QĐND Online - Trong chuyến công tác miền Trung, tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện giải thoát 1.300 tù nhân tại nhà lao Hội An của bộ đội đặc công Quảng Nam, sự kiện diễn ra cách đây 45 năm.
 |
Trung tá Nguyễn Văn Thành, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 kể lại trận đánh giải phóng nhà lao Hội An.
|
Theo dòng hồi ức của Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Quảng Đà (V25), sau chiến dịch Xuân Hè 1967, đơn vị tổ chức lực lượng đi chuẩn bị chiến trường, điều tra một số mục tiêu quan trọng ở trung tâm thị xã Hội An để sẵn sàng tham gia chiến đấu khi có lệnh. Trong đó, Lao xá Hội An- nơi giam giữ khoảng 1.300 người (chủ yếu là tù chính trị) là điểm ngắm quan trọng của chỉ huy chiến dịch.
Lao xá Hội An được bố trí ẩn sâu trong hệ thống căn cứ của Mỹ, do một trung đội bảo an bảo vệ, đặt dưới sự chỉ huy của đại úy C. Trang bị của địch gồm: 2 đại liên, 2 trung liên, 4 xe GMC và các loại súng máy.
Địch thực hiện bố phòng có 6 lô-cốt xung quanh, mỗi lô-cốt có từ 4 đến 6 lính canh gác. Bên trong, địch xây dựng một nhà xà lim, một nhà giam giữ những người đau ốm, hai nhà giam giữ tù nhân…, tất cả có 12 dãy. Bao quanh nhà lao là hàng chục lớp rào, mìn các loại, đặc biệt mỗi lô cốt đều có từ một đến hai lớp rào ngăn cách. Ngoài ra, giữa các hàng rào, chúng trồng một hàng cây gai lưỡi long (một loại xương rồng có gai nhọn) cao khoảng hai mét. Thâm độc hơn, chúng còn cài nhiều mìn loại lớn sát các dãy nhà giam giữ để sẵn sàng thủ tiêu tù nhân khi bị ta tiến công. Cùng với binh lính trong đồn, nhằm kiểm soát, quản lý những người vào ra thăm hỏi, quân ngụy đặt nhiều trạm gác, mỗi trạm gác có từ ba đến sáu tên, có trạm do cảnh sát kiểm soát.
Sự bố trí của địch đã đặt ra cho chỉ huy Tiểu đoàn 2 nhiều câu hỏi hóc búa. Nếu điều tra theo phương pháp truyền thống, bắt buộc phải nhổ cây gai lưỡi long mới có thể tiềm nhập vào bên trong thì chắc chắn bị lộ. Do đó, tổ chức tiến công theo chiến thuật đặc công “nở hoa trong lòng địch”, nghĩa là đưa quân vào lót sẵn, chờ mệnh lệnh nổ súng, không dễ thực hiện. Nhiệm vụ phía trước nhất định phải hoàn thành. Hơn một nghìn tù nhân là nguồn cán bộ của cách mạng cần phải được giải thoát an toàn, đưa họ trở lại hoạt động. Không nắm chắc được địch, chỉ cần sơ suất nhỏ là số anh em bị giam giữ sẽ bị chúng cho nổ tung... Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành đã không ít lần tổ chức hội ý với cấp phó, cán bộ đại đội, trung đội…về phương pháp tiến công. Cuối cùng, anh quyết định phương án “nội công, ngoại kích”. Trước hết, chỉ huy đơn vị tổ chức “cấy” đảng viên Nguyễn Cho vào hàng ngũ địch làm lính gác, có nhiệm vụ nắm chắc quy luật hoạt động, mật khẩu của chúng. Sau đó, phân công đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc, trợ lý tác chiến tiểu đoàn, chỉ huy một tiểu đội đóng giả lính ngụy đi tuần vòng ngoài, liên hệ với cơ sở nội tuyến, nắm chắc quy luật hoạt động bên trong nhà lao. Quá trình trinh sát của ta vì thế chỉ diễn ra ở bên ngoài mục tiêu. Cụ thể, đến phiên gác, Nguyễn Cho sẽ mở cổng để đồng đội bí mật quan sát, nắm tình hình cụ thể.
Trên cơ sở những thông tin do anh em mật báo, chỉ huy tiểu đoàn quyết định phương án chiến đấu đánh thẳng vào cửa chính tiêu diệt chỉ huy sở, sau đó phát triển chiến đấu đến các nhà lính, giải phóng tù nhân.
Sau 10 phút chiến đấu, toàn bộ quân ngụy ở nhà lao cùng một số mục tiêu xung quanh bị tiêu diệt. 1300 tù nhân được giải thoát và đưa ra ngoài để hành quân về các điểm quy định. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thị ủy Hội An Trần Minh Lượng, cán bộ, dân quân du kích địa phương đã dẫn anh em tù nhân về vùng giải phóng.
Chiến công giải phóng nhà lao Hội An đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Nam như một mốc son trong cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. Đối với những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu, giờ phút đưa đồng chí của mình trở về với cách mạng không chỉ là kỷ niệm mà còn là bài học giáo dục truyền thống cho lớp cháu con về trí thông minh sáng tạo, tinh thần chiến đấu dũng cảm của cha ông.
Bài và ảnh: NGÔ TIẾN LUYỆN