc sẽ có cơ hội nộp đơn thi tuyển vào cơ quan mới. Ngoài việc đóng cửa các cơ quan nhà nước, chính phủ Hy Lạp cũng sẽ hợp nhất một số cơ quan để tiết kiệm chi phí vận hành.

Nhiều người đã phản ứng dữ dội trước quyết định trên của Chính phủ. Họ tiến hành biểu tình, chiếm giữ trụ sở ERT và thách thức Chính phủ khi tiếp tục phát các chương trình của ERT qua internet. Không những vậy, các nghiệp đoàn cũng vào cuộc thể hiện tình đoàn kết với ERT. Hai công đoàn lớn nhất là ADEDY (của khu vực công) và GSEE (của khu vực tư) đã tiến hành bãi công trong nhiều giờ trên toàn quốc, làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải ở nhiều nơi, đặc biệt là thủ đô A -ten.

Mặc dù giới truyền thông Hy Lạp thừa nhận ERT đã rơi vào tình trạng quản lý kém và không nhạy bén chính trị trong một thời gian dài, song quyết định đóng cửa ERT đã có hơn 70 năm hoạt động đang đẩy chính phủ của ông A.Xa -ma-rát vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, đặc biệt làm xuất hiện nguy cơ chia rẽ trong liên minh cầm quyền gồm các đảng theo đường lối xã hội và cánh tả. Lãnh đạo Đảng Xã hội E -van-gê-lốt Ve -ni-dê-lốt (Evangelos Venizelos) nói rằng, việc đóng cửa ERT đã tạo ra một "cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp", trong khi lãnh đạo đảng cánh tả A -lếch Txíp -rát (Alexis Tsipras) cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Xa -ma-rát "thách thức nền dân chủ" do quyết định trên không được hai đảng trong liên minh cầm quyền ủng hộ.

Con tốt thí mạng?

Việc sa thải cả Đài ERT là màn sa thải hàng loạt đầu tiên trong chương trình cho nghỉ việc 15.000 người dư thừa thuộc khu vực công. Chương trình này đã được liên minh 3 đảng cầm quyền thông qua vào tháng 4 nhằm làm hài lòng Liên minh châu âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Khủng hoảng tài chính, nợ công và các vấn đề xã hội đang đeo đẳng đất nước Hy Lạp từ 6 năm nay. Quốc gia này hiện có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27%. Để nhận được các gói giải cứu tài chính, Hy Lạp buộc phải đáp ứng các điều kiện do nhà tài trợ đưa ra như thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhân lực hoặc sáp nhập nhiều tổ chức trong khu vực công có khuynh hướng “phình” to. Chính phủ của Thủ tướng A.Xa -ma-rát cho rằng, việc “hy sinh” ERT giúp chính phủ đạt được mục tiêu nhanh gọn nhất. 

Tuy nhiên, quyết định đóng cửa ERT của A -ten lại không làm hài lòng các chủ nợ. EU khẳng định, khối này không yêu cầu chính phủ Hy Lạp ra quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh truyền thông công cộng là "một phần không thể thiếu của nền dân chủ châu âu". “Điều này chưa hề có tiền lệ. Tôi không chắc rằng đây là cách tốt nhất để người dân Hy Lạp đánh giá đúng về kỷ luật ngân sách mà châu âu đề ra cho nước này”, Ngoại trưởng Pháp Lau -răng Pha -bi-út (Laurent Fabius) nhấn mạnh.

Xem ra, quyết định khai tử ERT là một bước đi sai lầm của Chính phủ của Thủ tướng A.Xa -ma-rát. Để cứu vãn tình thế, ngày 14-6, Thủ tướng A.Xa -ma-rát đã có động thái nhượng bộ. Theo đó, một ủy ban tạm thời với sự chấp thuận rộng rãi của các bên có thể được thành lập nhằm thuê một số lượng hạn chế nhân viên Đài ERT để có thể bắt đầu phát sóng trở lại các chương trình tin tức, vốn được người dân coi là nguồn thông tin thiết yếu tại nước này, đặc biệt tại các khu vực biên giới.

Theo truyền thông Hy Lạp, tranh cãi về việc đóng cửa Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia ERT đã được chuyển lên Hội đồng Nhà nước, tòa án hành chính cấp cao nhất của Hy Lạp. Dự kiến, tòa sẽ đưa ra một phán quyết sơ bộ vào ngày 17-6 tới về khả năng đảo ngược quyết định đóng cửa ERT và sẽ công bố phán quyết cuối cùng vào đầu mùa Thu.

Bình Nguyên